Quan chức Trung Quốc “né” hàng hiệu

25/09/2012 11:15 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Các thương hiệu hàng cao cấp từng hy vọng thu lời từ làn sóng tiêu thụ hàng xa xỉ đang tăng lên ở Trung Quốc đã phải đối mặt với một thực tế không lấy gì làm dễ chịu: nhu cầu dùng mặt hàng này đã giảm mạnh, không chỉ bởi người ta bắt đầu thắt lưng buộc bụng do suy yếu kinh tế trong nước, mà còn bởi Bắc Kinh đã tiến hành trấn áp hoạt động này trong giới quan chức, do nó dễ gây nghi ngờ về sự tham nhũng.

Trung Quốc hiện đang ở trong một giai đoạn rất nhạy cảm với bất kỳ thứ gì có thể gây nghi ngờ về vấn đề tham nhũng, đặc biệt là sau vụ bê bối liên quan tới cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai và người vợ nhiều ảnh hưởng của ông ta, bà Cốc Khai Lai.

Chủ hàng hiệu méo mặt khi công chức bị yêu cầu phải "giản dị"

Chính phủ đã vừa yêu cầu triển khai quy định "phong cách làm việc giản dị" với mọi công chức nhà nước, vốn sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 tới, trong đó cấm họ không được tiêu tiền công vào tiệc tùng hoặc xe hơi đắt tiền. Quan trọng nhất là họ sẽ không còn được phép nhận quà tặng đắt tiền như trước.

Trong văn hóa Trung Quốc, tặng quà vốn là cách để thể hiện sự tôn trọng người được nhận quà và cũng là cơ sở để hoạt động tiêu thụ hàng hiệu ở nước này tăng mạnh. Song một loạt biến cố gần đây liên quan tới hàng tiêu dùng cao cấp, như vụ một thiếu gia con quan chức lái xe Ferrari với tốc độ cao và gây tai nạn, hay vụ giám đốc một Sở An toàn lao động có một bộ sưu tập đồng hồ xịn và quần áo hàng hiệu đắt tiền, đã khiến nhiều người Trung Quốc phẫn nộ.

Bên trong một cửa hàng bán đồ hiệu ở Hong Kong

Theo báo chí địa phương, cảnh sát Trung Quốc giờ sẽ phải nghiên cứu cách phát hiện hàng cao cấp và thông qua đó để làm lộ ra các hoạt động tham nhũng. "Hàng hiệu rất đắt tiền và các công chức, với lương chỉ khoảng 5.000 NDT (790,6 USD) mỗi tháng, không thể có đủ tiền để mua chúng" - tờ China Daily viết vào cuối tuần trước - "Vì thế các công bộc nào sở hữu hàng hiệu cần phải có những lý giải thuyết phục về việc họ đã có các món hàng đó ra sao".

Các thương hiệu hàng cao cấp ở Trung Quốc hiện đang phải chật vật làm ăn trong bối cảnh nền kinh tế đã bắt đầu giảm tốc và nhiều người mua sắm ở Trung quốc đã ngại việc phô trương bởi nó chứng tỏ họ giàu có. Nỗ lực trấn áp của Bắc Kinh cho thấy ngay cả khi tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc phục hồi vào cuối năm nay như nhiều chuyên gia dự báo, nhu cầu sử dụng hàng hiệu và hàng cao cấp sẽ vẫn khó có thể tăng mạnh trở lại bởi thái độ nhạy cảm của người xung quanh đối với việc mua sắm hàng hiệu.

"Có thể thấy một xu hướng chung đang rời xa việc phô trương và xài hàng hiệu. Đây là một xu hướng mang tính ổn định lâu dài" - Rupert Hoogewerf, Chủ tịch Hurun Report, một nhà xuất bản có trụ sở ở Thượng Hải đã cho ra mắt Danh sách người giàu Trung Quốc khá nổi tiếng.

Suy giảm

Tập đoàn thời trang Burberry Group của Anh đã thông báo trong ngày 11/9 rằng tăng trưởng doanh số của công ty ở Trung Quốc đã chậm hơn nhiều so với dự báo. Tin tức khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và người ta đã mường tượng ra viễn cảnh toàn bộ lĩnh vực này sẽ sụt giảm.

Đối thủ của Burberry là Prada SpA mới công bố báo cáo lợi nhuận nửa năm trong ngày 24/9, trong đó viễn cảnh công ty vẫn khá tươi sáng bởi người dùng vẫn khá chuộng thương hiệu này. Thế nhưng cổ phiếu của Prada đã tụt giảm mất 7,5% kể từ khi thông báo của Burberry xuất hiện.

Có những dấu hiệu cho thấy chiến dịch nếp sống giản dị ở Bắc Kinh, vốn được thông báo hồi tháng 7 năm nay, đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nhu cầu dùng hàng hiệu trong nước. Hong Kong, một trong những điểm đến mua sắm hàng sang trọng của người Đại lục, thông báo doanh số bán hàng hạng sang trong tháng 7 chỉ tăng có 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm hẳn so với mức tăng trưởng 11% của tháng 6.

Trước kia chẳng có gì lạ khi thấy các quan chức nhà nước nhận các chai rượu đắt tiền, đồ trang sức sang trọng hoặc các bữa tiệc mời hoành tráng từ giới lãnh đạo doanh nghiệp địa phương. Nhưng kể từ khi "chiến dịch giản dị" được công bố, nhu cầu mua sắm các mặt hàng vốn dùng để tặng như đồng hồ và rượu vang đã nhanh chóng bốc hơi.

Jebsen, một nhà phân phối các thương hiệu cao cấp ở Trung Quốc cho biết mặt hàng rượu vang Bordeaux của công ty tại Hong Kong đã tụt mất 25% về giá trị và 6% về số lượng. Hong Kong vốn là cửa ngõ vào Đại lục của các loại rượu vang siêu cao cấp Grand Cru.

Biến đổi và thích nghi

Tuy nhiên theo một số nhà quan sát khác, cơn sốt dùng hàng hiệu ở Trung Quốc chưa bước vào giai đoạn thoái trào mà chỉ đơn giản là biến đổi để thích nghi với tình hình mới. Nước này vẫn còn rất nhiều người muốn vung tiền mua hàng xa xỉ và Hong Kong cùng Ma Cao vẫn là các thiên đường mua sắm được ưa thích. Tại sòng bạc của tỷ phú Mỹ Steve Wynn ở Ma Cao, vốn có các thương hiệu hàng cao cấp như Louis Vuitton, Piaget và Dior, doanh số bán lẻ vẫn tăng đều so với năm trước.

Các điểm bán hàng hiệu giá rẻ, với nhiều loại hàng hiệu được giảm giá rất mạnh tới 50-60%, cũng dần được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng hơn trước. Desiree Bollier, giám đốc điều hành Value Retail, công ty bán hàng hiệu giá rẻ, nói rằng người tiêu dùng Trung Quốc đang rất chuộng các mặt hàng mang thương hiệu châu Âu lạ mắt, khó tìm ở quê nhà họ. "Có thể thấy nhu cầu không giảm đi mà chỉ biến đổi lên một tầm cao hơn. Thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ ở Trung Quốc giờ đây đang trở nên rộng hơn và ngày càng tinh vi hơn" - bà nói.

Tường Linh (Theo Reuters)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm