Chính sách nổi bật từ 1/7: Tăng lương cơ sở, quy định mới về giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

01/07/2018 07:54 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tăng lương cơ sở và trợ cấp thai sản, quy định mới về giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cùng nhiều chính sách mới có hiệu lực từ 1/7/2018.

Tăng lương cơ sở từ 1,3 triệu lên 1,39 triệu đồng

Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại điểm thanh toán thẻ ATM Ngân hàng TMCP VPBank. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo Nghị định này, từ ngày 1/7/2018, lương cơ sở áp dụng đối với công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân… được tăng lên 90.000 đồng, từ 1,3 triệu đồng/tháng trước đây lên 1,39 triệu đồng/tháng.

Mức lương này được dùng làm căn cứ tính mức lương trong bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật, tính các mức hoạt động phí, sinh hoạt phí, các khoản trích và chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Lương hưu, trợ cấp tăng 6,92%

Nghị định 88/2018/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, từ ngày 1/7/2018, tăng 6,92% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018 với cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Tăng trợ cấp thai sản

Cũng theo việc điều chỉnh lương cơ sở, từ ngày 1/7, mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (sau đây gọi gọn là trợ cấp thai sản) cũng sẽ tăng so với mức hiện hành.

Theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, việc trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được quy định như sau: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Quy định mới về giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp sẽ có hiệu lực từ 15/7/2018.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế hướng dân người bệnh làm thủ tục khám chữa bệnh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Theo đó, giá khám bệnh bảo hiểm y tế dao động từ 23.300 đồng - 33.100 đồng, tùy hạng bệnh viện; giá siêu âm 38.000 đồng, chụp Xquang từ 44.000 - 66.000…

Cũng theo Thông tư này, người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khoa khám bệnh, có thời gian cấp cứu, điều trị dưới 4 giờ được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật; không phải trả tiền ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu.

Giá ngày giường bệnh được tính cho 1 người/1 giường. Trường hợp ở cùng một thời điểm phải nằm ghép hai người/1 giường thì chỉ được thanh toán 1/2 mức giá giường bệnh; trường hợp nằm ghép 3 người trở lên thỉ chỉ được thanh toán 1/3 mức giá ngày giường điều trị tương ứng.

Thông tư này cũng quy định, trường hợp nằm trên băng ca, giường gấp chỉ phải trả bằng 50% tiền giường.
 
Các điều kiện được hưởng án treo

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng về các điều kiện được hưởng án treo. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Theo đó, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau: Bị xử phạt tù không quá 3 năm; Có nhân thân tốt; Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Toà án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 1 năm và không được quá 5 năm.

Những trường hợp không cho hưởng án treo là: Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã; Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách, người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo; Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi; Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi; Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Hương ước, quy ước không được quy định về phí, tiền phạt

Quyết định 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Quyết định này áp dụng đối với cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và tương đương (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Theo đó, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước phải đảm bảo các nguyên tắc như: Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất; Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới; Bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư…

Quyết định này cũng quy định, hương ước, quy ước được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành.

Ngoài những chính sách trên, từ 1/7/2018, có 9 luật được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực, gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Đường; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Thủy lợi; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Quản lý nợ công.

Muốn tăng lương phải giảm mạnh biên chế

Muốn tăng lương phải giảm mạnh biên chế

Muốn tăng tiền lương thì quan trọng nhất là phải sắp xếp lại bộ máy, biên chế và giảm tối đa lực lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu sản xuất và không tạo được ra giá trị từ lao động.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm