Di chuyển một thiên đường

03/09/2011 07:17 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Cuối tuần) - Kiruna trong trí nhớ của nhiều người Thụy Điển là một thị trấn ngủ yên. Lâu lâu, khi có một chuyến tàu xuyên màn đêm đi ngang qua, Kiruna lại ánh lên một vẻ thẫm đỏ thanh bình như thiên đường. Nhưng thiên đường ấy đang bắt đầu di chuyển.

Nằm cách vòng cung bắc cực 145 km về phía bắc, thị trấn Kiruna yên ắng của Thụy Điển có những di tích lịch sử, có những ngôi nhà, cửa hiệu, quảng trường trung tâm, nhà thờ gỗ xưa cả trăm năm tuổi. Thị trấn đẹp như một bộ phim viễn Tây với những hồi còi tàu kéo vào mỗi chiều, tiếng còi của những bữa cơm chiều và tiếng còi báo hiệu của những đợt chuyển quặng đi xa. Như một thói quen cả trăm năm và nay những tiếng còi đang dần trở thành xa xỉ. Bởi trượt đất (nghe như trượt giá!), cuộc sống của người dân đang bị đe dọa bởi hiện tượng trượt đất, bởi trung tâm thị trấn này với 18.000 dân nằm ngay bên trên một mỏ quặng sắt đang được khai thác. Sau 110 năm hoạt động với hơn 1,1 tỷ tấn quặng đã được khai thác, hiện đã có rất nhiều khe nứt ngầm làm biến dạng nền đất sâu bên dưới thành phố.

Trước đây, ngay khi cuộc khủng hoảng kinh tế có làm chậm lại tiến độ khai thác, nhưng việc cho nổ mìn trong suốt một thế kỷ qua trên một mạch quặng dài 4km và rộng 100 mét này, vốn sâu đến mức độ nào thì hiện nay chưa ai biết được, đã tạo ra các khu hầm mỏ ngay dưới lòng thành phố hiện hữu, tức phần nền móng của thành phố nay đã bị “bọng như tổ ong”. Thế là, giống như đơn thuốc của một bác sĩ, Kiruna phải đứng trước một trong hai lựa chọn: Hoặc là đóng cửa mỏ quặng sắt, hoặc làm mọi cách để bảo đảm tính mạng cho người dân. Kiruna chọn cách thứ hai, vì kinh tế. Kiruna ra đi, để lại phía sau cả trăm năm lịch sử. Nhưng họ chỉ để lại lịch sử phía sau, còn những công trình kiến trúc thì họ muốn mang theo.

Tại Kiruna, ngôi nhà thờ gỗ màu đỏ gần 100 tuổi và Tòa thị chính là 2
công trình kiến trúc quan trọng cần được di dời cẩn thận

Thần đèn Thụy Điển

Chính vì điều đó mà Kiruna nghĩ ngay đến Christer Vinsa, tay kỹ sư xây dựng nổi tiếng, người đình đám với nhiều dự án di dời có tính đột phá. Chỉ có Vinsa mới đủ sức đem cả trăm năm hồn vía Kiruna di dời tới chân núi Luossavaara, cách đó 4km, ngay bên cạnh chiếc hồ tuyệt đẹp, Luossajärvi. Tuy nhiên, Vinsa trong đời mình chưa làm vụ nào lớn bằng lần này. “Có rất nhiều vấn đề đau đầu về mặt kỹ thuật cần phải giải quyết. Chúng tôi phải di chuyển toàn bộ hệ thống đường sắt, đường giao thông, đường điện nước, nhà dân và tất cả những công trình kiến trúc phải còn nguyên vẹn. Song, thách thức lớn nhất là làm sao cho việc di chuyển này phải bảo tồn được phần hồn của thị trấn Kiruna tại vị trí mới và làm sao để người dân mãn nguyện và hài lòng khi chuyển đến đó sinh sống”. Chỉ tay một vòng quanh văn phòng làm việc của mình, Vinsa không giấu được nỗi lo lắng: “Mặc dù hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu nguy hiểm nào rõ rệt, nhưng một vài khu phố sắp được di dời có thể chỉ còn có vài năm để chuẩn bị dọn đi mà thôi. Và nếu như trường hợp xấu nhất xảy ra, có thể chúng tôi cũng sẽ không còn ngồi làm việc tại đây được nữa vào năm 2013”.

Trên thực tế, hệ thống truyền tải điện mới đã được lắp đặt xong, việc xây dựng đường sắt cũng đã bắt đầu vào tháng 3/2009, song chính quyền lo lắng nhất là di chuyển nguyên vẹn toàn bộ các công trình kiến trúc mang tính lịch sử của thành phố Kiruna, đặc biệt có ngôi nhà thờ gỗ đỏ nay đã 98 năm tuổi và được bình chọn là công trình xây dựng đẹp nhất Thụy Điển, và cả tòa thị chính nữa. Theo kế hoạch của dự án di dời, một vài công trình sẽ được tháo dỡ và được chuyển đi “từng viên gạch một”. Một trong số những công trình đầu tiên phải “ra đi” là ngôi nhà của ông Hjalmar Lundholm, được xây vào năm 1899. Chính ông là người thành lập ra thành phố Kiruna và là người lãnh đạo đầu tiên của tập đoàn khai thác mỏ LKAB tại đây.

Khu vực mỏ quặng sắt Kiruna nằm chếch nghiêng 60o. Quá trình nổ mìn khai thác suốt hơn 100 năm qua đã khiến lòng đất bị biến dạng và nguy cơ nền đất bị trượt xuôi về hướng trung tâm thành phố Kiruna là có thật

Hài hòa đô thị

Thật ra Kiruna đã ở đấy bình yên được… 6.000 năm cho đến khi Samuel Mort, một nhân viên kế toán của Công ty KengisAnn khẳng định dưới những ngọn đồi ở vùng thảo nguyên ấy là… quặng sắt. Ấy là năm 1696 và do khí hậu cách trở, đường xa xôi (khai thác vào mùa hè và vận chuyển vào mùa đông) cho nên phải đến 1900 Kiruna mới chính thức trở thành một thị trấn khai thác quặng đúng nghĩa, đường sá thông thoáng, hệ thống vận chuyển hiện đại. Dân cư thị trấn được đào tạo làm công nhân, Kiruna sống bằng sắt từ dạo ấy (thế chiến thứ hai, Kiruna trở thành nguồn cung cấp sắt cực lớn để đúc vũ khí cho quân Đức). Và hệ quả của việc nạo vét điên cuồng đã làm dòng quặng khi khai thác hết dần đã tạo nên những vùng đất hở và rồi sạt đất đã xảy ra.

Nhiều người dân vùng Kiruna đã bắt đầu bỏ xứ ra đi, trước khi chính quyền Thụy Điển quyết định cứu lấy nó, có nghĩa cứu mỏ quặng và di dời phần hồn Kiruna đến nơi an toàn. Marie Maeki, 28 tuổi, chủ một trong những ngôi nhà được di dời đầu tiên, cho rằng: “Đa số người dân tại đây sống phụ thuộc vào khu mỏ sắt này. Trước đây thì chưa thấy gì cả, nhưng giờ thì đa số dân cư nơi đây, trong đó có tôi, thấy rằng việc di chuyển này là cần thiết, thậm chí rất khẩn thiết. Đã có nhiều người bỏ đi, tôi vẫn chưa đi vì vẫn tin một ngày nào đó Kiruna sẽ đến với mình ở một vùng khác, giờ điều đó đang xảy ra. Cả ba đời nhà tôi sinh ra ở đây và chẳng muốn đi đâu hết”. Peter Stenberg, một sử gia, cho biết ông rất phấn khích, bởi khi đó “chúng tôi sẽ có dịp hiện đại hóa thành phố và cuộc sống của mình, từ đó tạo thêm được nhiều công ăn việc làm mới”. Chính quyền thành phố cũng đã hứa bảo đảm quá trình di chuyển thành phố sang khu vực mới sẽ giữ được nguyên vẹn tính “hài hòa và toàn vẹn” của Kiruna. Kỹ sư Christer Vinsa đã khẳng định: “Chúng tôi phải cố tránh viễn cảnh sẽ có thêm một Kiruna mới với kiến trúc tổng thể mang tính chắp vá mà song song đó vẫn còn sót lại một Kiruna cũ đã bị đào khoét một cách dở dang! Mục tiêu quan trọng của chúng tôi là phải có được một thành phố mới hoàn hảo và đầy sức sống. Mà muốn làm được điều này, phải có thời gian”.

Như vậy thì, khi dự án của “thần đèn” tại Kiruna hoàn tất, khu mỏ sắt hiện hữu vẫn sẽ hoạt động bình thường, nhưng khi đó nó đã nằm ở một vị trí cách xa an toàn đối với thành phố Kiruna mới trong tương lai. Chi tiết hơn, dự án di chuyển Kiruna sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể, toàn bộ thành phố này sẽ phải “đi” ra xa hơn vị trí hiện hữu 4km chếch về hướng Tây - Bắc, và đây sẽ là một công trường xây dựng khổng lồ kéo dài đến tận năm… 2099! Về mặt kỹ thuật, theo lời người phát ngôn của tập đoàn LKAB cho biết, “Kiruna đã ra đời cách nay hơn 100 năm, và việc phát triển mỏ quặng sắt tại đây diễn ra khá chậm, đến nỗi ai cũng nghĩ rằng sẽ phải mất 1.000 năm thì khu hầm mỏ bên dưới mới chạm đến được nền móng trung tâm thành phố”. Song, vì đây là một vùng đất quặng mỏ, và bởi vì không ai ngờ được rằng “vóc dáng” của khu mỏ quặng sắt này lại có hình xiên và nằm chếch một góc 60o nhưng lại hướng về khu vực trung tâm thành phố Kiruna. Bởi thế, tình hình hiện nay là cấp thiết!

Tường Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm