Các GS đại học danh tiếng đánh giá bà Clinton vượt trội ông Trump

28/09/2016 11:43 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Giới chuyên gia đều chung nhận định với sự chuẩn bị kĩ lưỡng cùng phong cách điềm tĩnh, cựu Ngoại trưởng Clinton đã ghi điểm tốt hơn doanh nhân Donald Trump.

Trong cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ, đại diện của đảng Dân chủ Hillary Clinton được giới chuyên gia đánh giá có màn thể hiện thành công khi giữ thế áp đảo, đẩy đối thủ của đảng Cộng hòa Donald Trump vào thế phòng ngự.

Ngày 27/9, một ngày sau khi kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, cả hai nhóm vận động tranh cử của cựu Ngoại trưởng Clinton và "ông trùm" bất động sản Trump đều tuyên bố chiến thắng. Trao đổi với phóng viên trên chuyến bay đến Bắc Carolina, bà Clinton bày tỏ hài lòng về màn trình diễn vừa qua, đồng thời cho rằng "khán giả theo dõi màn tranh luận tối qua đã thấy được những điểm khác biệt giữa chúng tôi".


Ảnh của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton (trái) và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tại cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên ở Hempstead, New York ngày 26/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, ông Trump lại tuyên bố giành chiến thắng trong mọi cuộc thăm dò sau cuộc tranh luận, ngoại trừ cuộc thăm dò nhanh của CNN đối với 521 cử tri, trong đó 62% cho rằng bà Clinton gây ấn tượng tốt hơn, còn ông Trump chỉ nhận được 27%. Tuy nhiên, cuộc thăm dò trực tuyến của CNBC lại cho kết quả trái ngược: 35% cử tri đánh giá cao bà Clinton, trong khi có tới 65% cử tri khen ngợi ông Trump.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia đều cùng chung nhận định với sự chuẩn bị kĩ lưỡng cùng phong cách điềm tĩnh, thẳng thắn, cựu Ngoại trưởng Clinton đã ghi điểm tốt hơn "ông trùm" bất động sản Trump trong tranh luân trực tiếp vừa qua. Giáo sư Steffen Schmidt, chuyên nghiên cứu về khoa học chính trị tại Đại học bang Iowa, cho rằng "rõ ràng bà Clinton có màn trình diễn vượt trội hơn và là một nhà tranh luận khôn khéo, giàu kinh nghiệm". Trong khi đó, ông Trump đã phần nào tiết chế được tính khí nóng nảy của mình và cư xử "giống một tổng thống" hơn dự đoán.

Cùng chung quan điểm, Giáo sư Michael Heaney đến từ Đại học Michigan, đánh giá bà Clinton đã có màn trình diễn "xuất sắc" khi luôn trình bày các vấn đề đúng trọng tâm với các luận điểm chặt chẽ. Bà Clinton cũng đã dồn ông Trump, vốn không được chuẩn bị kĩ lưỡng, vào thế phòng thủ. Theo đó, doanh nhân - chính khách 70 tuổi này chỉ đưa ra những quan điểm hời hợt về các vấn đề quan trọng, trong khi lại tập trung công kích đối thủ về những vấn đề cá nhân nhưng không đạt kết quả.

Trong những phút cuối của cuộc tranh luận, ông Trump cáo buộc đối thủ đảng Dân chủ không có thể lực ổn định, đồng thời nhấn mạnh "để trở thành tổng thống, bạn phải có một thể lực dồi dào". Tuy nhiên, màn tấn công này lại châm ngòi cho sự đáp trả đầy khôn khéo của cựu Ngoại trưởng Mỹ khi bà nêu rõ "Ngay khi ông ta có thể công du đến 112 quốc gia và đàm phán về một thỏa thuận hòa bình, một lệnh ngừng bắn, việc phóng thích những ngươi đối lập, một sự mở màn cho những cơ hội mới tại các nước trên thế giới, hay thậm chí dành 11 giờ đồng hồ để điều trần trước một ủy ban quốc hội, ông ta mới có thể nói với tôi về thể lực".

Theo kết quả nghiên cứu công bố của hãng Nielsen Media Research, có hơn 80 triệu người đã theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng cử viên Clinton và Trump vào tối 26/9, đánh dấu mức kỷ lục về số người xem các cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống Mỹ trên truyền hình từ trước tới nay. Hầu hết cử tri Mỹ đều không đặc biệt hài lòng với cả hai ứng cử viên và vẫn còn nhiều người chưa quyết định bầu chọn cho ai. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng trái với dự đoán trước đó, màn đối đầu trực tiếp vừa qua chưa thực sự mang lại cơ hội lớn cho mỗi ứng cử viên và có thể khiến chiều hướng cuộc đua thay đổi.

FBI điều tra nghi vấn tin tặc tấn công điện thoại các quan chức đảng Dân chủ

Trong khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn nước rút, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở một cuộc điều tra đối với âm mưu tấn công vào điện thoại cá nhân của nhiều quan chức đảng Dân chủ hồi tháng trước.

Hãng tin Reuters (Anh) dẫn nguồn tin liên quan giấu tên cho biết các đặc vụ FBI đã tiếp cận một số quan chức đảng Dân chủ để điều tra nghi vấn trên. Cụ thể, FBI đã yêu cầu các cá nhân được cho là đối tượng bị tấn công giao nộp điện thoại để các điều tra viên sao chép các dữ liệu bên trong. Nếu các vụ tấn công là có thật, tin tặc có thể nắm trong tay một lượng lớn dữ liệu, bao gồm thông tin cuộc gọi, tin nhắn, thư điện tử, ảnh và danh bạ liên lạc của các nhân vật quan trọng trong đảng Dân chủ.

Hiện Mỹ đang thắt chặt an ninh mạng liên quan tới công tác tranh cử. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người là mục tiêu trong vụ tấn công hay trong đó có bao gồm các nghị sĩ Quốc hội hay không.

Đại diện của FBI chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc, trong khi người phát ngôn của chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton cho biết họ không biết về vụ tấn công. Một quan chức của Ủy ban Vận động Quốc hội của đảng Dân chủ (DCCC) cho hay các điều tra viên không tiếp cận thành viên của ủy ban này.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm