Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Bắt giữ nhiều sỹ quan quân đội cấp cao. Mỹ hứa sẽ 'lưu tâm' đến giáo sĩ Gulen

16/07/2016 20:57 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Các nguồn tin an ninh cho biết cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/7 đã bắt khoảng 100 sĩ quan quân đội tại một căn cứ không quân ở Diyarbakir (Đi-a-ba-kia), Đông Nam nước này, sau vụ đảo chính.
Căn cứ không quân này đã hoạt động như một trung tâm chính trong các chiến dịch không quân năm 2015 chống đảng Công nhân người Kurd (PKK). Trong ngày 16/7 này, không có máy bay cất cánh hoặc hạ cánh tại căn cứ này.

Một số vụ bắt giữ cũng được tiến hành tại các căn cứ quân sự khác ở các tỉnh Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gồm Sanliurfa, Hakkari và Bingol.

Trong khi đó, cùng ngày, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cách chức 2.745 thẩm phán. Đây là quyết định của Hội đồng thẩm phán và công tố viên tối cao (HSYK). Theo hãng tin Anadolu, 5 thành viên trong HSYK cũng bị cách chức đợt này.

Liên quan tới các cáo buộc của chính giới Ankara về vai trò của giáo sĩ Fehullah Gulen trong vụ đảo chính này, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, chính quyền Washington đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ các bằng chứng liên quan.

Ngày 16/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong công tác điều tra vụ đảo chính và đề nghị Ankara chia sẻ các bằng chứng liên quan tới vị giáo sĩ này.

Trước đó, chính giới Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những kẻ ủng hộ giáo sĩ Gulen - người đã sống lưu vong ở Mỹ trong nhiều năm - là thủ phạm đứng sau vụ đảo chính do một nhóm trong quân đội nước này tiến hành.

Chính phủ cũng cáo buộc giáo sĩ Gulen đang tìm cách xây dựng một "cấu trúc song song" trong hệ thống tư pháp, giáo dục, truyền thông và quân đội như một cách nhằm lật đổ đất nước.

Tuy nhiên, ông Gulen đã lên án mạnh mẽ vụ đảo chính và phủ nhận những cáo buộc dính líu đến âm mưu này.

Theo hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, thủ lĩnh cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ là Muharrem Kose, cựu Đại tá quân đội có liên hệ với phong trào tôn giáo và xã hội do giáo sĩ Gulen đứng đầu.

Hồi tháng 3 vừa qua, Đại tá Kose bị sa thải do bị cáo buộc là thành viên của phong trào Gulen. Sau đó, nhân vật này muốn thành lập một tổ chức mang tên "Hội đồng Hòa bình" nhằm thay thế chính phủ hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, cuộc đảo chính cũng có sự tham gia của một số sĩ quan cấp cao như Đại tá Mehmet Oguz Akkus, Đại tá Erkan Agin và Thiếu tá Dogan Uysal. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác nhận./.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm