Vĩnh Phúc bảo tồn văn hóa ẩm thực truyền thống

26/06/2020 11:30 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn)- Từ xa xưa, nhân dân Vĩnh Phúc đã chế biến nhiều món ăn độc đáo từ những sản vật nông nghiệp phong phú, đa dạng của địa phương. Những món ăn không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng, có mùi vị đặc trưng mà còn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được nhân dân gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Chú thích ảnh
Đồng bào dân tộc Dao (Lãng Công, Vĩnh Phúc) chuẩn bị bữa ăn truyền thống trong lễ hội Tết nhảy. Ảnh: BVP

Phó trưởng Ban Quản lý di tích, Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc Dương Văn Minh cho biết: "Ẩm thực truyền thống ở Vĩnh Phúc rất phong phú, đa dạng, các món ăn chủ yếu được làm từ những sản vật nông nghiệp. Hầu như ở địa phương nào trong tỉnh cũng có những món ăn đặc trưng riêng mang hương vị của từng vùng, miền.

Có những món ăn được chế biến cầu kỳ phục vụ trong các lễ hội, ngày Tết; song có những món dân dã phục vụ bữa ăn thường ngày của người dân, trong đó nhiều món ăn nổi tiếng đã được gắn với tên đất, tên làng như cá thính Lập Thạch, bánh hòn Hợp Thịnh (Tam Dương), tép dầu Đầm Vạc (Vĩnh Yên), đậu rùa Tuân Chính (Vĩnh Tường)…

Ngay cả đồng bào dân tộc thiểu số cũng có những món ăn truyền thống đặc sắc như bánh chưng gù, bánh nẳng (Sán Dìu); bánh chim, bánh chuột, xôi ngô ngũ sắc (dân tộc Cao Lan)…

Từ những nông sản như gạo, thịt lợn, mộc nhĩ, lạc, hành lá, qua bàn tay khéo léo, những người nông dân xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương đã làm ra món bánh hòn, một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, mang đặc trưng riêng của vùng quê Bắc Bộ.

Qua mấy chục năm làm bánh, bà Phùng Thị Yên ở thôn Lê Lợi nắm rõ bí quyết chế biến món bánh hòn thơm ngon. Bà cho biết, đầu tiên là việc chọn gạo, gạo dùng để làm bánh không loại nào phù hợp hơn gạo Bao Thai Hà Giang, bởi đặc tính dẻo, dai vốn có.

Gạo được rửa sạch và ngâm với nước 2 ngày, sau đó, vớt ra để ráo và đem nghiền cùng với nước tạo thành hỗn hợp nước bột gạo. Khoảng 2 - 3 ngày sau, mỗi ngày thay nước cho bột 2 lần để bột không bị chua. Công đoạn tiếp theo là khuấy bột. Đây được xem là công đoạn khó nhất, cần tới sự tỉ mỉ và bàn tay khéo léo của người làm bánh.

Ngày nay, bánh hòn Hợp Thịnh trở thành món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết hay cỗ, tiệc của gia đình, làng xã. Chính quyền địa phương đã xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy món ăn cổ truyền này trở thành nét đặc trưng riêng của địa phương. Xã Hợp Thịnh đã thành lập Tổ liên kết hợp tác sản xuất bánh hòn Hợp Thịnh nhằm liên kết các hộ làm bánh hòn trong xã, tạo môi trường để các hộ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm bánh.

Phó trưởng Ban Quản lý di tích, Sở VH-TT&DL Dương Văn Minh cho biết thêm: "Hiện nay, có một số món ăn truyền thống đã bị thất truyền, song có nhiều món ăn được phát huy, nhân rộng, trở thành món ăn đặc sản mang tính hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định cho người dân như món bánh hòn Hợp Thịnh, cá thính Lập Thạch".

Ẩm thực truyền thống là kết tinh của tri thức, thẩm mỹ, phản ánh những đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi địa phương. Hiện nay, văn hóa ẩm thực truyền thống được tận dụng, khai thác trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói; qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc.

PTTT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm