Hàng loạt quan chức Trung Quốc mất ghế vì sữa bẩn

24/09/2008 08:49 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tính tới ngày 23/9, đã có 4 quan chức cấp cao ở Trung Quốc mất chức trong vụ sữa nhiễm melamine đầy tai tiếng. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đưa ra lời xin lỗi vì để xảy ra vụ việc và cam kết tiến hành kiểm tra, thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp sữa trị giá 20 tỷ USD. Nhưng xem ra nỗ lực của Trung Quốc vẫn chưa thể lấy lại lòng tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế, ít nhất là trong thời gian trước mắt.
 

Những "nạn nhân" cấp cao đầu tiên

Ngày 22/9, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giám sát, Quản lý và Kiểm dịch (AQSIQ) Lý Trường Giang đã đệ đơn xin từ chức vì để xảy ra vụ sữa nhiễm bẩn melamine làm hơn 53.000 em nhỏ bị bệnh. Lá đơn của ông đã được Hội đồng Nhà nước chấp nhận. Ông Lý, 64 tuổi, đã lãnh đạo AQSIQ kể từ năm 2001. Năm ngoái vị trí của ông từng bị lung lay, theo sau hàng loạt vụ bê bối về độ an toàn của hàng hóa Trung Quốc như kem đánh răng có chất độc hại, đồ chơi nhiễm chì, lốp xuất khẩu kém chất lượng và hàng thủy sản bị nhiễm hóa chất.
 Ông Lý Trường Giang, một trong những quan chức
cao cấp mất ghế vì sữa kém chất lượng
Ông Lý đã thề sẽ chấm dứt các bê bối nhằm nâng cao hình ảnh và uy tín của thương hiệu hàng "Made in China". Tuy nhiên vụ bê bối mới nhất đã đánh sụp mọi nỗ lực của ông, nhất là sau các cuộc kiểm tra hồi cuối tuần trước cho thấy melamine được sử dụng lan tràn trong ngành công nghiệp sản xuất sữa Trung Quốc.

Ngoài ông Lý, chính quyền trung ương còn sa thải Ngô Hiển Quốc, Bí thư Thành ủy Thạch Gia Trang. Trước đó, Thị trưởng Thạch Gia Trang Ký Xuân Đường và Phó Thị trưởng Trương Pháp Vọng cũng đã bị cách chức. Theo kết quả điều tra, ngay từ tháng 12/2007 đã có người tiêu dùng phát giác, tố cáo sữa Tam Lộc có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. Nhưng mãi đến ngày 2/8, Tập đoàn Tam Lộc mới báo cáo cho chính quyền thành phố Thạch Gia Trang, song giới lãnh đạo lại không có biện pháp xử lý ngay và mãi đến ngày 9/9 mới báo cáo với chính quyền tỉnh Hà Bắc.

Thêm nhiều nước tẩy chay hàng Trung Quốc
 
 Một sản phẩm sữa của tập đoàn Tam Lộc
Nhằm lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, Trung Quốc đã tích cực ban bố hàng loạt biện pháp sửa sai. Cụ thể từ nay toàn bộ các điểm thu gom sữa sẽ phải đăng ký hoạt động với chính phủ. Các cuộc kiểm tra sẽ được đẩy mạnh nhằm loại bỏ triệt để tình trạng thêm melamine vào sữa kém chất lượng. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các sản phẩm sữa và hàng hóa phục vụ việc xuất khẩu. Chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông đã phê chuẩn luật hạn chế nghiêm ngặt sử dụng chất melamine trong thực phẩm. Luật này có hiệu lực từ ngày 23/9, theo đó, những người cung cấp hoặc buôn bán thực phẩm sẽ bị truy tố nếu nhập khẩu các thực phẩm dành cho trẻ em và phụ nữ có thai trong đó có tỉ lệ melamine vượt quá 1 miligram/kg sản phẩm. Đây được xem là quy định nghiêm ngặt nhất thế giới về vấn đề này.

Cho tới nay, ngoài sữa trẻ em, melamine đã được tìm thấy trong sữa tươi, sữa chua, kem và bánh ở Hồng Kông. Điều này đã thực sự gây ra một làn sóng sợ hãi các sản phẩm có liên quan tới sữa ở Trung Quốc. Tại khu vực châu Á, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Philippines đã cấm các sản phẩm sữa nhập khẩu từ Trung Quốc. Malaysia thậm chí còn mở rộng lệnh cấm đối với kẹo sôcôla, bánh quy và các loại kẹo do Trung Quốc sản xuất.

Tại châu Âu, Ủy ban Y tế của EU đã yêu cầu Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) đánh giá khẩn cấp khả năng rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm từ sữa. Tất cả các sản phẩm sữa của Trung Quốc đã bị cấm nhập vào thị trường châu Âu từ vài năm trước đây, song nhà chức trách nghi ngờ sữa Trung Quốc vẫn được đưa lậu vào châu Âu và chúng có thể được sử dụng để làm bánh quy hoặc các loại sản phẩm có thành phần sữa khác.
 
Một số quốc gia châu Phi xa xôi như Tanzania cũng cấm nhập sữa từ Trung Quốc còn Rwanda phải tiến hành kiểm tra thị trường sau khi có tin sữa nhiễm melamine được tuồn vào nước này qua hoạt động thương mại với quốc gia láng giềng Burundi. Chính quyền Bangladesh lại tỏ ra quá cẩn thận khi ban lệnh kiểm tra chất lượng sữa của cả những quốc gia áp dụng hệ thống kiểm tra chất lượng chặt chẽ như Australia, New Zealand và Đan Mạch.

"Tôi rất sợ sau khi đọc những bài báo về sữa nhiễm bẩn" - chị Sultana Rahman, một phụ nữ Bangladesh có con 8 tháng tuổi cho biết - "Tôi thà cho cháu dùng sữa của mình còn hơn là dùng sữa bột".

Sữa mẹ "lên giá"

Trong bối cảnh sữa bột khiến 4 em nhỏ Trung Quốc thiệt mạng và 13.000 em khác vẫn đang phải nhập viện, người ta mới bắt đầu bàn tới mặt trái của sữa bột. Tờ Washington Post dẫn nguồn Hội liên hiệp phụ nữ Trung Quốc cho biết chỉ có 47% phụ nữ nước này cho con dùng sữa mẹ. Các chuyên gia thì tin rằng con số thực thậm chí còn thấp hơn. Một nghiên cứu hồi những năm 1990 cho thấy rằng ở Bắc Kinh chỉ có 13,6% phụ nữ cho con dùng sữa mẹ. Trong khi đó những năm 1950, tỉ lệ này là 80%.

Trong một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh như ở Trung Quốc, ngày càng nhiều bà mẹ đi làm. Những đứa trẻ được ông bà nuôi nấng và dĩ nhiên, chúng phải uống sữa bột, vốn tiện hơn sữa mẹ. Chỉ khi có sự cố xảy ra, người ta mới thấy sữa mẹ thật đáng giá. Cần phải biết rằng trong những năm 1950, phụ nữ Mỹ cũng đua nhau cho con dùng sữa bột với quan niệm việc đó khiến con họ trở nên khỏe mạnh. Nhưng giờ đây đa phần bà mẹ Mỹ đều cho con bú bởi họ đã được trang bị kiến thức để hiểu rằng không có gì tốt hơn cho sức khỏe của trẻ bằng sữa mẹ.
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm