Tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích: Chỉ còn 1 tuần trước khi mất dấu vĩnh viễn?

22/03/2014 07:39 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Việc phát hiện các mảnh vỡ nghi là thuộc về chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines trên Ấn Độ dương có thể mang tới những manh mối tốt nhất về chiếc máy bay bị mất tích này. Tuy nhiên ngay cả khi tìm thấy mảnh vỡ, người ta sẽ phải đối diện với thực tế sẽ mất hàng năm trời để tìm kiếm và cũng có thể sẽ chẳng bao giờ tìm thấy phần thân  chính của máy bay.

Khu vực biển nằm cách phía Tây Nam Perth (Australia) khoảng  2.500 km, nơi vệ tinh thu được hình ảnh về 2 vật thể lớn nghi thuộc về một chiếc máy bay,  nằm trong một vùng hẻo lánh ở ranh giới giữa phía Nam Ấn Độ dương và rìa Bắc của Nam Đại dương, vốn trải rộng sát tới tận Nam Cực.

Mảnh vỡ chưa chắc giúp tìm thấy máy bay

Nó nằm cách xa các tuyến đường biển có tàu bè thường xuyên qua lại, các vùng đất liền và nổi tiếng vì gió mạnh, biển động. Nếu máy bay rơi vào vùng biển này, tình hình sẽ phức tạp lên rất nhiều, như nhận xét của thuyền trưởng Chris Curl, người từng đưa tàu khoa học Melville đi xuyên Ấn Độ dương. "Nơi này nổi tiếng vì không yên ả và tình hình càng tệ hơn vào mùa Đông" - ông nói với hãng tin AP - "Đây là khu vực biển động mạnh, lạnh lẽo và hẻo lánh. Vì thế nếu có chuyện gì bất ổn xảy ra, người ta sẽ khó nhận được sự giúp đỡ.

Thân nhân các hành khách mất tích cùng MH370 tới một khách sạn dành riêng cho họ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, để nhận tin tức mới

Thân nhân các hành khách mất tích cùng MH370 tới một khách sạn dành riêng cho họ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, để nhận tin tức mới

Các hình ảnh vệ tinh về 2 vật thể nghi vấn là những manh mối nhiều sức nặng đầu tiên kể từ khi MH370 mất tích. Nhưng ngay cả khi chúng là mảnh vỡ thực của MH370, việc tìm ra xác máy bay sẽ còn lâu mới kết thúc. "Đã 13 ngày kể từ khi các mảnh vỡ trôi dạt nên có thể nó đã ở cách xa vị trí máy bay rơi xuống ban đầu. Khoảnh cách có thể từ 500 - 1.000km" - Brad deYoung, giáo sư hải dương học tại Đại học Memorial của Mỹ nói - "Ngoài các mảnh này còn phải kể tới các mảnh vỡ nhỏ khác có thể cũng bị trôi dạt và chúng sẽ nằm cách đó cả chục hoặc vài chục ngàn km".

Tốc độ các mảnh vỡ trôi dạt sẽ tùy thuộc vào sức gió và tốc độ dòng biển. Curl ước lượng rằng với tốc độ gió khoảng 5,4km/h, sau 13 ngày máy bay mất tích, hoạt động tìm kiếm nên tập trung trên một khu vực nằm cách địa điểm tìm thấy vật thể nghi vấn khoảng 1.000km về phía Tây. Nhưng kiểu tìm kiếm ước lượng như thế sẽ khiến người ta phải lùng sục trên một vùng biển khổng lồ, rộng tới vài trăm ngàn hoặc thậm chí là nửa triệu km2.

Hiện nay người ta tin rằng càng tìm thấy nhiều mảnh vỡ, khả năng tìm kiếm ước lượng nơi máy bay rơi xuống càng trở nên tốt hơn, dù kích cỡ các mảnh vỡ rất khác nhau và qua đó làm phức tạp thêm hoạt động tính toán. Các mảnh vỡ nhẹ như thành phần ghế ngồi, do nổi hẳn lên mặt nước, sẽ dễ bị gió tác động hơn. Trong khi đó các mảnh vỡ nửa chìm nửa nổi trong nước sẽ dễ chịu ảnh hưởng từ dòng biển hơn.

Việc tìm thấy các mảnh vỡ trong thời gian sớm cũng rất quan trọng vì chúng ta sẽ tính toán thời điểm chính xác hơn. "Nếu thêm 1 tuần nữa trôi qua, các mảnh vỡ anh tìm thấy có thể sẽ không còn hữu dụng nữa. Đã quá lâu để chúng ta có thể lần ngược theo dấu vết" - deYoung nói.  Như thế cũng có nghĩa ta sẽ không bao giờ có thể biết máy bay đã rơi ở đâu.

Viễn cảnh tìm kiếm kéo dài nhiều năm

Cho tới nay cuộc tìm kiếm vẫn được thực hiện từ trên không, bởi những chiếc máy bay được trang bị thiết bị trinh sát tốt nhất, như ra-đa tổng hợp khẩu độ có thể quét mọi mảnh vỡ lớn ở trên biển. Các vệ tinh có đi qua vùng biển này, nhưng chỉ thi thoảng mới ghé qua. Vì thế ít có khả năng vệ tinh sẽ phát hiện thấy khoảnh khắc MH370 lao xuống biển.

Máy bay P-3C Orion của Australia chuẩn bị cất cánh tìm kiếm máy bay mất tích

Máy bay P-3C Orion của Australia chuẩn bị cất cánh tìm kiếm máy bay mất tích

Người ta còn sử dụng tàu vận tải Hoegh St. Petersburg của Na Uy để tìm kiếm mảnh vỡ. Thủy thủ đoàn của con tàu dài 230 mét này phải dựa vào những chiếc ống nhòm để tìm kiếm, vốn được ông Erik Gierchsky thuộc Hiệp hội các chủ sở hữu tàu biển Na Uy đánh giá là "thiết bị tốt nhất cho hoạt động tìm kiếm". "Đó là con tàu lớn, họ có tầm nhìn tốt và thiết bị tốt để tìm kiếm" - ông nói.

Con tàu có ra-đa nhưng nó sẽ không thể hiệu quả trong việc tìm kiếm các mảnh vỡ nhỏ như mảnh máy bay, ngay cả khi vật thể nghi vấn có chiều dài tới 24 mét như vệ tinh phát hiện.

Tuy nhiên việc tìm kiếm bằng ống nhòm, dù được ca ngợi, cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. "Sẽ rất khó để tìm thứ gì đó có màu trắng hoặc bạc trên biển, bởi các con sóng bạc đầu. Biển giờ rất nhiều sóng và vật thể nghi vấn có thể hiện lên rồi biến mất ngay trước khi anh có thể kiểm tra lại. Vì thế sẽ rất may mắn nếu họ tìm ra thứ gì đó" - Curl nói.

DeYoung ước tính rằng cuộc tìm kiếm MH370 sẽ kéo dài rất nhiều năm. Trước kia cuộc tìm kiếm xác chiếc máy bay Air France 447, vốn đâm xuống giữa Đại Tây dương vào năm 2009, đã phải mất 3 năm trời. Nhưng đó là khi người ta tìm thấy mảnh vỡ trong 6 ngày đầu tiên kể từ khi máy bay mất tích. Các nhà tìm kiếm cũng đã biến chính xác họ cần phải sục sạo ở đâu để tìm chiếc máy bay.

Một trở ngại mà các đội tìm kiếm hiện nay không phải đối mặt khi lùng sục trên Ấn Độ dương là dãy núi ngầm nằm giữa Đại Tây dương, vốn đã khiến cuộc tìm kiếm chiếc máy bay của Air France trở nên phức tạp. Ấn Độ dương có độ sâu từ 3.500 - 5.000 m, nhưng về cơ bản phần đáy khá bằng phẳng. "Tình hình không phức tạp như ở Đại Tây Dương" - deYoung nói - "Nhưng do nó sâu tới vài km nên sẽ rất khó để tìm, chưa nói tới việc thu hồi mảnh vỡ máy bay".

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm