Trung Quốc dạy sinh viên “cách yêu"

20/04/2011 14:22 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Chuyện yêu đương có thể dạy dỗ được không? Có nên đưa nó vào trong chương trình đại học hay không? Đây là vấn đề đang gây tranh cãi ở Trung Quốc sau khi các nhà giáo dục ở Bắc Kinh vừa giới thiệu một dự thảo chương trình giảng dạy về sức khỏe tinh thần trong trường ĐH.

Cảnh ôm nhau nơi công cộng của teen Trung Quốc trở nên bình thường. Ảnh: tin247

Ngay sau khi dự thảo được đưa ra để trưng cầu dân ý hôm 18/4, nó đã gây tranh cãi gay gắt.

“Chuyện yêu đương không thể dạy dỗ được. Chuyện này phải nên tự trải nghiệm và tự hiểu” - Zhang Yu, sinh viên năm cuối của Trường ĐH Tổng hợp Bắc Kinh, người vừa chia tay với bạn trai, khẳng định. Cô nói rằng, nếu môn này được chính thức đưa vào chương trình học tập thì cô sẽ lên lớp nghe giảng, song chỉ coi đó là một hình thức giải trí.

Theo dự thảo thì chương trình giảng dạy về chuyện yêu đương sẽ giúp sinh viên hiểu được ý nghĩa của tình cảm lãng mạn, hỗ trợ sinh viên kiến thức để xử lý những rắc rối trong các quan hệ tình cảm. Chương này cũng còn dạy sinh viên cách biểu lộ, chấp nhận, từ chối, duy trì và xúc tiến chuyện yêu đương. Ngoài ra, chương trình cũng giới thiệu với sinh viên nhiều chủ đề về giới tính, trong đó có cả chuyện quan hệ đồng giới.

Tuy nhiên, có người đặt câu hỏi liệu chương trình giảng dạy đó có thực sự cần thiết cho tất cả sinh viên. Một cư dân mạng có nickname là “Peter is coming” viết trên trang sina.com rằng: “Liệu một sinh viên chăm học và nhiều hoài bão, người không muốn có bất cứ mối quan hệ yêu đương nào trong trường ĐH, có tham gia các buổi học như vậy không?”.

Không giống như các trường ĐH thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, các trường ĐH thuộc thành phố Bắc Kinh chủ yếu tuyển mộ các sinh viên ở thủ đô. Vậy nên, theo Li Meng, một sinh viên khoa lý, thì chương trình giảng dạy về chuyện tình cảm lãng mạn không thiết thực bằng việc hướng dẫn kiến thức về sinh đẻ có kế hoạch và quan hệ tình dục an toàn khi mà các sinh viên sống ở thủ đô đều đã biết yêu từ khi còn là học sinh trung học. “Tốt hơn hết là hãy đưa chương trình này thành những buổi học không bắt buộc. Chương trình học của chúng ta đã quá nặng nên đừng bắt sinh viên phải học một chương trình vô nghĩa như vậy” - Li Meng bày tỏ.


Còn Cao Baoyin, một nhà văn nhà bình luận nổi tiếng ở Trung Quốc, viết trên mạng rằng nếu như chương trình giảng dạy về chuyện yêu đương là bắt buộc, thì áp lực về điểm số sẽ biến môn học này thành một cuộc thi mới. “Lúc đó điểm số là tất cả chứ chuyện yêu đương lãng mạn chẳng là gì cả” - Cao viết và cho rằng môn học này nên để sinh viên được quyền lựa chọn.

Song cũng có nhiều người bày tỏ ý kiến ủng hộ. Một sinh viên năm thứ 2 mang họ Yang ở Trường ĐH Kinh tế và Kinh doanh tin rằng chương trình này sẽ hữu ích cho những sinh viên sống nội tâm khi giờ đây việc sinh viên tự tử vì thất tình không còn là chuyện hiếm nữa. Yang nói: “Nghe cũng có vẻ thú vị. Chương tình này sẽ thiết thực đối với nhiều sinh viên để qua đó giúp họ có thêm “dũng khí” biểu lộ tình cảm của mình với người yêu”.

Yang Dongping, một giáo sư về giáo dục của Viện Công nghệ Bắc Kinh, cho rằng việc đưa những khóa học về sức khỏe tâm lý vào các chương trình đại học là hoàn toàn cần thiết và việc dạy cho sinh viên cách yêu và được yêu cũng rất quan trọng. “Ở Trường ĐH Tổng hợp Harvard, sinh viên cũng được dạy cách cảm nhận hạnh phúc như thế nào. Việc dạy sinh viên cách giao tiếp và chia sẻ với những người mà họ yêu là rất phổ biến. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phương pháp dạy”.

Trước những sự tranh cãi xung quanh vấn đề này, ông Wang Dapin, một quan chức thuộc Ủy ban Giáo dục ở Bắc Kinh, khẳng định chương trình mang mục đích trau dồi tâm lý cho sinh viên ĐH nhằm ngăn chặn các căn bệnh về tâm lý và giúp sinh viên phát triển một cách lành mạnh. “Các trường ĐH được khuyên nên có những khóa học như vậy chứ không bắt buộc”.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm