Bê bối 'tin vịt' về cậu bé 8 tuổi nghiện heroin

04/11/2017 20:33 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - “Câu chuyện lay động tâm can, kịch tính và tàn bạo" - một cậu bé da đen nghiện ma túy làm chảy bao nước mắt bạn đọc, đem lại cho một nữ phóng viên giải Pulitzer cao quý và đẩy tờ Washington Post xuống vực sâu khủng hoảng…

Jimmy, một cậu bé mắt nai tóc đỏ, mới lên 8 nhưng già trước tuổi, nghiện heroin đến đời thứ 3. Tay cậu gầy quắt nhưng chi chít các vết kim tiêm như tàn nhang trên làn da còn mịn màng như trẻ đang bú”.

Thảm kịch kéo màn

Phóng sự của nữ phóng viên Janet Cooke ra mắt bạn đọc hồi tháng 9/1980 trên tờ Washington Post bắt đầu như thế - và đó cũng là khởi đầu một cú lao dốc cho tờ báo ngót nghét trăm tuổi được tiếng là nghiêm túc và mực thước, thậm chí là ấn phẩm truyền thông tiên phong trong lĩnh vực phóng sự điều tra ở Hoa Kỳ.

Đứa bé nghiện ma túy tội nghiệp ấy, sau khi gây một làn sóng thương cảm từ giới bạn đọc, bị phát hiện là… không hề tồn tại. Và chỉ sau khi giải Pulitzer được trao thì vụ dối trá bê bối này mới bị lật mặt hoàn toàn. Cơ chế tự kiểm soát của tờ Washington Post đã bị vô hiệu hóa một cách thảm hại.

Chú thích ảnh
Nữ phóng viên Janet Cooke

Làm sao người ta lại có thể hình dung ra Tổng biên tập Ben Bradlee, một nhà báo lão luyện, và cộng sự Bob Woodward - từng cùng Carl Bernstein một thời vạch trần vụ Watergate khiến Tổng thống Richard Nixon nhục nhã thoái vị - lại sa vào cái bẫy thô sơ của một đồng nghiệp còn khá non tay?

Nói đi cũng phải nói lại - vụ này là tổng số của khá nhiều nhân tố mang tính ngẫu nhiên, song hợp lại thì thành một ấn tượng sâu sắc. Janet Cooke có thể chưa nhiều thâm niên nghề nghiệp, đúng thế, nhưng viết rất chắc tay và được coi là một cộng tác viên nhiều tham vọng.

Cô là người duyên dáng dễ mến, và có lẽ màu da của cô cũng đóng vai trò quan trọng. Giới trí thức Mỹ lúc đó đang trong giai đoạn cần một tỉ lệ da màu nhất định để tránh tiếng kỳ thị chủng tộc vốn là vết nhơ chưa gột hết từ thời mới manh nha khái niệm “political correctness”, nôm na là sự đúng mực về chính trị mà theo đó “da đen” phải gọi là “da màu” và “da đỏ” mang tên là “người bản xứ” cho đỡ chạnh lòng.

Năm 1980, khi Cooke mới dò dẫm vào nghề báo ở tờ Washington Post, cô luôn được chú ý bởi tác phong đĩnh đạc tự tin. Cô phóng viên mới 25 tuổi từ tờ báo địa phương Toledo Blade (Ohio) vận váy ngắn, dán móng tay dài, trình cho Tổng biên tập Bradlee một bản sơ yếu lý lịch đầy ấn tượng: Tốt nghiệp đại học hạng xuất sắc, thành thạo 4 ngoại ngữ v.v… và chắc chắn có nhiều may mắn tình cờ khiến tòa báo - trái với thực tế thông thường - không thẩm định các giấy tờ ấy.

Chú thích ảnh
Bài báo gây chấn động trên số Chủ nhật của “Washington Post”

145 trang ghi chép!

Mọi chuyện không hẳn đều trôi chảy từ đầu với Cooke. Thoạt tiên phó tổng biên tập Woodward chỉ phân cô viết cho phụ bản cuối tuần, trong khi ai cũng dễ nhận ra ý chí cháy bỏng của cô muốn leo cao trên bậc danh vọng. “Cô ấy định rõ những mục tiêu ngất ngưởng” - đồng nghiệpKarlyn Barker sau này nhớ lại - “Do các bài của cô viết đều khá, nên ai cũng lạ, khi thấy cô cứ vật vã đấu tranh như thể ngày ngày phải cố gắng để khỏi bị sa thải”.

Để tạo điểm đột phá, Cooke bắt đầu thu thập dữ liệu trong thế giới ma túy ở Washington. Một ngày đẹp trời, cô thông báo đã tìm được một cậu bé da đen nghiện ngập mà cô gọi là Jimmy. Sau 3 tuần vất vả, cô có trong tay 2 băng ghi âm phỏng vấn, mỗi băng dài 1 tiếng, 145 trang ghi chép và khá nhiều tài liệu khác nữa. Theo đúng luật bảo vệ nhân chứng, tòa soạn thống nhất với Cooke sẽ giữ bí mật nhân thân của tất cả các cá nhân được nhắc đến trong bài báo.

Bài phóng sự điều tra lên trang báo đầu tiên hôm 28/9/1980 dưới đầu đề “Thế giới của Jimmy” nhiều đồng nghiệp nước ngoài tranh nhau được đăng lại, trong khi chỉ cần tinh ý đôi chút là có thể giật mình khi đọc tin bạn trai của mẹ Jimmy tiêm heroin cho Jimmy ngay trước mặt phóng viên.

Còn cậu bé 8 tuổi, vốn được tiên đoán sớm hay muộn sẽ vào nghề buôn bán ma túy, giải thích một cách chuyên nghiệp, vì sao cậu chăm học toán: “Cháu phải chú ý học, nếu sau này muốn bán hàng”. Ngay lời kết của Cooke cũng khá sáo mòn và dễ dãi: “Thế giới của Jimmy là thế giới của ma túy mạnh, của đồng tiền nóng…”.Và trong thế giới đó Cooke dễ dàng được phép quan sát, ghi chép cho giải Pulitzer tương lai của mình!? Cô miêu tả kỹ lưỡng mọi đồ vật trong nhà Jimmy, quần áo, cách ăn nói dường như quá hoàn hảo đối với đứa bé 8 tuổi. Thực sự là một số đồng nghiệp đã hoài nghi, song ban biên tập lóa mắt trước thành công của bài phóng sự và tin vào lời cam đoan của Cooke.

Tiếc thay cho cô phóng viên giàu tham vọng, giải Pulitzer không dành cho tác phẩm hư cấu.

Kết cục bẽ bàng

“Một bài báo thực sự nóng hổi và xúc động, tôi không bao giờ có thể ngờ là chuyện bịa”, nhiều năm sau người phụ trách mục tin địa phương của tờ Washington Post vẫn bàng hoàng nhớ lại. Cả Phó tổng biên tập Woodward cũng bị cho làm xiếc: “Một diễn viên hoàn hảo, vô cùng hoàn hảo. Cô ta mở miệng kể là tôi tin liền. Câu chuyện quá riêng tư, quá nóng hổi, quá tàn bạo để người ta không có chút mảy may nghi ngờ.

Một làn sóng phẫn nộ ào lên sau khi bài báo ra mắt, kết thúc với lời kêu gọi giải cứu Jimmy. Cooke viết tiếp, tổng cộng gần 52 tin về “Jimmy”.Cũng có tiếng phản đối từ phía người da màu ở Washington khi tờ báo không tiết lộ danh tính thật của Jimmy. Thị trưởng Marion Barry không còn cách nào khác là nhờ cảnh sát dò hỏi, dĩ nhiên là không có kết quả. Bị chỉ trích không giải quyết được tệ nạn ma túy và trong thế bí, Barry đành nói dối dư luận là đã tìm ra Jimmy và đưa vào bệnh viện cai nghiện. 

Tháng 4/1981 giải Pulitzer được trao cho Janet Cooke, nhà báo da màu đầu tiên. Cô lẽ ra đã đến đích danh vọng, nếu tờ báo cũ của cô ở Ohio không đọc tiểu sử được đăng công khai trên tờ tin tức của hãng thông tấn AP và tìm ra một số chi tiết quá hoành tráng. Họ thông báo cho Bradlee và Woodward, và chỉ một ngày sau Cooke nức nở nhận tội. Cô trả lại giải, xin cắt hợp đồng và biến mất tăm.

Cái tên Janet Cooke không vì thế mà bị lãng quên. Đất Hoa Kỳ rung chuyển vì vụ bê bối ngoại cỡ đầu tiên trong lịch sử sản xuất tin vịt, trước khi khái niệm Fake News trở nên thông dụng vài thập kỷ sau. 15 năm sau tạp chí GQ mới đăng một bài phỏng vấn với nhan đề đa nghĩa “Thế giới của Janet”. Cooke đau khổ thú nhận hành vi bỉ ổi của mình. Cô đã hủy hoại niềm tin của xã hội lẫn báo giới.

Thay đổi cách làm việc của báo chí

Vụ “tin vịt” của nữ phóng viênJanet Cooke đã làm thay đổi sâu sắc phương thức làm việc của báo chí. Trong vụWatergate, nhà báo Woodward không hề tiết lộ danh tính người cung cấp tin ngay cả ở tòa án, nhưng sau phóng sự rởm về Jimmy, các phóng viên đều phải cung cấp cho ban biên tập danh tính nguồn dữ liệu, cho dù luật pháp không bắt buộc.

Bắt giữ 'trùm ma túy' Nga bị truy nã quốc tế

Bắt giữ 'trùm ma túy' Nga bị truy nã quốc tế

Ngày 7/7, Phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện và bắt phụ nữ người Nga tên Bering Ekateria, 47 tuổi, là đối tượng bị Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) truy nã.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm