Kinh tế Mỹ - một ngày trước bờ vực phá sản

16/10/2013 15:01 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nền kinh tế Mỹ đang đứng trên bờ vực phá sản sau khi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa phủ quyết đề xuất nhằm mở cửa lại chính phủ và nâng trần nợ công vốn sẽ hết hạn vào ngày 17/10.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner thất bại nỗ lực nhượng bộ Đảng Dân chủ

Chủ tịch Hạ viện Mỹ, John Boehner đã cố gắng đưa ra đề xuất nhằm thuyết phục các nghị sĩ Đảng Cộng hòa thông qua một dự luật nhằm tránh cho chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ vào ngày 17/10. Tuy nhiên, dự luật mà ông Boehner soạn thảo thậm chí còn không nhận được sự đồng thuận của các nghị Đảng Cộng hòa trong cuộc bỏ phiếu vào ngày hôm qua.

Nước Mỹ còn một ngày để nâng mức trần nợ công

Nhà Trắng thừa nhận Quốc hội Mỹ cần sớm đạt được một thỏa thuận trước khi thời hạn chót ngày 17/10 đang ngày một đến gần. Một ngày mới bắt đầu đem đến những hi vọng về một cuộc đàm phán mang tính đột phá.

Bánh pizza được chuyển tới văn phòng Chủ tịch Hạ viện John Boehner

Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói rằng ông cảm thấy mệt mỏi với những mâu thuẫn của phe Đảng Dân chủ ở Thượng viện và Đảng Cộng Hòa ở Hạ viện. "Trong khi các nhà lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện đang cố gắng đàm phán để tháo gỡ bế tắc thì chính những nghị sĩ của hai đảng lại cương quyết không chấp nhận nhượng bộ".

Một cuộc thăm dò của tờ Washington PostABC News cho thấy có khoảng 74% người Mỹ không tán thành cách mà phe Cộng hòa ở Quốc hội xử lý bế tắc, trong khi mức này đối với chính quyền của Tổng thống Obama là 53%. Một nghiên cứu khác được Gallup công bố hôm thứ Ba cho thấy niềm tin của người Mỹ vào nền kinh tế đất nước đã giảm thêm 5 điểm trong tuần qua kể từ khi chính phủ đóng cửa kéo dài sang ngày thứ 16.

Fitch cảnh báo hạ mức tín nhiệm của Mỹ

Nếu không thể thanh toán các khoản nợ, nước Mỹ sẽ ngay lập tức bị hạ tín nhiệm xuống "RD" (vỡ nợ có giới hạn) cho đến khi việc này được giải quyết. Tuy nhiên, hãng Fitch cũng cho biết quyết định của mình còn phụ thuộc vào việc Quốc hội nâng trần nợ như thế nào và trong vòng bao lâu. "Fitch quan ngại về khả năng chính phủ Mỹ không thể đưa ra một thỏa thuận nâng mức trần nợ công trước hạn cuối cùng vào ngày 17/10".

Một số nhà bình luận, trong đó có hãng xếp hạng Moody’s dự đoán Bộ Tài chính sẽ ưu tiên thanh toán lãi suất trái phiếu nếu trần nợ không được nâng, để bảo vệ tín nhiệm quốc gia. Tuy nhiên, Fitch cho biết Bộ Tài chính "có thể không ưu tiên việc này và chưa rõ liệu họ có quyền lực pháp lý để làm thế hay không".

Chỉ số Dow Jones đã giảm 133,25 điểm tương đương với mức giảm 0.87% trong khi kết thúc phiên giao dịch ngày 15/10 cho thấy sự quan ngại về khả năng chính phủ Mỹ vỡ nợ dù các bước đột phá có thể được tiến hành ngay trước ngày thứ Năm.

Fitch nhận định cuộc khủng hoảng hiện tại cũng tương tự năm 2011, "làm giảm niềm tin vào đồng USD trong vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu và ảnh hưởng đến tín dụng của Mỹ". Năm 2011, cuộc chiến nâng trần nợ của Mỹ đã khiến nước này bị Standard & Poor's hạ một bậc xếp hạng, từ AAA xuống AA+. Còn Moody’s vẫn duy trì xếp hạng AAA.

Nguyễn Hồng Đăng
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm