Nhìn lại 1 tuần Boeing 777 mất tích: Mọi giả thuyết chỉ là màu xám!

16/03/2014 05:54 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ mất tích chiếc máy bay của Malaysia Arilines đã làm dấy lên hàng tá giả thuyết về nơi biến mất của nó, từ Ấn Độ Dương tới Biển Đông, cũng như cách mà chuyến bay MH370 biến mất.

Dưới đây là những điều chúng ta đã biết và chưa biết cùng với các đầu mối và giả thuyết về những gì đã diễn ra với chiếc Boeing 777-200ER này sau 1 tuần "mất tích".

Địa điểm

Liên lạc lần cuối: Chuyến bay MH370 liên lạc lần cuối với trạm điều hành không lưu vào ngày 8/3 tại phía Đông Malaysia, thuộc biển Đông, trên khu vực tiếp giáp giữa Việt Nam và Malaysia. Đây cũng là địa điểm tập trung tìm kiếm ban đầu. Nhiều chuyên gia cho rằng chiếc máy bay đã trải qua một biến cố đột ngột, bởi phi công đã không kịp báo động với mặt đất trước khi chiếc máy bay mất tích khỏi màn hình radar.

Tuy nhiên, các lực lượng tìm kiếm không thấy gì ở khu vực này cũng như xa hơn, ở phía Bắc vịnh Thái Lan. Trong vòng 18 giờ, giới chức Malaysia cho hay, họ tin trằng chiếc máy bay đã cố tìm cách quay lại và những chiếc máy bay cũng như tàu tìm kiếm đã được điều đến eo biển Malacca, ở một phía khác của Malaysia

Mở rộng vùng tìm kiếm: Hoạt động tìm kiếm được di chuyển tới Ấn Độ Dương vào thứ 6, sau khi giới chức Hoa Kỳ cho rằng chiếc máy bay đã phát tín hiệu tới vệ tinh nhiều giờ đồng hồ sau khi mất liên lạc với trạm điều khiển không lưu. Hải quân Mỹ đã điều một tàu từ eo biển Malacca. Phía Ấn Độ cho hay, họ đang tìm kiếm hàng trăm hoang đảo nhỏ trong vùng biển Andaman, cách nơi chiếc máy bay của Malaysia Airlines liên lạc lần cuối hơn 700 dặm về phía Tây.

Báo cáo địa chấn: Một trường đại học Trung Quốc cho hay, họ đã dò ra một hiện tượng địa chấn ở "khu vực không phải vùng hay xảy ra động đất" gần biển Đông, nơi chiếc máy bay mất liên lạc với trạm không lưu. Các nhà địa chất Mỹ cho hay, trường hợp trên là một trận động đất chừng 2.8 độ Richter ngoài bờ biển Indonesia. Và các nhà địa chất Mỹ cũng nói thêm rằng máy bay rơi không thể gây động đất.

Malaysia Airlines bỗng chốc thu hút sự chú ý của toàn cầu. Ảnh: Phạm Mỹ

Nguyên nhân

"Sự can thiệp của con người": Một quan chức Mỹ nói từ Washington rằng các nhà điều tra đang kiểm tra khả năng có sự "can thiệp của con người" và rằng vụ mất tích có thể là một "hành động không tặc". Những bằng chứng đằng sau giả thuyết này là hệ thống phát tín hiệu tự động của chiếc Boeing 777 đã tắt vài phút sau khi hệ thống liên lạc trên chiếc máy bay ngừng hoạt động.

Một vài chuyên đang thiên về giả thuyết rằng phi công hoặc một người nào đó có kinh nghiệm hàng không đã cố tình đổi hướng chiếc máy bay. Bởi các chuyên gia thấy thật khó để tin một chiếc phản lực hiện đại như Boeing 777 lại xảy ra một lỗi hư hỏng hoàn toàn hệ thống điện khiến chiếc máy bay không thể liên lạc khi vẫn tiếp tục bay.

Khủng bố: Phỏng đoán ban đầu ngả sang hướng khủng bố, sau khi hai người đàn ông (sau đó được xác định là người Iran), lên máy bay với hộ chiếu ăn cắp. Giới chức sau đó đã xác nhận, đây là những người tìm cách di cư bất hợp pháp tới châu Âu. Không có một nhóm khủng bố nào lên tiếng nhận trách nhiệm về chiếc máy bay mất tích, và các chuyên gia đã đặt câu hỏi vì sao chiếc máy bay nếu bị không tặc lại không nhắm vào bất cứ mục tiêu là thành phố hay căn cứ quân sự nào.

Hỏng máy móc: Các chuyên gia hiện tại coi giả thuyết này không thể xảy ra,  trước tin chiếc máy bay đã phát tín hiệu hàng giờ sau khi nó bị mất tích, cùng với thực tế không có mảnh vỡ nào được tìm thấy ở gần địa điểm chiếc máy bay liên lạc lần cuối. Thiết bị ghi dữ liệu bay và ghi âm giọng nói từ buồng lái của chiếc Boeing 777-200ER cái này gọi chung là hộp đen có thể phát tín hiệu tới 30 ngày, song người ta chưa thu được bất kỳ tín hiệu nào.

Giảm áp suất: Các chuyên gia cho rằng có thể giảm áp suất xảy ra khi chiếc máy bay tiếp tục bay, khiến mọi người trên chuyến bay bị bất tỉnh và không thể phản ứng, tương tự những gì đã diễn ra trong vụ tai nạn năm 1999, vốn cướp đi sinh mạng của tay golf Payne Stewart cùng 5 người khác. Một nhà điều tra Malaysia nói hôm thứ Sáu rằng dựa vào đường bay, có thể thấy người điều khiển bay trong buồng lái là nhân vật giàu kinh nghiệm.

Mọi giả thuyết về tình hình chiếc máy bay Boeing 777-200ER đều khá u ám

Những tín hiệu

Những người trên máy bay muốn nói điều gì? Chiếc máy bay vẫn gửi tín hiệu tới bốn giờ đồng hồ sau khi nó xuất hiện lần cuối trong màn hình radar, nghĩa là nó vẫn còn nguyên vẹn - chưa bị vỡ tan sau khi ngừng liên lạc với mặt đất.

Chiếc máy bay có thể ở đâu? Các chuyên gia tin rằng, hoạt động truyền phát tín hiệu trên đồng nghĩa với việc chiếc máy bay vẫn ở trên không sau khi nó ngừng liên lạc với trạm điều hành không lưu.

Tại sao tín hiệu bị ngắt? Một phi công nghỉ hưu và cũng là người dạy lái Boeing 777 nói chiếc máy bay có hai hệ thống nhận - phát tín hiệu, để phát dữ liệu radar. Cả hai có thể có thể bị tắt bởi một nút bấm đơn giản trong buồng lái, qua đó vẫn giữ liên lạc radar song xóa sạch các yếu tố nhận dạng như tốc độ bay và cao độ của chiếc máy bay khỏi màn hình của trạm kiểm soát không lưu. Cựu cơ trưởng Ross Aimer nói: "Trong những hoàn cảnh bình thường, chẳng có lý do gì để phi công tắt hệ thống nhận - phát tín hiệu."

Cả thế giới vẫn luôn cầu nguyện và trông chờ vào điều kỳ diệu với chuyến bay MH 370 trong suốt tuần qua

Những hình ảnh

Những mảnh vỡ do Trung Quốc công bố: Những hình ảnh được công bố trên website chính phủ Trung Quốc cho thấy ba vật thể gây nghi vấn trôi nổi và những chiếc máy bay tìm kiếm đã được điều tới biển Đông, nằm ngoài khu vực cực Nam của Việt Nam. Nhưng các chuyên gia cho hay, ít khả năng đây là mảnh vỡ của một chiếc Boeing 777 bị rơi.

Những vệt dầu loang: Những vệt dầu loang đã được nhìn thầy hôm thứ Bảy ở biển Đông, củng cố hơn các phỏng đoán ban đầu rằng chiếc máy bay đã bị rơi ở đây. Nhưng khi đem đi kiểm định, người ta đã không thấy dấu vết xăng máy bay

Phạm Mỹ
Theo AP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm