Chuyện chỉ có ở Thụy Điển: Xếp hạng phim dựa trên... bình đẳng giới

07/11/2013 14:18 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay, các rạp chiếu phim ở Thụy Điển, một đất nước có nhận thức tốt về bình đẳng giới, đang muốn triển khai một hệ thống xếp hạng mới nhằm nêu bật vấn đề phân biệt giới tính, vốn chưa từng có trước đây.

Để được đạt mức độ đánh giá cao nhất trong thang điểm "A", bộ phim phải vượt qua thử nghiệm mang tên Bechdel. Theo đó bộ phim được đánh giá thang điểm A phải bao gồm ít nhất một đoạn có tối thiểu 2 nhân vật nữ đối thoại trực tiếp với nhau, chứ không chỉ đơn thuần có sự xuất hiện của nhân vật nam.

Theo cách đánh giá này toàn bộ 3 phần của Chúa tể những chiếc nhẫn, Chiến tranh giữa các vì sao, The Social Network, Pulp Fiction và một phần của bộ phim Harry Potter đều không vượt qua cuộc thử nghiệm, như nhận xét của bà Ellen Tejle, Giám đốc rạp chiếu phim Bio Rio, tại một trung tâm thời trang ở Stockholm.

Thúc đẩy bình đẳng giới

Rạp chiếu phim Bio Rio là một trong 4 rạp ở Thụy Điển đưa ra chuẩn đánh giá mới nhất khắt khe hơn, nhằm thu hút sự chú ý của của khán giả. Hầu hết các vị khách mời đều đưa ra phản ứng tích cực với hệ thống đánh giá mới này, trong khi một số người khác nói rằng họ đã được mở rộng tầm mắt.

Theo bà, niềm tin về vai trò của người phụ nữ trong xã hội bị ảnh hưởng bởi sự thực rằng những người đi xem phim hiếm khi thấy "một nữ siêu anh hùng hay một nữ giáo sư". Bà cho biết xếp hạng mới không nói gì về chất lượng của phim. "Mục tiêu của xếp hạng mới là để thấy nhiều câu chuyện liên quan tới phụ nữ và hình ảnh của phụ nữ hiện diện nhiều hơn trên màn bạc" - bà nói.

Ellen Tejie, giám đốc rạp chiếu phim Bio Rio cầm trên tay đánh giá loại A mới

Viện Nghiên cứu điện ảnh Thụy Điển tỏ ra ủng hộ với sáng kiến mới này. Tương tự, kênh truyền hình ViaSat thuộc hệ thống truyền hình cáp Scandinavia cũng cho biết sẽ bắt đầu sử dụng hệ thống đánh giá mới trong các bộ phim chiếu trên kênh.

Kênh khẳng định sẽ chỉ chiếu các phim đạt chuẩn A vào ngày 17/11, gồm The Hungers Games, The Iron LadySavages.

Bài thử nghiệm Bechdel được lấy theo tên của nhà vẽ tranh biếm hoạt người Mỹ Alison Bechdel, người đã đưa ra ý tưởng thông qua cuốn truyện tranh Dykes To Watch Out For được giới thiệu vào năm 1985.

Tejle hy vọng những bộ phim đạt chuẩn "A" sẽ giúp nâng cao ý thức của khán giả về vai trò của phụ nữ trong phim ảnh. Ít nhất có một ngôi sao Hollywood đã tỏ ra hứng thú với hệ thống đánh giá mới.

"Một hệ thống xếp hạng về nữ quyền? Tôi thấy rất thú vị" - nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất Jada Pinkett Smith trả lời trong một cuộc phỏng vấn tại Beverly Hills, California, nơi cô tham dự một bữa ăn tối có chủ đề về quyền bình đẳng giới.

Thử nghiệm đánh giá phim nói trên là một trong những hoạt động mới nhất của Thụy Điển, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Trước đó, hệ thống quảng cáo ở nước này từng bị chỉ trích mạnh mẽ do có xu hướng phân biệt giới tính, bởi đa số những đoạn quảng cáo có hình ảnh của người phụ nữ ăn mặc quyến rũ chỉ để thu hút sự chú ý của đàn ông.

Từ năm 2010, một dự án bình đẳng giới đã cố gắng làm tăng số lượng phụ nữ đóng vai trò bình luận chuyên nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông Thụy Điển. Dự án gần đây đã được mở rộng tới các quốc gia trong khu vực như Phần Lan, Na Uy và Italia.

"Quá nghiêm trọng hóa vấn đề"

Không phải ai cũng hứng thú với thử nghiệm mới. Một số ý kiến cho rằng Thụy Điển đã quá nghiêm trọng hóa vấn đề. "Nếu họ muốn các loại phim khác biệt, tốt nhất họ nên tự sản xuất chúng thay vì chỉ tay đánh giá người khác" - Tanja Bergkvist, một nhà vật lý từng viết một bài bình luận với nhan đề Sự điên rồ của giới tính nhận xét.

Hệ thống đánh giá mới cũng bị xem là một công cụ tồi, không thể phân biệt rõ phim nào cân bằng về giới tính và phim nào không. "Có nhiều bộ phim vượt qua đánh giá của Bechdel, nhưng lại không giúp gì cho một xã hội công bằng hơn và tốt đẹp hơn. Nhiều bộ phim khác không đạt chuẩn nhưng lại thể hiện được điều này" - nhà phê bình phim Thụy Điển, Hynek Pallas nhận định.

Hollywood không bình đẳng giới

Nhiều nghiên cứu ở Mỹ tỏ ra ủng hộ quan điểm cho rằng phụ nữ không đóng vai trò trọng tâm trong điện ảnh và điều này hầu như đã không thay đổi trong 60 năm qua. Qua đánh giá 100 bộ phim ra mắt năm 2011 cho thấy hình ảnh phụ nữ chỉ chiếm 33% và chỉ có 11% các nhân vật chính là nữ giới, theo báo cáo của Trung tâm San Diego dựa trên các nghiên cứu về phụ nữ trong lĩnh vực điện ảnh.

Một nghiên cứu khác của Trung tâm Chính sách Annenberg tại Đại học Pennsylvania cho thấy sự xuất hiện của các nhân vật nam so với các nhân vật nữ trong phim ảnh luôn ở mức 2:1 trong ít nhất 60 năm qua. Nghiên cứu này dựa trên 855 bộ phim được chiếu rạp từ năm 1950-2006, trong đó các nhân vật nữ xuất hiện gấp 2 lần bình thường trong những cảnh nóng và nhân vật nam xuất hiện nhiều hơn trong những cảnh bạo lực.

Hồng Đăng (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm