Vàng giả hoành hành ở Trung Quốc

04/12/2010 19:35 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Hong Kong (Trung Quốc) là một trong những điểm giao dịch vàng khối lớn nhất thế giới. Nhưng các thương gia giàu kinh nghiệm ở đây vẫn không ngờ có ngày họ phải nếm “quả đắng” do mua nhầm những thỏi vàng được làm giả một cách cực kỳ tinh vi.

Viên quản lý Mok Yeuk Ping đứng sau quầy hàng của Mok Sang Kee Jewellery, một tiệm kim hoàn nhỏ ở trung tâm Hong Kong và nhìn phóng viên tờ Financial Times bằng ánh mắt cảnh giác cao độ. Tiệm của Mok, cùng một số tiệm vàng khác tại Hong Kong, vừa mua phải một lô vàng giả, bất chấp việc ông là một thương gia đã có nhiều năm lăn lộn cùng thứ kim loại quý màu vàng.

“Siêu vàng giả” tại Hong Kong

Trong bối cảnh giá vàng ngày càng leo thang và chạm mức 1.424,10 USD/ounce hồi tháng trước, vàng đã trở thành mục tiêu thu hút sự chú ý của những kẻ lừa đảo. Và Hong Kong, với vai trò là cửa hậu của thị trường vàng đang bùng nổ tại Trung Quốc, đã dễ dàng là điểm dừng chân của các tay làm vàng giả.


Vàng giả được làm một cách tinh vi đã khiến
nhiều tiệm vàng ở Hong Kong ăn “quả đắng”


Haywood Cheung, Chủ tịch Hội Kinh doanh vàng bạc Trung Quốc cho biết, các thợ vàng và tiệm kim hoàn trong vùng lãnh thổ này mới bị lừa mua từ 200 - 2.000 ounce vàng giả, với thành phần là vàng pha trộn với các kim loại tầm thường khác. Những thỏi vàng giả này vô cùng khó phát hiện. “Chúng được làm giả rất tốt” - ông Cheung nói.

Cheung cho biết, thỏi vàng giả có một lượng lớn vàng thật. Số vàng thật chiếm khoảng 55% thỏi vàng giả. 45% còn lại là hợp kim hình thành từ 7 kim loại khác nhau gồm osmium, iridium, ruthenium, đồng, sắt, nickel và rhodium. Hợp kim vàng giả sau khi được tạo ra lại tiếp tục được phủ thêm một lớp vàng thật khiến nó vô cùng khó phát hiện khi quan sát bằng mắt thường hoặc sờ mó vào thỏi vàng.

Thông thường, trước khi vàng thỏi được mua, một thợ kim hoàn sẽ thử vàng bằng cách nạo nó ra và kiểm tra dưới nguồn nhiệt lớn. Nếu vàng biến màu, điều đó có nghĩa nó là hàng giả. Nhưng trong các vụ lừa mới, vàng giả không hề biến màu. “Vàng giả không phải sản phẩm công nghệ cao nhưng được chế tạo hết sức tinh vi” - Cheung thổ lộ. Bản thân Cheung không rõ những kẻ lừa đảo đã làm cách nào để tạo một hợp kim có thể giữ nguyên màu sắc dưới điều kiện nhiệt lớn như vậy. Tính phức tạp của thỏi vàng dỏm cho thấy có vẻ như nó được chế tác bởi một tay thợ kim hoàn với những thiết bị vô cùng tinh vi và có trình độ hiểu biết tốt về kỹ thuật luyện kim.

Phần lớn các vụ lừa đảo khác có liên quan tới những thỏi vàng mang lõi tungsten hoặc những loại lõi khác rẻ tiền hơn thường dễ dàng bị phát hiện. Tuy nhiên trong các vụ lừa mới xảy ra, những thỏi vàng có màu sắc, khối lượng riêng và độ mềm dẻo giống hệt vàng thật. Ngay cả Luk Fook Group, một trong những công ty kim hoàn lớn nhất Hong Kong, cũng bị lừa mua số vàng dỏm trị giá 11.500 USD hồi mùa Hè năm nay. Sau khi biết bị lừa, công ty đã báo động cho các cửa hàng dưới quyền.

“Đây là vụ lừa lớn nhất từ trước tới nay xảy ra tại cửa hàng của chúng tôi” - Paul Law, Giám đốc điều hành Luk Fook nói.

Hệ lụy của một thị trường vàng “nóng”

Các vụ lừa đảo vàng đã cho thấy hai điều: thứ nhất là sự tăng lên của giá vàng và thứ hai là sự bùng nổ nhu cầu ở Trung Quốc, hiện đang trên đường vượt qua Ấn Độ trong vai trò nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.

Sự trỗi dậy của Bắc Kinh đã vẽ lại bản đồ của ngành công nghiệp vàng toàn cầu và nâng cao tầm quan trọng của thị trường vàng Hong Kong như một điểm kinh doanh lớn trong khu vực.

Cần biết rằng bản thân Trung Quốc đã là nơi khai thác vàng lớn nhất thế giới. Trong 8 tháng đầu năm 2010, hoạt động sản xuất vàng đã tăng 8,85% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 217,9 tấn. Tính trên cơ sở hàng năm, tổng sản lượng vàng của Trung Quốc sẽ vào khoảng 327 tấn. Tuy nhiên, lượng vàng sản xuất này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu và Trung Quốc đã phải nhập một lượng lớn vàng trong năm ngoái để thỏa mãn cơn khát trong nước.

Tuần này, nhà chức trách Trung Quốc đã bất ngờ thông báo rằng tính tới tháng 10 năm nay, họ đã mua thêm 209 tấn vàng, tăng gấp 5 lần con số 45 tấn hồi năm ngoái. Riêng Hong Kong, trung tâm giao dịch vàng nguyên khối lớn nhất châu Á và là nơi chuyển dẫn vàng chính vào Trung Quốc đại lục, đã xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục hơn 88,06 tấn vàng trong 9 tháng đầu năm, gấp đôi mức xuất khẩu một năm trước đó.

Walter de Wet, một nhà phân tích kim loại quý ở Ngân hàng Standard, London nói rằng tổng nhu cầu vàng ở Trung Quốc trong năm nay có thể vượt qua con số 600 tấn, tức tăng gần 75% so với năm ngoái. Theo De Wet, con số trên là còn chưa tính tới lượng vàng được nhập lậu vào Trung Quốc. Nhưng nó đã cho thấy một xu hướng không thể phủ nhận: nhu cầu vàng ở Trung Quốc đang tăng lên một cách chóng mặt.

Phải cắt vàng làm đôi để thử

Dựa vào thực tế trên, không có gì bất ngờ khi tội phạm ở Trung Quốc cũng cố tìm cách thu lợi từ nhu cầu lớn trong nước. Với những người mua thiếu kinh nghiệm ở Trung Quốc, cũng như khu vực còn lại của châu Á, việc phát hiện các thỏi vàng giả “đời mới” có thể sẽ rất khó khăn. Các thủ thuật như đánh, cắn, cào xước mặt vàng chỉ kiểm tra được đặc tính mềm dẻo của vàng nhưng sẽ không giúp phát hiện các thỏi vàng giả với lớp lõi phức tạp hơn.

Một trong những biện pháp đề phòng hiện nay là cắt vàng làm đôi để thử nhiệt, thử phản ứng hóa học, những quy trình vốn không nhận được sự tán thành từ phía người bán. Tuy nhiên, các tiệm vàng ở Hong Kong nói rằng họ buộc phải làm vậy để vừa tránh thiệt hại vừa giữ uy tín kinh doanh, đồng thời giúp ngăn chặn hoạt động lừa đảo được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm