Bình đẳng không có nghĩa là 50/50

22/09/2009 15:52 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - "Có những công việc người đàn ông không thể làm giúp người phụ nữ. Ngược lại, có những công việc mà người phụ nữ không thể làm thay đàn ông. Bởi vậy, đối với tôi bình đẳng giới là sự đồng cảm, chia sẻ trong gia đình chứ không phải tôi nấu cơm hôm nay, ngày mai anh phải nấu", ông Nguyễn Văn Đàn, Phó Giám đốc Sở LĐ TB-XH tỉnh Đak lak mở màn buổi tọa đàm về quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình.

Sự mở màn rất thẳng thắn này đã khiến hội trường của buổi tọa đàm sôi nổi hẳn với nhiều góp ý của các đại biểu đến từ các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Bà bà Phạm Nguyên Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ LĐ TB-XH cho rằng, khu vực Tây Nguyên là một trong những nơi Bộ lựa chọn để tọa đàm về vấn đề bình đẳng giới bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong các gia đình có hệ tư tưởng mẫu hệ. Hơn nữa, việc tuyên truyền về bình đẳng giới tại các khu việc Tây Nguyên còn chưa thực sự đầy đủ vì cả vấn đề về nhân lực cũng như điều kiện đi lại khó khăn. Điều cần nhất chính là phải nâng cao nhận thức không chỉ của người đàn ông mà ngay cả phụ nữ. Chính người phụ nữ phải nhận ra quyền của mình cũng như phải hiểu thế nào là bình đẳng giới.

Có một ví dụ về bình đẳng giới khá thú vị của ông Lê Bá Khánh Trình, phòng Gia đình, Sở VHTT-DL đưa ra. Đó là hình ảnh của những ông chồng xuất hiện ở những lớp nữ công gia chánh tại TP.HCM. Họ cho rằng, vấn đề không phải là nấu nướng làm mất đi chất nam tính của họ mà quan trọng là họ có thể giúp vợ mình vào những lúc cần thiết. Chính sự chia sẻ đó phản ánh tình trạng bình đẳng giới ở các thành phố lớn đang được nhận thức đầy đủ hơn. Còn ở các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi, có nhiều lý do để quyền bình của phụ nữ trong gia đình chưa được thực hiện đầy đủ.


Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bất bình đẳng giới diễn ra ở Daklak chính ở ở vấn đề tảo hôn. Tính riêng trong tháng 7, ở tỉnh này đã có 4 trường hợp tảo hôn, chưa kể đến những trường hợp ở vùng sâu, vùng xa không có đăng ký kết hôn. Chính điều này khiến người phụ nữ, thậm chí cả đàn ông chưa có đủ kiến thức về cuộc sống, chưa tạo ra được nền tảng kinh tế vững chắc cho gia đình... Điều này dẫn đến tình trạng ly hôn, ly thân sớm ở những đôi vợ chồng trẻ.

Lấy ví dụ như huyện Cư M'gar, con số các gia đình trẻ tan vỡ mỗi năm mỗi tăng. Trong năm 2006 có 66 vụ xin ly hôn; năm 2007 có 86 vụ; năm 2008 có 120 vụ; 5 tháng đầu năm 2009 đã có 66 vụ. Trong các vụ ly hôn, có đến 90% số vụ nằm ở các gia đình trẻ, độ tuổi từ 20 – 35.

Cũng theo TAND huyện Cư M'gar, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn xuất phát từ nạn bạo hành gia đình cũng đang ở mức báo động. Trong 186 vụ xin ly dị thì có đến 160 trường hợp người vợ là người đứng đơn xin ly hôn, trong đó có 64 trường hợp có lý do là bị chồng ngược đãi, đánh đập. Tình trạng người chồng thường xuyên rượu chè, cờ bạc, không lo làm ăn cũng đã dẫn đến 105 trường hợp khiến người vợ xin ly hôn.


Tham dự vào hội thảo, một đại biểu cho rằng, rất nhiều người phụ nữ đang tự đánh mất quyền bình đẳng của mình bằng những quan niệm cũ, tự trói mình với "Tam tòng, tứ đức", "Xấu chàng hổ ai"... Chính họ đã tạo điều kiện cho các ông chồng của mình ảo tưởng rằng, họ có mọi quyền trong gia đình và quyết định của họ là cao nhất.

Phía Bộ LĐ TB-XH cho biết, những buổi tọa đàm có chủ đề "Các chị em của Nora" về quyền Bình đẳng của phụ nữ trong gia đình, phối hợp với Đại sứ quán Na Uy sẽ được diễn ra ở 4 vùng miền của Việt Nam. Ngoài việc phổ cập các thông tin về bình đẳng giới tới các cán bộ Sở, ban ngành ở các tỉnh, các buổi tọa đàm cũng sẽ thu về được nhiều thông tin quý báu về thực trạng bình đẳng giới đang tồn tại ở các vùng miền.

Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm