Bài cuối: Dọc đường thiên lý

25/09/2009 09:35 GMT+7 | Thế giới

Ghi chép của Việt Thường

(TT&VH) - Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, từ xa xưa “đường thiên lý không chỉ là huyết mạch kinh tế mà còn là hệ thần kinh quản trị quốc gia”. Quốc lộ 1A là tài sản kế thừa của nhiều đời để lại, có bước chân khai phá của  tổ tiên mới có con đường liền một dải hôm nay. 

9. Đồ ăn của các quán ven đường Quốc lộ thường chẳng ngon lành gì. Bán cho khách chỉ gặp một lần mà. Cơm thì nấu gạo kho để lâu ngày đã hết nhựa, hạt nọ hạt kia lổng chà lổng chổng không đâu vào đâu; tôm, gà thì luộc đi luộc lại; bếp núc thì bẩn thỉu. Đi đường xa, cứ nhìn thấy quán đỗ nhiều xe tải mà vào. Dân xe tải dọc ngang đất nước, đã kỹ tính lại sành ăn, nơi nào buôn bán làm ăn có trách nhiệm họ đều biết cả. Tài dặn tôi rằng, ăn quán đường xa thì đến cái tăm cũng phải bẻ đầu đi rồi hãy dùng, chứ chớ có cứ cầm lên là xỉa. Thời buổi bệnh tật nhiều, lỡ có ông nào chán đời bôi cái gì đó vào đầu tăm thì chẳng khác nào mình tự rước vạ vào thân.

Rơm, thóc phơi trên xa lộ


Chuyện cà phê kể cũng kỳ. Miền Bắc uống để nhâm nhi, Miền Nam uống để giải khát. Uống xong ly cà phê còn chiêu thêm cả ấm, nước gì như nước vối, to đùng. Còn một vài nơi khác giữa hai miền, dành cho khách đường trường, thì vừa uống vừa lại có thể… ôm nhau. Với tài xe tải thì uống kiểu gì cũng chơi, uống nhiều vào mà thức cho tỉnh táo, đến nỗi thấy bảo đi cầu phân đen kít. Chạy đêm mà, vừa an toàn vừa đỡ tốn kém cho mấy cái “ngoắc ngoắc” chặn xe lại dọc đường. Xuống gặp các anh là phải ăn nói lễ độ, đừng có cãi lý. Đưa cái gì thì phải hai tay! Cái tâm lý tôi gặp dọc đường, các chú là “tư nhân” nên phải “ngoan”, không biết bao giờ mới bỏ được? Khi chúng tôi qua trạm Dầu Giây (Đồng Nai), trời đổ mưa. Tài nhấn ga cho đi nhanh hơn một chút. Mưa, các anh kiểm soát ít có mặt dọc đường. Mưa đi, đêm đi, thứ 7 – CN cũng nên đi vì thưa hơn, bớt được tí nào hay tí nấy. Mỗi lần tôi đi xa nhà, mẹ tôi thường lo lắng thắp hương khấn vái. Người lái xe tải cũng vậy, họ hương khói đầy đủ, trước mỗi chuyến khởi hành. Mùi lan tỏa của khói hương thường làm người ta trầm lại.

Chặng Hà Nội – Thanh Hóa đường xá xấu, đi lại chậm hơn cả. Chả hiểu sao trạm thu phí khi vào trung tâm tỉnh này lại lấy giá cao nhất cả nước: 47.000 đồng, trong khi hầm đường bộ qua đèo Hải Vân cũng chỉ lấy 35.000 đồng. Bao nhiêu năm rồi chặng đường này vẫn vậy, có thẳng hơn một chút, đôi chỗ rộng hơn một chút, nhưng sự khó chịu khi di chuyển vẫn còn nguyên. Qua Thanh Hóa về đêm, cho tới gần hết Nghệ An, cảm giác về con đường chính xuyên quốc gia nhưng quá tối, hẹp, xóc, chật chội luôn đeo đuổi. Từ Hà Tĩnh, cảm giác đó mới tan đi.

Đường qua đèo Cả


Quốc lộ thì chật, dân cư thì cứ thích nhao ra lề đường sống và buôn bán. Vì cuộc mưu sinh, chứ sống ở đó thì nào có sung sướng gì. Xe cộ chạy rầm rĩ suốt đêm ngày, nhà cửa rung chuyển, lỡ trước cửa có cái ổ gà là chỉ dăm ba bữa đã bị xe chở nặng dằn phá toang hoác thành những hố lớn. Rơm rạ phơi đầy đường. Ngược chiều, vài thanh niên Quỳnh Lưu (Nghệ An) buộc đèn pin trên trán đạp xe đi tán gái đêm. Đèn đường thiếu. Nhiều gia đình điện yếu lờ mờ. Đã thế, khu công nghiệp các tỉnh lại đua nhau mở cạnh đường để khách qua lại tận mắt thấy chủ trương “rải thảm đỏ” ưu việt của đất nhà. Sơ ý mở cửa kính khi đi qua Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, mùi thối xộc ùa vào buồng lái. Té ra có cái nhà máy gì đấy ven đường dùng nguyên liệu là tinh bột sắn. Hầm đường bộ Hải Vân giờ đi qua cũng nên quay kính lên. Lái xe dặn nhau rằng, khói và bụi quanh quẩn ở giữa hầm có thể rất độc.

10. Bây giờ đi từ Đèo Ngang tới đất thần kinh đế khuyết, đâu còn thấy những người đàn bà bới tóc, khăn vành giây, áo cài khuy cổ, quần trắng, tức là lối ăn vận Huế? Từ đèo Hải Vân tới TP.HCM đâu còn thấy những người đàn bà sang trọng thì quần áo và khăn quàng đều là nhiễu hoa trắng, người làm ăn thì quần áo vải đen cài khuy cổ, trên đầu vắt khăn rằn? Đâu còn thấy những người đàn ông Nam Kỳ bận lối khăn xéo, áo cánh trắng, quần thâm? Mọi người trên dải Bắc Nam đều ăn mặc xêm xêm như nhau. Thời gian dài lâu và sự hợp lưu các dòng thông thương trôi chảy hàng ngày đã khiến chúng ta trở nên giống nhau một cách kỳ lạ.

Dừa Bình Định


Các cung đường mới mở phải vòng tránh khu dân cư, những nơi đô hội vốn dĩ đã trù phú nhiều đời. Chúng tôi gần như 24/24h ngồi trên buồng lái, lúc thức được thì thức, không thức được nữa thì duỗi chân mà ngủ, mở mắt ra chẳng biết đang ở đâu nhưng cứ thấy quen quen, từ đường xá cho tới cửa nhà.

Nghe nói trước đây quan lộ từ Huế vào tới tận Bình Định, đường toàn cây mù u cổ thụ rợp lá mát mẻ, quả thì dân ép dùng làm dầu thắp. Có người so tuổi cây mà đoán thì chúng được trồng từ trước cả đời vua Gia Long. Những hàng cây ấy cũng đâu rồi? Những người muốn thi thoảng mở rộng cánh cửa cuộc đời ra, cho có thêm một vài cảnh núi sông xa lạ, nổi tình nước non “rắp toan rong ruổi sơn hà” (thơ của Mallarmé trong bài “Hồn theo gió bể”), mà thấy chỗ nào cũng hao hao như nhau thì kể cũng buồn.

Xứ nào có sản vật gì ngon lành đều thấy bàn bán bên vỉa hè Quốc lộ. Thanh Hóa bày nem chua. Nghệ An, Hà Tĩnh cu đơ. Huế mè xửng. Quảng Nam bánh nổ rang, bánh khoai lang, đường phèn, đường tấm. Bình Định nước dừa. Sông Cầu, Phú Yên cá ngựa sống. Có quán còn trưng biển rõ to: “cá ngựa sống đang bơi”. Nom còn khêu gợi hơn cả biển hiệu “ở đây có bán cá tươi”. Ông nào yếu sinh lý đi qua chắc là phanh gấp! Bình Thuận thanh long ruột đỏ… Đi một dải nước non, muốn mang về nhà thức gì cũng có.

Vá lốp ở Quảng Nam


Đi đường vòng tránh qua Huế trong một ngày mưa xâm xấp nước, vẫn có cảm giác êm ả u nhã như đi ngay giữa lòng Huế vậy. Cuối Quảng Ngãi còn thấy gặt lúa, đặt chân đến Bình Định thì lại đã nhìn thấy lúa lên xanh. Cứ tưởng nhìn nhầm, chuyến về tôi để ý coi lại lần nữa. Đúng là thế, mầu xanh lúa mới thật dịu dàng. Cách nhau dăm dãy núi đồi mà đất đai, khí hậu đã đột nhiên thay đổi. Dừa xanh bạt ngàn, chuối cao 5 – 7 mét che lấp cả các nóc nhà. Sử sách nói rằng, đây là địa hạt phủ Mỹ, phủ Cát ngày xưa, địa thế nằm gọn trong mấy thung lũng lớn. Người Bình Định từ xưa đã ở nhà rơm rất dày cắt sửa vuông vắn, có tiền cũng không làm nhà ngói, bởi có cái tục cổ là sợ cướp vào nhà. Sống kín đáo và thượng võ, họ hình như bây giờ vẫn vậy. Vào Bình Thuận như vào một lòng chảo lớn, những vạt thanh long dài mút mắt trổ bông tựa những vườn quỳnh. Đêm về, ánh đèn neon trên các vuông tôm nhiều như sao sa ven biển.

Tiện đường, tôi cứ muốn nhờ hai người anh em cho đi qua bán đảo Hòn Gốm – Khánh Hòa, điểm cực đông trên đất liền của Việt Nam, để rồi trèo lên hải đăng Đại Lãnh ngắm mặt trời lên. Nhưng lại ngại. Xe người ta đi chở hàng làm ăn, mình bám càng gần 100 tiếng trên buồng lái, quấy quả như thế cũng là đã nhiều rồi.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm