Đường hầm qua eo biển Manche và những con số khổng lồ

06/05/2014 16:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đến ngày 6/5/1994 – ngày này cách đây đúng 20 năm, sự ra đời của con đường hầm nối liền hai bờ Anh – Pháp  thực sự là sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong quá trình phát triển hệ thống giao thông toàn châu Âu.

Đường hầm qua eo biển Manche nối liền thị trấn Folkestone, Kent (Vương quốc Anh) và thị trấn Coquelles gần Calais (miền bắc nước Pháp) với chiều dài 50,5 km là đường hầm xe lửa dài thứ 2 thế giới.

Từ năm 1996, đường hầm này mỗi năm vận chuyển 8 triệu lượt khách ngồi xe con, 4,5 triệu lượt khách ngồi xe khách và 8,5 triệu tấn hàng hóa. Chỉ riêng nước Anh, đường hầm này đã tạo công ăn việc làm cho 70 ngàn người.

Trong lịch sử, eo biển Manche từng là bức tường chắn tự nhiên ngăn chặn khói lửa của nhiều cuộc chiến tranh ở đại lục không lan sang quần đảo Anh. Tuy nhiều lần bảo vệ Vương quốc Anh khỏi súng đạn nhưng chính nó cũng là rào cản ngăn cách sự giao lưu giữa Anh và châu Âu, đặc biệt vào giai đoạn kinh tế và khoa học kỹ thuật phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Cho tới khi nhu cầu đẩy mạnh sự giao lưu kinh tế toàn châu Âu trở nên cấp thiết, eo biển Manche vô tình đã trở thành điểm cản trở giao lưu nghiêm trọng.

Nữ hoàng Elizabeth II và Tổng thống Pháp François Mitterrand cắt băng khánh thành vào ngày 6/5/1994.

Được đầu tư tổng cộng 10 tỷ bảng Anh và mất sáu năm xây dựng, đường hầm qua eo biển Manche xứng đáng với tên gọi là một trong những công trình vĩ đại và tốn kém nhất lịch sử.

Năm 1998, hầm có tổng lượng vận tải hành khách đạt 18,4 triệu lượt người, năm 2003 giảm xuống còn 14,9 triệu, sau đó lại tăng lên 16,1 triệu lượt vào năm 2008.

Ở thời điểm quyết định xây dựng đường hầm được thông qua, 15,9 triệu hành khách dược dự đoán sẽ lưu thông qua đường hầm eo biển Manche trên những chuyến tàu chở khách tốc độ nhanh Eurostar. Tuy nhiên, Eurostar cũng bị giới hạn bởi sự thiếu hụt một đường kết nối tốc độ cao ở phía Vương quốc Anh. Sau khi High Speed 1 nối với London được hoàn thành, trong hai năm 2003 và 2007, khối lượng vận tải đã tăng lên. Năm 2008, Eurostar chở 9.113.371 hành khách xuyên đường hầm, tăng 10% so với năm 2007 dù có những gián đoạn vận tải vì sự cố hỏa hoạn ngày 11/9/2008.

Khối lượng vận tải hàng hoá qua đường hầm thường không ổn định, đặc biệt là sự sụt giảm đáng kể năm 1997 sau thời gian đóng cửa bởi vụ cháy tàu chở hàng. Tổng khối lượng hàng hoá qua đường hầm tăng theo thời gian càng cho thấy khả năng thay thế của đường hầm cho vận tải đường biển.

Đường hầm trong thời gian sửa chữa.

Năm đầu tiên, khối lượng hàng hoá được vận chuyển qua đường hầm xuyên biển Manche được dự đoán là 7,2 triệu tấn. Tuy nhiên, con số của năm 1995 chỉ là 1,3 triệu tấn, 3,1 triệu tấn vào năm 1998, giảm xuống còn 1,21 triệu tấn vào năm 2007 và tăng khiêm tốn với 1,24 triệu tấn vào năm 2008.

Đường hầm luôn được coi là đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng, đưa con người xuyên qua lòng biển hay những dãy núi hùng vĩ một cách dễ dàng. Đường hầm qua eo biển Manche đỉnh cao nổi tiếng không chỉ bởi các yếu tố kinh phí đầu tư, quy mô xây dựng mà còn đánh giá cao bởi những giá trị to lớn nó mang lại cho hai cường quốc Anh – Pháp nói riêng và cũng như châu Âu, thế giới nói chung.

Hải Yến (Tổng hợp)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm