Chuyện về 'vua' quảng cáo 'bẩn'

12/02/2017 07:12 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đừng tưởng chỉ Hà Nội mới có những bức tường loang lổ quảng cáo vừa ngứa mắt vừa bất diệt, từ khoan cắt bê tông, đòi nợ thuê, dịch vụ gia sư đến thông hầm cầu. Berlin cũng chẳng hề kém cạnh, cho đến khi một người hùng xuất hiện: Ernst Litfass.

Kẻ thù là những mẩu giấy to nhỏ đủ màu, và đúng nửa đêm đội quân 400 người lên đường với một trọng trách hi hữu: từ lúc đó cho đến bình minh ngày 1/6/1855 họ phải dọn sạch tất cả các mẩu giấy dán bừa bãi trên tường nhà, hàng rào, cột điện, thân cây… ở thủ đô Berlin.

“Cuộc cách mạng văn hóa” của Ernst Litfass

Chả là ngày đó không có phương tiện quảng cáo nào hữu ích hơn và rẻ hơn là viết mấy chữ lên giấy rồi thuê người dán khắp nơi có người qua lại. Ngoài những mục đích tư nhân, các rạp hát hay chiếu phim cũng phải kiếm cách tương tự để kéo khách. Hậu quả thì ai cũng đoán ra: chẳng mấy chốc gương mặt thành phố trở nên bẩn thỉu bởi vô vàn mảnh giấy ố vàng rách bươm, với nội dung cũ mèm chẳng ma nào thèm ngó, đơn giản vì người dán quảng cáo không có trách nhiệm phải gỡ nó đi.


 Ernst Litfass bên cạnh phát minh của mình

Và đó là giờ vàng của một đầu óc sáng láng pha chút lưu manh. Ernst Litfass ra đời cách đây đúng 200 năm trong một gia đình làm nghề in sách. Litfass học nghề buôn sán sách nhưng thoạt tiên không say mê, thay vào đó đi lang thang khắp các nước Tây Âu - thời nay có lẽ được gọi một cách mỹ miều là du lịch khảo sát hoặc đi thực tế. Ông thành lập một nhà hát nhỏ ở Berlin và bắt đầu sự nghiệp diễn viên. Mãi đến 1845 ông mới quay về với nghề in sách.   

Khi nghĩ ra ý tưởng sáng láng nói trên, Litfass to mồm gọi đó là cuộc cách mạng văn hóa, và dường như đoán trước được vinh quang sắp đến, ông tổ chức một dàn kèn hơi hoành tráng diễu qua khắp thành phố để khoa trương phát minh của mình. Buổi tối cùng ngày, nhà soạn nhạc nổi tiếng bấy giờ là Adalbert Keler biểu diễn một sáng tác riêng cho công ty quảng cáo Ernst Litfass.

Quả thực Litfass đã đủ ranh giảo để chiếm được độc quyền béo bở. Từ giờ phút đó trở đi, cả thành phố Berlin chỉ được quảng cáo tại 150 điểm cố định. Đó là 100 cột xi măng hình trụ và 50 giếng nước được bọc gỗ. Và dĩ nhiên ai dán quảng cáo thì phải trả lệ phí.


Ngay cả trong kỷ nguyên Internet các cột Litfass vẫn là một phương tiện gây chú ý: quảng cáo của nhà tạo mốt mũ Fiona Bennet

Một công đôi việc   

Đó là nội dung một thỏa thuận giữa Ernst Litfass và sếp cảnh sát Berlin, Karl Hinckeldey. Litfass giàu nứt đố đổ vách, còn Hinckeldey có thể kiểm soát người dân tốt hơn. Những gì 2 thế kỷ sau xảy ra ở Mùa Xuân Ả-rập nhờ mạng xã hội, đã có tiền lệ tại cuộc cách mạng 1848 - ngày ấy Facebook hay Twitter còn ở dạng những mảnh giấy dán chi chít khắp nơi.    

Litfass hứa tạo nên một hệ thống quảng cáo “vô cùng trật tự”, “đúng giờ” và “đáng tin cậy” trên các cột trụ màu xanh lục của mình. Đối thủ của ông thì cho rằng đó là “các quái thai kiến trúc” làm xấu bộ mặt thành phố, chưa kể đến cái chết của quyền tự do biểu thị ý kiến, vì từ đó trở đi cảnh sát Berlin được phép trừng phạt những ai dán giấy mà không xin phép, đồng thời dễ dàng kiểm soát mọi nội dung thông báo.

         Quảng trường mang tên Litfass ở Berlin

Mặt khác thì phát minh của Litfass cũng là khởi đầu của “kỷ nguyên quảng cáo” ở Đức với một hình thái khác hẳn. Trong tiếng Đức, cột trụ hình tròn ấy có hẳn một tên riêng là “cột Litfass”, để hậu sinh không thể quên chiến tích của một kẻ cơ hội đầy mưu mẹo. Litfass dắt mũi các chính trị gia bằng những lời hứa suông, tổ chức các vũ hội “từ thiện” tưng bừng, không bỏ qua bất cứ dịp nào để ca tụng nhà cầm quyền, cũng để thoát khỏi vị thế thị dân tầm thường của mình.

Chả là trước đó ông cũng phải cắn răng làm trò múa hát ở các quán rượu, cho đến khi được kế thừa xưởng in sách của bố dượng vào năm 1845. Sau khi sắm một loạt máy in hiện đại, Litfass chỉ in các tác phẩm chiều thị hiếu số đông, bỏ ngoài tai các quy định về tác quyền và quỵt luôn nhuận bút của tác giả.

Năm 1848, quần chúng nổi dậy đòi dân chủ và thống nhất dân tộc, Litfass dù chỉ in truyền đơn và một tạp chí trào phúng của phe đối lập, nhưng không quên tự gọi mình là cơ quan ngôn luận của phong trào! Tuy nhiên xưởng in của Litfass cũng song song cho ra các ấn phẩm khen ngợi chế độ kiểm duyệt của triều đình. Ông còn đề nghị bộ máy cảnh sát kiểm tra ngặt nghèo hơn các nội dung thông cáo. Nhờ hành xử lập lờ nước đôi đó mà sau khi tạp chí trào phúng và truyền đơn bị cấm, công ty của Litfass vẫn luôn có đủ việc.   

Phát minh… đã cũ

Ý tưởng “ngoạn mục”

Cũng phải công nhận Litfass nghĩ ra nhiều chiêu ngoạn mục. Ví dụ ông đề nghị vua Phổ Wilhelm Đệ Tứ được in danh mục của các… bia mộ trong 26 nghĩa trang Berlin để “vinh danh” người đã khuất!? Nhà vua chẳng thấy gì lợi lộc nên không tài trợ, và lập tức Litfass cũng bỏ xó nguyện vọng “thiêng liêng” đó.

Thực ra ý tưởng về cột trụ dán thông cáo và quảng cáo của Litfass không hẳn mới. Ở Anh trước đó đã có những cột bát giác với mục đích tương tự, chiếu sáng từ bên trong và do ngựa kéo qua các phố. Thành công của Litfass chỉ nhờ các mẹo bẩn, ví dụ như để được độc quyền dán quảng cáo thì ông hứa xây cho thành phố 30 nhà vệ sinh công cộng - dĩ nhiên hình tròn và tường ngoài để dán quảng cáo!

Berlin ngày ấy hôi hám vì không có các công trình tương tự, liền đồng ý với biện pháp giảm tải công quỹ đó. Nhưng trong bản thỏa thuận lại không có chữ nào về nhà vệ sinh công cộng, và thế là Litfass được độc quyền kiếm tiền mấy chục năm mà không phải làm gì đền đáp. Cùng ăn cánh với nhau, Litfass và sếp cảnh sát đổ lý do cho việc thiếu ống dẫn nước.   

Tận dụng sân nhà, Litfass không quên quảng cáo cho chính mình. Ông chế các mô hình cột trụ để bán cho du khách, thuê các ca sĩ hát bài ca tụng phát minh của mình, và khi Phổ đánh nhau với Đan Mạch, Áo và Pháp, ông kêu gọi người dân biểu tình và lấy tụ điểm là các cột Litfass!

Do báo in ngày đó khá chậm chạp, Litfass cho in các tin chiến sự mới nhất và dán đầy các cột, khiến người dân háo hức đến đây tìm thông tin. Và càng nhiều người xem thì các chủ nhân quảng cáo càng phải trả nhiều lệ phí.

“Vua” nhưng không phải quý tộc

Litfass qua đời năm 1874 mà không hẳn đạt được bước chân vào giới thượng lưu. Không một sự kiện nào của triều đình có mặt Litfass, mặc dù ông cố nhân tiện dùng các cột trụ làm đế tượng bán thân vua Phổ. Giới quý tộc Phổ tránh xa các hội hè của Litfass - ít nhiều họ cũng đủ thông minh để sử dụng đầu óc của Litfass nhưng không coi ông là thành viên của giới mình.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm