Vụ máy bay Malaysia Airlines mất tích: Nghi vấn máy bay bị cướp

15/03/2014 07:05 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc điều tra vụ mất tích chiếc máy bay chở khách của Malaysia Airlines hiện đang tập trung theo hướng nó bị đánh cướp, sau khi xuất hiện thông tin cho thấy hệ thống liên lạc của máy bay dường như bị tắt đi một cách cố tình và nó có thể đã âm thầm đi tới nơi nào đó.

Hãng tin Reuters hôm 16/3 dẫn nguồn tin riêng thân cận với cuộc điều tra của Malaysia cho biết chiếc máy bay Boeing 777-200 đã đổi hướng và bay về phía quần đảo Andaman nằm tại Ấn Độ dương, thay vì hướng tới Bắc Kinh, Trung Quốc.

Cân nhắc khả năng bị đánh cướp

2 nguồn tin nói với hãng tin về việc rađa quân sự phát hiện một chiếc máy bay không xác định, dường như là chuyến bay MH370 đang mất tích, đi theo các hành lang hàng không N571 và P628. Những tuyến bay này thường được máy bay thương mại sử dụng để đi từ Đông Nam Á tới Trung Đông hoặc châu Âu.

Một nguồn tin điều tra thứ 3 nói với hãng tin rằng các nhà điều tra đang tập trung hơn vào giả thuyết ai đó biết cách lái máy bay, đã cố tình đảo hướng nó. "Những gì chúng tôi có thể nói là chúng tôi đang xem xét khả năng phá hoại, với việc máy bay bị đánh cướp vẫn được cân nhắc" - nguồn tin này, vốn là một quan chức cao cấp của cảnh sát Malaysia, nói với hãng tin Reuters.

2 nguồn tin riêng cũng tiết lộ với Reuters rằng vệ tinh đã thu được các tín hiệu điện tử yếu phát ra từ máy bay sau khi nó mất tích trong ngày 8/3. Tuy nhiên tín hiệu không cho thấy thông tin về việc chiếc máy bay đang đi đâu, cũng như số phận của nó. Các chuyên gia Mỹ đang kiểm tra các dữ liệu này để xem có thể giúp xác định vị trí của máy bay hay không.

Các phi công quân đội Việt Nam trao đổi khi tham gia bay tìm kiếm MH370

Các phi công quân đội Việt Nam trao đổi khi tham gia bay tìm kiếm MH370

Việc máy bay phát các tín hiệu, còn được gọi là ping trên, cho thấy hệ thống tìm kiếm hỏng hóc của nó đã được bật và sẵn sàng giao tiếp qua vệ tinh. Điều này có nghĩa ít nhất máy bay vẫn còn khả năng liên lạc sau khi bị mất kết nối với các cơ quan điều khiển không lưu.

Hệ thống đã gửi các tín hiệu ping trong khoảng 1 giờ đồng hồ, với 5-6 tín hiệu đã được thu nhận. Tuy nhiên chỉ riêng các tín hiệu này không mang tới bằng chứng cho thấy máy bay đang ở trên không hay đã rơi xuống.

Trước đó các quan chức Malaysia thông báo rằng 2 hệ thống liên lạc trên máy bay, gồm hệ thống báo cáo dữ liệu và máy phát tín hiệu vị trí cùng cao độ (transponder) đã bị tắt cách nhau 14 phút. Một số nhà phân tích nói rằng việc này là để che giấu hoạt động bay của máy bay.

Tuy nhiên chuyên gia tai nạn hàng không J. F. Josephs nói với tờ Time rằng người ta có thể chọn việc tắt 2 hệ thống liên lạc này cùng lúc thay vì ngắt cách nhau một cách khó hiểu như vậy.

Ông cũng đánh giá hệ thống liên lạc có thể hỏng do chập điện, dẫn tới việc hệ thống dẫn đường cũng hỏng nốt và đó sẽ là thảm họa cho chiếc máy bay. “Một dạng lỗi nào đó làm hỏng hệ thống liên lạc cũng sẽ làm hỏng khả năng dẫn đường, do các thiết bị điện tử này đều đặt cùng một chỗ" - Bruce Rodger, chuyên gia hàng không tại công ty Aero Consulting Experts cho biết - "Các phi công hẳn sẽ bị nhấn chìm trong khói mù, phải đeo mặt nạ dưỡng khí và về cơ bản là bay mù cho tới khi cạn xăng".

Trực thăng của hải quân Malaysia chuẩn bị cất cánh tìm máy bay mất tích

Trực thăng của hải quân Malaysia chuẩn bị cất cánh tìm máy bay mất tích

Tuy nhiên Rodger nói thêm rằng một vụ cháy như thế có thể cũng làm hỏng các hệ thống khác và khiến máy bay khó có thể bay trong một thời gian dài vài tiếng đồng hồ. Ngoài ra bất kỳ tình huống máy bay giảm tốc nhanh nào cũng sẽ kích hoạt hệ thống tín hiệu báo động khẩn cấp và cho tới nay chuyện đó vẫn chưa xảy ra.

“Thật bất thường khi hệ thống này vẫn chưa bị kích hoạt" - Rodger nói - "Nó có thể là dấu hiệu cho thấy máy bay chưa hề rơi. Nhưng cũng có thể máy bay đã nổ tung, khiến thiết bị hư hỏng hoàn toàn".

Cả Josephs và Rodger đều cho biết nếu được trang bị đủ kiến thức, người ta có thể tắt cả 2 hệ thống liên lạc kể trên của Boeing 777. Người nào làm được việc này hẳn cũng có thể bay chiếc Boeing 777 tới nơi khác mà không bị phát hiện.

"Hãy chờ thêm 1 tuần nữa"

Cảnh sát Malaysia hiện đang điều tra xem có bất kỳ hành khách hoặc thành viên tổ lái trên máy bay vướng vấn đề cá nhân hoặc tâm lý nào, có thể dẫn tới vụ mất tích máy bay hay không.

Ngoài ra, mối quan tâm của lực lượng tìm kiếm cũng đã dịch chuyển sang Ấn Độ Dương, theo sau các tin tức mới xuất hiện. Tuy nhiên công việc này sẽ không dễ dàng. Giới chức chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ so sánh việc chuyển hoạt động tìm kiếm từ khu vực quanh Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương cũng giống như chuyển từ bàn cờ sang sân bóng đá.

Josephs, người đã tham gia hoạt động tìm kiếm chuyến bay số 447 của hãng Air France đâm xuống Đại Tây Dương trong năm 2009, gọi đây là một "nhiệm vụ nặng nề". "Ngay cả khi anh đã tới đúng tọa độ rồi, vẫn có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng tới khả năng tìm kiếm" - ông nói - "Đó là sự phản chiếu ánh sáng, sóng biển, thời tiết, muối. Ở trên không, anh có thể tìm kiếm trên hàng triệu cây số, nhưng ở dưới mặt nước, anh phải dựa vào các thiết bị âm thanh và tìm kiếm qua ống nhòm trong nhiều giờ".

Rodger thì tin chiếc máy bay sẽ sớm được phát hiện. "Thật kỳ quái, nhưng tôi không ở đây để phỏng đoán" - Rodger nói - "Chiếc máy bay cuối cùng rồi sẽ xuất hiện. Hãy chờ thêm một tuần nữa và rồi chúng ta sẽ có các câu trả lời".

Ngày 14/3, Hải quân Mỹ đã gửi đi một chiếc máy bay P-8A Poseidon hiện đại để tìm kiếm máy bay bị mất tích tại Eo Malacca, một tuyến đường biển đông tàu qua lại . Trước đó Mỹ đã triển khai một chiếc máy bay P-3 Orion và khu trục hạm USS Kidd tới vùng nước này.

Ấn Độ cũng đã điều nhiều tàu chiến, trực thăng từ quần đảo Andaman và Nicobar để tham gia tìm kiếm. 2 chiếc máy bay Dornier của Ấn Độ hiện đang sục sạo quanh khu vực quần đảo trên, với tổng diện tích tìm kiếm là 52x720km.

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm