Bao giờ gấu được trở về rừng?

28/03/2012 11:03 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Thời gian gần đây, câu chuyện về loài gấu ngựa bị săn bắn, chặt tay, bị nuôi nhốt lấy mật trong các trại gấu liên tục được các phương tiện thông tin đề cập đến. Những chú gấu khi được "giải cứu" về trung tâm cứu hộ luôn ở trong tình trạng tật nguyền, ốm yếu, tâm thần... nhiều con bị bệnh tật nặng.

Công tác cứu hộ gấu cũng đã được đẩy mạnh với sự ra đời của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là, sau khi được cứu hộ, bao giờ gấu sẽ thực sự được trả về tự nhiên, về với rừng xanh hoang dã?

Quy trình thả gấu về tự nhiên

Theo các nhà khoa học, để gấu được thả về tự nhiên thì trước hết cần đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về môi trường tự nhiên. Môi trường này cần phải được nghiên cứu rất kỹ lưỡng về hệ sinh thái cũng như nguồn thức ăn… Đặc biệt, các nghiên cứu cũng cần tính đến ảnh hưởng của việc thả gấu về một khu rừng đối với các loài động vật hoang dã khác sinh sống trong chính khu rừng đó.

Trên thực tế, quy trình thả động vật hoang dã về rừng thường bao gồm hai bước. Bước đầu tiên được thực hiện là quá trình dần dần giảm bớt sự dựa dẫm của động vật hoang dã như gấu vào con người để tự mình kiếm sống.

Quá trình này bước đầu được tiến hành trong một khu bán hoang dã có đầy đủ điều kiện ăn uống, nơi ở….

Gấu ở khu bán hoang dã tại Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo

Tiếp theo là thả gấu trong một khu bán hoang dã rộng hơn, điều kiện ăn uống kém hơn. Sau thời kỳ tập ăn, cho ăn uống thoải mái là tới giai đoạn huấn luyện cho gấu đói. Khẩu phần ăn dần được giảm xuống để tạo cảm giác đói cho gấu để chúng trỗi dậy tập tính tự tìm thức ăn. Chẳng hạn như vẫn cho ăn nhưng chỉ 1 lần mỗi ngày thay vì 2 lần mỗi ngày. Tiếp đến, gấu được chuyển đến khu bán hoang dã rộng hơn nữa, cho ăn 2 đến 3 lần trong tuần hoặc chỉ 1 lần mỗi tuần và gấu phải tự tìm nơi ở.

Sau khi hoàn tất giai đoạn một là đến giai đoạn gấu thực sự được thả tự nhiên để tự sinh tồn. Nhưng để gấu sống sót trong rừng, điều quan trọng là phải hồi phục các kỹ năng sinh tồn của gấu sau một thời gian quá dài sống trong điều kiện nuôi nhốt. Tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, một dự án được tài trợ bởi Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam, hầu hết các cá thể gấu được cứu hộ đều từng trải qua nhiều năm sống trong những chiếc lồng chật hẹp ở các trại gấu. Phần lớn gấu ở đây đều mắc các bệnh tật không dễ phục hồi về mắt, răng miệng và cơ khớp do không được vận động và đi lại bình thường. Do việc trích hút mật gấu trái phép, nhiều cá thể gấu còn gặp những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng về gan và túi mật.

Do đó, khôi phục lại kỹ năng kiếm sống của gấu, sức khỏe của gấu, đặc biệt là những cá thể bị mù, mắt kém, cụt tay…là một thách thức không nhỏ. Hơn nữa qui trình thả gấu về tự nhiên phải tuân thủ hướng dẫn của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế để đảm bảo cho việc tồn tại của gấu ngoài tự nhiên.

Khôi phục bản năng tự nhiên của loài gấu

Tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, Phóng viên TT&VH được các chuyên gia quản lý gấu người nước ngoài giới thiệu về một chương trình “làm giàu” nhằm khôi phục bản năng tự nhiên của các cá thể gấu từng bị nuôi nhốt lấy mật trong các trại gấu.

Làm giàu có thể được hiểu là những hành động nhằm cải thiện đời sống của động vật trong điều kiện nuôi nhốt bằng cách phát hiện và cung cấp những kích thích quan trọng trong môi trường sống. Điều đó khiến cho môi trường sống tại trung tâm cứu hộ giống với những gì chúng trải nghiệm trong tự nhiên. Nói cách khác, đó là một chương trình mang lại cho gấu cơ hội để thể hiện những hành vi tự nhiên giống như trong cuộc sống hoang dã, vốn là điều căn bản đối với chất lượng cuộc sống của chúng.

Gấu thoải mái đùa nghịch tắm mát tại hồ nước

Tại Trung tâm, gấu được đưa ra các khu vực bán tự nhiên để có thể chạy nhảy, leo trèo, bơi lội để rèn luyện cơ thể.

Việc cung cấp thức ăn theo nhiều hình thức đa dạng cũng là một cách "làm giàu" khác. Thức ăn của gấu được có thể được giấu trong các hốc cây, hay đục lỗ nhỏ rồi bơm mật ong vào ống tre, ống nứa. Thức ăn cũng có thể được treo lên cây cao, bụi rậm khiến cho gấu phải sử dụng tất cả các giác quan để tìm kiếm.

Ngoài ra, các đồ chơi được thiết kế đặc biệt cũng tạo cơ hội để gấu được rèn luyện xúc giác, thị giác cũng như thể hiện các hành vi thuộc về bản năng hoang dã của mình.

Rừng xanh có còn xa?

Song song với việc thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam giai đoạn 2009-2014, bên cạnh xây dựng một trung tâm cứu hộ gấu có quy mô lớn và hiện đại nhằm tiến hành hiệu quả việc cứu hộ, hồi phục sức khỏe gấu, Tổ chức Động vật châu Á đang hợp tác với một số nhà khoa học Việt Nam để xây dựng một đề án bảo tồn loài gấu Việt Nam lâu dài và có phương án cụ thể về việc thả gấu về môi trường tự nhiên. Mục tiêu cuối cùng của họ vẫn là làm thế nào để thả gấu về môi trường tự nhiên trong thời gian sớm nhất có thể.

Hiện nay, việc đánh giá sự hồi phục sức khỏe của gấu sau khi được cứu hộ cũng như quá trình điều tra các khu bảo tồn, các vườn quốc gia phù hợp cho việc gấu thả về môi trường tự nhiên (điều kiện tự nhiên, điều kiện sinh thái học, tập quán, dân cư…) chính là những bước đi quan trọng đầu tiên đang được Tổ chức này tiến hành.

Tuy nhiên, đây là một đề án với lộ trình dài, để gấu trở lại được với rừng, cùng với sự hỗ trợ quốc tế của Tổ chức Động vật châu Á cần có sự phối hợp từ phía người dân, chính quyền địa phương và kiểm lâm. Bởi như chuyên gia của trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo tâm sự: "Gấu có thể đã sẵn sàng để về với cuộc sống tự nhiên, nhưng đau đầu nhất là tìm môi trường thích hợp để gấu "trở về". Qua khảo sát, nhiều khu vực rừng có môi trường phù hợp cho gấu ngựa sống, nhưng nếu rừng không được bảo vệt tốt, thì không khác nào thả gấu vào tay lâm tặc".

Hy vọng rằng những bước đi ban đầu này chính là những niềm hy vọng đầu tiên được nhen nhóm về một khả năng trong tương lai không xa, loài gấu ngựa của Việt Nam sẽ thực sự được trở lại rừng xanh.

Thảo Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm