Súng siêu hiện đại của phương Tây vào tay những kẻ cực đoan như thế nào?

09/12/2015 07:01 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 3 năm, một số chuyên gia vũ khí đã bị sốc khi phát hiện một khẩu súng trường rất hiện đại của Bỉ đang nằm trong tay một nhóm chiến binh ở Dải Gaza. Vậy bằng cách nào mà nhóm vũ trang đã bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào "danh sách đen" an ninh lại có thể sở hữu thứ vũ khí như thế?

Ngày 2/10/2012, Lữ đoàn Al-Quds, đơn vị vũ trang của phong trào Jihad Hồi giáo Palestine, đã xuống phố ở Rafah, phía Nam Dải Gaza, để kỷ niệm 17 năm ngày diễn ra vụ ám sát một đồng đội của họ ở Malta.

Thương vụ vũ khí trị giá 12 triệu euro

Đó là sự kiện thường niên, một cuộc diễu binh với mục đích phô ra kho vũ khí đạn dược mới nhất của lực lượng này. Và trong năm 2012 đó, họ đã sở hữu một số món "đồ chơi" mới.

Bên cạnh các khẩu súng trường AK thông thường, súng máy đa năng tới từ các nước từng thuộc Khối hiệp ước Warsaw, súng máy hạng nặng và súng phóng lựu chống tăng, có 2 khẩu súng rất mới là F2000 của Bỉ và AK-103 của Nga.

Đây là 2 món vũ khí ít khi được sử dụng trong cùng một lực lượng chiến đấu. Nhưng tại cuộc nội chiến Libya diễn ra trước đó một năm, súng F2000 gắn súng phóng lựu LG1 ở dưới nòng đã được ghi nhận nằm trong tay các binh sĩ ủng hộ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Những người này còn được trang bị cả một phiên bản của súng AK-103 là khẩu AK-103-2, với khả năng bắn 3 viên một.


Súng F2000 trong tay các chiến binh của Lữ đoàn Al-Quds

Vậy bằng cách nào để những khẩu súng đó tới được Libya và rồi là Dải Gaza? Một cựu chiến binh phiến loạn ở Libya có tên Ahmed đã lần đầu tiên hé lộ với hãng tin BBC về hành trình đặc biệt của những món vũ khí này.

Ahmed cho biết, trong cuộc nội chiến Libya, thời gian lang thang ở thành phố Sabha, anh cùng đồng đội đã chặn được chiếc xe của một viên tướng chính quyền. Trên xe của ông này có một số món vũ khí hay ho, gồm 2 khẩu AK hiện đại, một khẩu súng ngắn mạ vàng và 2 khẩu súng cỡ lớn trông rất lạ mà cả bọn xác định nhầm là FN của Pháp.

Hóa ra những khẩu súng này là kết quả từ một thương vụ mua bán súng mà Libya thực hiện với Bỉ, vào tháng 5/2008. Công ty FN Herstal, có trụ sở ở Liege, đã cam kết bán 367 khẩu F2000 gắn súng phóng lựu LG1, 367 khẩu tiểu liên P90, 367 khẩu súng ngắn Five-seven, 50 khẩu súng ngắn Browning Hi-Power "Renaissance", 30 súng máy hạng nhẹ Minimi, 2.000 súng chống bạo động FN 303 và hơn 1 triệu viên đạn các loại. Lô hàng này có giá hơn 12 triệu euro.

Chính quyền Libya nói rằng họ cần vũ khí Bỉ để hộ tống xe chở hàng viện trợ tới vùng Darfur bất ổn ở Sudan. FN Herstal, nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất châu Âu, cho biết thương vụ bán súng hoàn toàn hợp pháp, bởi khi đó lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Libya đã bị dỡ bỏ. Tới tháng 11/2009, các vũ khí trong thương vụ với Bỉ đã tới Libya và được trang bị cho Lữ đoàn tăng cường số 32.

Kho vũ khí giá rẻ của những kẻ cực đoan

Được biết giai đoạn cuối năm 2003 hoặc đầu năm 2004, tức ngay sau khi lệnh cấm vận vũ khí của LHQ với Libya được gỡ bỏ, nước này đã lập tức thương thảo mua nhiều loại vũ khí đạn dược khác nhau, gồm cả tên lửa đất đối không và tên lửa chống tăng. Một trong số đó là súng AK-103-2. Dữ liệu do công ty tư vấn tình báo Armaments Research Services (ARES), Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) và một số nhóm NGO khác cho thấy vào năm 2004, Libya đã thực hiện 3 đơn đặt hàng mua súng AK-103-2.

Đơn đặt hàng đầu tiên, được thực hiện vào tháng 9/2004, nêu rõ việc mua 60.000 khẩu súng, với mỗi khẩu có 4 băng đạn, 1 lưỡi lê, 1 bộ lau chùi và lọ dầu. Nhưng vào thời gian cuộc nội chiến Libya nổ ra, hơn 200.000 khẩu AK-103-2 hiện đại đã hiện diện ở đất nước này.

Sau khi nội chiến kết thúc, Ahmed và các đồng đội đã chuyển lại cho chính quyền mới phần lớn vũ khí của họ, gồm một khẩu F2000. Nhưng khẩu còn lại được bán cho một tay buôn súng ở chợ đen tại Misrata, Libya, có tên Khaled. Gã này thu gom súng để quyên tặng cho các chiến binh ở Gaza.

Khi được ARES liên lạc, Khaled xác nhận gã đã chịu trách nhiệm chuyển lô súng, gồm một khẩu F2000 và một khẩu AK-103-2, cùng một số khẩu AK-103 khác, tới Dải Gaza. "Chúng tôi muốn giúp người dân Gaza" - gã tuyên bố. Có tin nói, ban đầu các chiến binh tưởng nhầm rằng những khẩu AK-103-2 là súng của Israel nên đã gọi nó là "AK Israel."

Tính tới tháng 8/2015, Lữ đoàn Al-Quds Brigade vẫn tiếp tục phô diễn những khẩu AK-103-2 và F2000. Nhưng lực lượng này không phải là nơi duy nhất sở hữu hai loại súng trên. Súng F2000 gần đây còn xuất hiện trong tay các chiến binh cực đoan ở bán đảo Sinai ở Ai Cập. Giống những khẩu ở Gaza và Libya, chúng cũng có gắn súng phóng lựu LG1.

Và với số lượng đặc biệt lớn, không ngạc nhiên khi súng AK-103-2 đã xuất hiện trong tay các chiến binh của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Libya. Tương tự, súng này được phát hiện nằm trong tay các chiến binh Hamas. Thậm chí, báo cáo từ Ủy ban các chuyên gia về Libya của LHQ còn cho rằng súng AK-103 đã chảy sang tới tận Mali, Tunisia và Niger.

Nhưng nhiều vũ khí khác, không chỉ các khẩu F2000 và AK-103-2, đã bị đánh cướp khỏi các kho vũ khí của Libya trong cuộc nội chiến tại đây. Quân đội của chính quyền Libya từng được vũ trang vô cùng tốt và việc nó sụp đổ quá nhanh trong cuộc xung đột ngắn nhưng đẫm máu hồi năm 2011 đã biến đất nước Libya thành nơi cung cấp vũ khí giá hời cho đủ loại chiến binh trên khắp thế giới.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm