Những điều chưa biết xung quanh chiếc hộp đen

29/03/2014 07:04 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Chuyến bay MH370 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines được xác định rơi xuống Ấn Độ Dương. Các nhóm tìm kiếm chạy đua với thời gian bởi chỉ còn hơn một tuần nữa hộp đen sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn.

Hiện Mỹ đã gửi thiết bị xác định tín hiệu hộp đen tới khu vực tìm kiếm. Tuy nhiên, nếu không khoanh vùng được phạm vi máy bay rơi, việc trục vớt chiếc hộp đen là điều bất khả thi.

1. Hộp đen nhưng có màu cam

Hộp đen được dùng để chỉ thiết bị ghi lại những hoạt động bên trong buồng lái cũng như các thông số hoạt động của máy bay. Hộp đen thực ra có màu sắc gần tương tự với cây cầu Golden Gate ở San Francisco, Mỹ. Màu cam của hộp đen là một trong 3 màu cơ bản được dùng trong hoạt động hàng không vũ trụ để dễ dàng phân biệt với các vật thể xung quanh.

2. Hộp đen bao gồm hai phần

Một chiếc hộp đen được cấu tạo bởi hai thiết bị tách biệt nhau: thiết bị thu thập những dữ liệu về chuyến bay (FDR) và máy thu âm thanh từ phòng lái (CVR). Đây là hai thiết bị bắt buộc trên mỗi chuyến bay thương mại và máy bay của công ty tư nhân.

Hộp đen thường được đặt ở đuôi máy bay, nơi chịu tác động ít nhất khi xảy ra tai nạn. FDR lưu giữ những thông tin như tốc độ, độ cao, gia tốc và nhiên liệu máy bay. Phiên bản hộp đen trước đó sử dụng dây kim loại để mã hóa dữ liệu, ngày nay hộp đen được tích hợp hệ thống bộ nhớ thể rắn. FDR có thể hoạt động trong vòng 25 giờ đồng hồ trên máy bay.


Hộp đen của máy bay trong vụ tai nạn tại sân bay San Francisco năm 2013

3. Xây dựng ý tưởng hộp đen từ vụ tai nạn máy bay

Cha của Tiến sĩ David Warren đã thiệt mạng trong tai nạn máy bay ở Bass Strait vào năm 1934, khi ông mới 9 tuổi. Đầu thập niên 50, Tiến sĩ Warren đã hiện thực hóa ý tưởng về một hệ thống có thể lưu lại dữ liệu chuyến bay và đối thoại trong buồng lái nhằm giúp các nhà phân tích chắp nối thông tin về những hoạt động xảy ra trên máy bay.

Ông đã gửi sáng chế này cho Trung tâm Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Melbourne với tựa đề “Một thiết bị giúp điều tra tai nạn máy bay”. Năm 1956 một phiên bản thử nghiệm đã được sản xuất nhưng không nhận được sự chú ý của cơ quan An toàn Hàng không Australia.

Sáng chế của ông bị lãng quên trong vòng 5 năm đầu cho đến khi thiết bị này được sản xuất tại Anh và Mỹ. Dù vậy, Australia là quốc gia đầu tiên đưa công nghệ này vào quy định an toàn hàng không bắt buộc cho các chuyến bay.

4. Các chuyên gia không gọi là hộp đen

Cụm từ "hộp đen" phổ biến với giới truyền thông và công chúng nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không lại không gọi nó là chiếc hộp đen. Có một số giả thuyết cho tên gọi hộp đen với thiết kế ban đầu được phủ hoàn toàn bởi màu đen. Có phóng viên đã mô tả đây là một chiếc hộp kỳ diệu đã bị biến thành màu đen do lửa cháy trong vụ tai nạn máy bay.

5. Chỉ có 2 giờ ghi âm trong khoang lái được lưu trữ

Thiết bị được thiết kể để lưu trữ dữ liệu của 25 giờ bay liên tục nhưng chỉ ghi lại 2 giờ thu âm trong khoang lái. Phiên bản đầu tiên của hộp đen chỉ ghi lại 30 phút âm thanh bên trong khoang lái và cũng được ghi đè lên dữ liệu cũ. Sau này khoảng thời gian được nâng lên thành 2 giờ với hy vọng sẽ thu lại được nhiều manh mối quan trọng trong quá trình điều tra vụ tai nạn máy bay.

6. Không dễ dàng tìm kiếm hộp đen

Hộp đen được thiết kế để ngay khi tiếp xúc với nước, hệ thống phát tín hiệu sẽ hoạt động. Tín hiệu phát liên tục mỗi giây trong vòng 30 ngày kể từ khi vụ tai nạn xảy ra và người ta có thể nhận ra nó ở độ sâu tới 4 km.

7. Thiết kế để không thể bị phá hủy

Hệ thống FDR bên trong hộp đen được bọc hai lớp bằng titanium hoặc thép cực kỳ vững chắc. Trước khi được ứng dụng vào máy bay, hộp đen đã phải trải qua những bài kiểm tra ở điều kiện khắc nghiệt.

Từ việc kiểm tra dưới áp lực nước, thả rơi từ độ cao lớn cho đến nung trong vòng một giờ ở nhiệt độ 1.100 độ C đều không làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động và lưu trữ dữ liệu.

8. Cần được nâng cấp

Sau khi chuyến bay MH370 rơi xuống Ấn Độ Dương, các chuyên gia trong ngành hàng không cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi phương thức hoạt động của hộp đen.

Ở một số quốc gia như Mỹ và châu Âu, các hành khách trên chuyến bay nội địa đã có thể gửi tin nhắn vào mạng internet trong quá trình bay nhưng hộp đen lưu giữ thông tin chuyến bay lại không thể kết nối với thế giới bên ngoài.

Ý tưởng truyền thông tin của hộp đen trực tiếp trở về đài kiểm soát không lưu đã được tính đến nhưng chưa thể thực hiện do cần một lượng lớn băng thông internet.

Hiện Boeing đang xin cấp chứng nhận cho hệ thống truyền tải dữ liệu mới bao gồm việc cung cấp vị trí của máy bay.

Đăng Nguyễn (Theo ABC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm