Bị nợ lương, nhiều người Trung Quốc 'tay không' về quê đón Tết

02/02/2016 06:29 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Còn 1 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng không khí Tết đã tràn ngập khắp Trung Quốc. Nhiều người phải làm việc xa nhà đã hối hả vali, hòm xiểng về quê. Song bên cạnh những người trở về với những món quà cho người thân thì cũng có nhiều người Trung Quốc phải về quê với hai bàn tay trắng bởi bị nợ lương.

Hành trình hàng trăm km đi đòi tiền công

Trong vòng 2 năm qua, ông Lyu Qingfa (60 tuổi) đã 16 lần tới thị xã Thông Hóa ở tỉnh Cát Lâm (miền Nam Trung Quốc) để đòi tiền công cho bản thân ông và các nhân viên của mình.

Lyu Qingfa đi tàu hỏa tới Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm và sau đó đi tiếp 400km tới Thông Hóa. Trên chuyến tàu đó cũng có nhiều người lao động làm ăn xa nhà trở về đón Tết bên gia đình. Xung quanh họ chất đầy đồ và cả quà Tết, chỉ có ông Lyu là “tay không”.

Lyu nhớ gia đình trong tuyệt vọng, vì ông không thể về nhà trong khi 20 nhân viên của mình vẫn đang đợi khoản tiền mà họ bị nợ trong suốt 3 năm qua, khoản tiền tổng cộng 3,25 triệu NDT (494.000 USD).


Tết đến, nhiều người làm thuê xa nhà ở Trung Quốc về quê bằng xe máy do kinh tế eo hẹp

Lyu là một nhà thầu phụ. Ông thuê khoảng 100 công nhân xây dựng một dự án ở Thông Hóa hồi tháng 10/2011.

“Dự án này được hoàn thành trong khoảng 2 năm 3 tháng và theo hợp đồng nhà thầu chính phải trả tôi 7,85 triệu NDT tiền công. Thế nhưng, nhà thầu đó, một chi nhánh của Tập đoàn Xây dựng Shougang Bắc Kinh, mới chỉ trả có 4,6 triệu NDT sau khi dự án hoàn thành và hứa “một thời gian ngắn” sẽ thanh toán hết phần còn lại.

Song “một thời gian ngắn” mà nhà thầu đó hứa đã kéo sang năm thứ 3, mà tiền thì vẫn chưa trả hết. Ông Lyu đành phải bỏ tiền túi của mình ra trả cho các nhân công của mình để họ có thể về quê hoặc tìm công việc mới. Giờ thì ông đã hết sạch cả tiền.

Ông Lyu vội vã tới Thông Hóa lần này khi biết tin trụ sở chính của nhà thầu đã chuyển từ Bắc Kinh tới đây. Ông hy vọng gặp được nhà điều hành cấp cao hơn để có thể được thanh toán nốt khoản nợ.

Ông đã đợi cả một ngày ở văn phòng của nhà thầu để chờ tin và chỉ được thông báo rằng họ cần phải gom tiền ở các mối rồi mới thanh toán tiền nợ của ông.

Ngành xây dựng của Trung Quốc đã hình thành một hệ thống phân cấp và các công nhân xây dựng ở mức “đáy”. Nếu nhà thầu khoán có hành vi mờ ám thì các mức thầu thấp hơn phải chịu thiệt.

Cái nợ “đồng lần”

Song không phải ai cũng đen đủi như ông Lyu. Chen Sheng, một thợ mộc ở tỉnh Tứ Xuyên đã bị nợ lương 6 tháng khi anh làm việc tại một công trường xây dựng cách nhà gần 1.000km. Song hôm 25/1, anh đã được thanh toán hết số lương bị nợ.

Tuy nhiên, trước khi được thanh toán, Chen và gia đình gồm 10 người của anh chỉ có thể lo được 2 bữa ăn/ngày. Các bữa ăn ấy chỉ có gạo và rau gần như đã ôi thu lượm được từ chợ. Làm việc tại công trường này, Chen được trả 1.000 NDT/tháng, nhưng dự án này đã hoàn tất từ hồi tháng 8/2015, Chen thất nghiệp và còn bị nợ lương.

Cách đây 2 tuần, gia đình anh mừng sinh nhật mẹ anh 70 tuổi. Song không có tiền, họ đành phải đón sinh nhật trong một căn lều dựng tạm ở công trường. Mẹ anh mong được về nhà, song Chen không có tiền để mua ngay cả chiếc vé tàu rẻ nhất.

Trong khi đó, Feng Qiang, nhà thầu nợ tiền lương của Chen, cũng là một “nạn nhân”. “Công ty phát triển đáng lẽ phải trả tôi 17 triệu NDT từ hồi tháng 8/2015. Vậy mà đến cuối năm ngoái họ mới trả được 1,5 triệu NDT” - Feng nói.

Cuối cùng, Feng phải thế chấp căn hộ của mình ở Trịnh Châu và ô tô để có được 3 triệu NDT trả lương cho công nhân.

Trong gần 2 năm qua, Wang Guihai, người quê ở An Huy (miền Đông Trung Quốc) và 110 nhân công khác tại một công ty đồ nội thất ở Thượng Hải, cũng đã bị nợ lương. Ông chủ của họ đã trốn biệt tăm từ hồi tháng 4/2014, trong khi vẫn nợ công nhân 1,1 triệu NDT tiền lương.

Qua đây, có thể thấy tình trạng nợ lương ở Trung Quốc khá phổ biến. Hiện các nhà chức trách về lao động và an ninh xã hội đang hỗ trợ những người phải làm thuê xa nhà đòi được lương bị nợ thông qua các cuộc đàm phán với những người thuê họ hoặc áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Bức thư cảm động của cậu học trò 13 tuổi

Wang Ziming là một học trò 13 tuổi ở Quý Châu, nhưng cha mẹ cậu phải đi làm thuê ở Quảng Đông và trong tâm trí cậu, cuộc đoàn tụ gia đình vào dịp Tết thường buồn vui lẫn lộn.

Khi được thầy giáo giao đề bài viết một bức thư cho cha mẹ mình, Wang viết: “Cha mẹ kính yêu. Con mong trở thành luật sư để có thể giúp cha mẹ đòi được tiền lương bị nợ. Cha mẹ không bao giờ có thể hình dung được con buồn như thế nào khi cha mẹ trở về nhà đón Tết trong mệt mỏi, thất vọng và không có tiền...”.

Việt Lâm (theo Tân Hoa xã)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm