Bà Hilary Clinton tiếp tục giành lợi thế trong cuộc tranh luận lần hai

10/10/2016 16:42 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 90 phút tranh luận căng thẳng, cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là bà Hilary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa đã kết thúc vào tối ngày 9-10-2016 (tức sáng ngày 10-10-2016 theo giờ Việt Nam). Cuộc tranh luận lần 2 được cho là tương đối cân tài cân sức, tuy nhiên, lợi thế vẫn có phần nghiêng về phía bà Hilary Clinton hơn.

Màn tranh luận căng thẳng

Khác với cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra hôm 26-9 tại New York, cuộc tranh luận thứ hai diễn ra theo hình thức gặp gỡ cử tri, với chủ đề hoàn toàn mở. Hàng chục triệu khán giả đã theo dõi trực tiếp cuộc tranh luận này qua các kênh truyền hình Mỹ. Một nửa số câu hỏi dành cho hai ứng cử viên là do khán giả đặt ra, số còn lại do người điều phối chương trình đưa ra.

Giới chuyên gia nhận định, việc tranh luận kiểu này sẽ giúp công chúng đánh giá tốt hơn khả năng phản ứng cũng như mức độ quan tâm của hai ứng viên dành cho người dân Mỹ, đồng thời kiểm tra sự trung thực, tính chân thật trong từng phát ngôn mà hai ứng cử viên đưa ra.

Nhìn chung trong suốt cuộc tranh luận, bà Hilary Clinton và ông Donald Trump liên tục đưa ra những luận điểm chính trị cũng như những quan điểm hướng tới lợi ích của người dân Mỹ. Bên cạnh đó, giống như cuộc tranh luận trước đó, hai ứng cử viên cũng đã liên tục công kích và nhằm vào điểm yếu của đối phương nhằm kéo lá phiếu của cử tri về phía mình.


Hai ứng cử viên có các cuộc tranh luận nảy lửa. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong cuộc tranh luận lần 2 này, ông Trump đã tập trung công kích bà Hilary về việc sử dụng email cá nhân để giải quyết công việc, cũng như phát biểu riêng tư bị trang Wikileaks công bố. Trong khi đó, bà Clinton tập trung khai thác vấn đề trốn thuế và thái độ đối với phụ nữ của ông Trump.

Cụ thể, ngay từ lúc mở màn, cuộc tranh luận đã diễn ra khá căng thẳng khi ông Trump và bà Clinton dành khá nhiều thời gian để công kích và phản bác lẫn nhau về việc bà Clinton- cựu Ngoại trưởng Mỹ- sử dụng hòm thư cá nhân để giải quyết công việc khi còn đương nhiệm.

Ông Trump cáo buộc bà Clinton "dối trá" sau khi cho hủy hơn 30.000 bức thư mà đáng lẽ phải trao cho giới chức thực thi pháp luật, đồng thời bày tỏ thất vọng vì bà Clinton không bị truy tố hình sự. Đáp lại, bà Clinton nói bà rất "lấy làm tiếc" vì đã sử dụng dùng hòm thư cá nhân để giải quyết việc công, song khẳng định các thông tin mật đã được bà lưu trữ rất cẩn trọng.

Ngoài ra, hai ứng cử viên cũng có những màn "đấu khẩu nảy lửa" về các vấn đề Syria, cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, lựa chọn ứng cử viên cho chức vụ thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ...

Liên quan tới vấn đề Syria, bà Clinton khẳng định ủng hộ việc thiết lập các vùng an toàn ở Syria, đồng thời cam kết sẽ không triển khai lực lượng bộ binh Mỹ tại Syria vì cho rằng đây sẽ là "một sai lầm rất nghiêm trọng". Khi được hỏi liệu bà có tiêu diệt IS theo một cách khác với Tổng thống Barack Obama hay không, bà Clinton cho rằng IS sẽ bị đẩy lùi khỏi lãnh thổ Iraq vào thời điểm bà giữ chức tổng thống.

Tuy nhiên, bà khẳng định sẽ tập trung tiêu diệt thủ lĩnh của IS và cân nhắc vũ trang cho các tay súng người Kurd (Cuốc) ở Iraq. Trong khi đó, ông Trump cũng cho rằng Mỹ cần tập trung tiêu diệt tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, song không nên đứng về bên kia chiến tuyến với chính quyền Syria và Nga.

Trong phần trả lời câu hỏi của cử tri, cả hai ứng cử viên đều trả lời "Có" khi được hỏi nếu đắc cử tổng thống Mỹ, liệu họ có cống hiến cho tất cả người dân Mỹ hay không. Về phần mình, ông Trump nhấn mạnh ông sẽ là "một tổng thống của tất cả người dân", đặc biệt nói đến cộng đồng người Mỹ gốc Phi, gốc Latinh và cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha, những người đang phải sống trong điều kiện nghèo khó ở những thành phố lớn.

Mặc dù có màn mở đầu khá căng thẳng, song hai ứng cử viên đã kết thúc cuộc tranh luận trong bầu không khí khá cởi mở khi trả lời câu hỏi của cử tri về những điều mà họ ngưỡng mộ ở nhau. Bà Clinton nói rằng bà tôn trọng những đứa trẻ nhà Trump, trong khi ông Trump khẳng định ông coi bà Clinton là một "chiến binh không bao giờ đầu hàng" cho dù ông không đồng tình lắm với những gì mà bà Clinton tranh đấu.


Cái bắt tay đầu tiên sau cuộc tranh cãi. Ảnh: AFP/ TTXVN

Lợi thế tiếp tục nghiêng về Hilary Clinton

Ngay sau khi cuộc tranh luận lần thứ hai giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ kết thúc, các kết quả thăm dò đã được tiến hành và cho thấy, bà Hilary Clinton tiếp tục giành được lợi thế trước ông Donald Trump. Theo kết quả thăm dò của kênh CNN và hãng ORC, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ đã thắng trong cuộc tranh luận thứ 2 với đối thủ của đảng Cộng hòa theo tỷ lệ lần lượt là 57% và 34%.

Theo một cuộc thăm dò khác của YouGov, số người ủng hộ bà Hilary là 47%, cao hơn so với số người ủng hộ ông Trump là 42%.

Trong khi đó, với những người mà trước cuộc tranh luận lần này còn chưa quyết định mình sẽ bỏ phiếu cho ai, thì sau cuộc tranh luận, đã có 44% số người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho bà Hilarry Clinton, và 41% sẽ bỏ phiếu cho ông Donald Trump.

Các nhà phân tích cho rằng, sở dĩ ông Trump không giành được phần thắng trong cuộc tranh luận lần hai này là bởi ngay trước đó ông đã gặp phải những bất lợi với những phát ngôn của mình trong quá khứ. Ngay trước thềm cuộc tranh luận, ngày 7-10, trong dư luận đã xuất hiện video với những lời bình phẩm cách đây 11 năm của ông Trump, trong đó ông dùng ngôn từ thô tục khoe khoang về chuyện quấy rối phụ nữ.

Sau khi đoạn video được công bố, hàng loạt đảng viên nổi bật của đảng Cộng hòa đã quay lưng lại với ông và kêu gọi ông rút lui khỏi tư cách ứng cử viên tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử chính trị Mỹ đương đại. Cuộc thăm dò của báo Politico và công ty Morning Cunsult tiến hành hôm 8-10 cho thấy, gần 40% cử tri Mỹ đã muốn ứng cử viên Donald Trump rút khỏi cuộc đua tranh chức tổng thống sau vụ bê bối mới nhất.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, tại cuộc tranh luận lần 2 vừa diễn ra, không có sự chênh lệch quá lớn giữa hai ứng cử viên, do đó mọi chuyện sẽ được ngã ngũ trong lần tranh luận cuối cùng và then chốt vào ngày 19-10 tới tại Nevada.

Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ được quyết định bởi cuộc bỏ phiếu ở 11 bang còn dao động gồm Colorado, Florida, Iowa, Michigan, Nevada, New Hampshire, Bắc Carolina, Ohio, Pensylvania, Virginia và Wisconsin. Theo kế hoạch, từ tuần thứ ba của tháng 10, cử tri 34 tiểu bang của Mỹ sẽ bắt đầu tham gia bỏ phiếu sớm bằng hình thức bầu cử trực tuyến hoặc gửi thư. Đây là các bang đã thể hiện rõ xu hướng bỏ phiếu cho ứng viên nào, do đó 11 bang trên sẽ nắm vai trò quyết định.

Số liệu thăm dò mới nhất của Realclearpolitics cho thấy, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Hilary Clinton hiện giành được 226 phiếu đại cử tri, trong khi ứng viên của đảng Cộng hòa Donald Trump mới nhận được khoảng 165 phiếu. Theo hiến pháp Mỹ, ứng cử viên tổng thống nào giành được 270 phiếu trên tổng số 538 phiếu đại cử tri sẽ được tuyên bố thắng cử.

Trọng Đức (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm