Ấn Độ vội vã chế tàu ngầm trước nỗi lo Trung Quốc

05/12/2014 07:04 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ấn Độ đang tăng tốc hiện đại hóa Hải quân và học hỏi kinh nghiệm đối phó với mối đe dọa trên biển từ nhiều nước, trong bối cảnh tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều tại Ấn Độ Dương.

Chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc và Ấn Độ có một cuộc đối đầu trên bộ ở dãy Himalaya, các tàu ngầm Trung Quốc đã xuất hiện ở Sri Lanka, đất nước nằm ngay sát Ấn Độ. Trung Quốc còn tăng cường quan hệ với đảo quốc Maldives ở Ấn Độ Dương.

Tăng cường đầu tư mua sắm tàu ngầm

Động thái của Trung Quốc đã củng cố quyết tâm của Ấn Độ trong việc đẩy mạnh sự hiện diện trên Ấn Độ Dương, vùng biển Ấn Độ từng nắm vị trí thống trị. "Chúng ta cần lo ngại trước tình trạng tồi tàn của đội tàu ngầm trong nước. Nhưng với việc Trung Quốc qua mặt chúng ta, như đã thực hiện trên dãy Himalaya và giờ là ở Ấn Độ Dương, chúng ta càng cần phải lo lắng hơn nữa" - cựu tư lệnh Hải quân Ấn Độ, ông Arun Prakash, cho Reuters biết - "May mắn thay, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền đã thức tỉnh trước cuộc khủng hoảng".

Thời gian gần đây, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra lệnh tăng tốc độ mở thầu để chế tạo 6 tàu ngầm tấn công dùng động cơ diesel-điện với chi phí ước tính 500 tỷ rupee (8,1 tỷ USD). Ngoài những chiếc tàu này, công ty DCNS của Pháp còn đang lắp ráp 6 tàu ngầm khác cho Ấn Độ tại Mumbai.


Hình ảnh được cho là tàu ngầm nguyên tử INS Arihant do Ấn Độ tự chế tạo

Trong tháng 12, con tàu ngầm sử dụng động cơ nguyên tử tự chế đầu tiên của Ấn Độ, chứa đầy tên lửa hạt nhân trong thân nó, đã ra biển chạy thử. Tàu sẽ được đưa vào trang bị chính thức trong cuối năm 2016. Ấn Độ cũng thuê một tàu ngầm nguyên tử từ Nga hồi năm 2012 và đang đàm phán để thuê thêm con tàu thứ 2.

Có tin nói Chính phủ Ấn Độ còn ký hợp đồng với Larsen & Toubro, công ty chế tạo phần vỏ cho chiếc tàu ngầm nguyên tử tự chế đầu tiên của nước này, để sản xuất thêm 2 bộ vỏ nữa.

Hành động của Ấn Độ nằm trong một xu thế chung của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở quanh Trung Quốc: mua sắm tàu ngầm để tạo sự cân bằng về sức mạnh. Cụ thể, Australia có kế hoạch mua tới 12 tàu ngầm tàng hình từ Nhật Bản trong khi Việt Nam đã đặt mua 6 tàu Kilo từ Nga. Hòn đảo Đài Loan đang tìm kiếm công nghệ từ Mỹ để tự đóng tàu ngầm. Nhật Bản cũng có ý định tăng số lượng tàu ngầm diesel-điện của nước này từ 16 lên 22 tàu trong vòng thập kỷ tiếp theo.


Tàu ngầm hạt nhân lớp Akula mang tên INS Chakra được Ấn Độ thuê từ Nga

Nguy cơ đối đầu trên biển

Ngoài con tàu ngầm nguyên tử thuê từ Nga, Hải quân Ấn Độ hiện có 13 chiếc tàu ngầm diesel-điện cổ lỗ, với chỉ một nửa trong số đó còn đang hoạt động. Năm ngoái, một tàu ngầm của nước này đã bị chìm sau các vụ cháy nổ khi đậu ở cảng tại Mumbai.

Trong khi đó Trung Quốc được cho là có tới 60 tàu ngầm quy ước và 10 tàu ngầm hạt nhân, với 3 chiếc có tên lửa hạt nhân. Ma Jiali, một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược thuộc Diễn đàn cải cách Trung Quốc, cho biết chính quyền Bắc Kinh hiện đang quan tâm tới việc bảo vệ dòng chảy hàng hóa của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

"Có nhiều tiếng nói ở Ấn Độ cho rằng Ấn Độ Dương thuộc về riêng Ấn Độ. Quan điểm của Trung Quốc là phải có đối thoại và trao đổi giữa Trung Quốc, Ấn Độ” - ông này tuyên bố.

Các chuyên gia cho rằng với việc Ấn Độ đang mở rộng số lượng tàu Hải quân lên 150 chiếc và Trung Quốc đã sở hữu khoảng 800 chiếc tàu, hai nước sẽ có khả năng rơi vào thế đối đầu trên biển.

David Brewster, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học quốc gia Australia đánh giá Ấn Độ sẽ làm hết sức để phục hồi vị trí có ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương. Nước này có thể sẽ hợp tác với Nhật Bản, Australia và mở rộng một căn cứ quân sự ở quần đảo Andaman, vốn nằm cách Eo biển Malacca chỉ 140km. "Ấn Độ coi sự hiện diện của bất kỳ tàu chiến Trung Quốc nào cũng như một hoạt động xâm phạm. Các tàu Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện và việc này rõ ràng đã gửi một thông điệp cho Ấn Độ" - Brewster nói.

Ngoài việc chế tàu ngầm, Ấn Độ còn quan tâm đầu tư vào một cảng nước sâu trị giá 8 tỷ USD mà Bangladesh muốn phát triển ở Sonadia tại Vịnh Bengal. Tập đoàn Adani của Ấn Độ đã gửi hồ sơ tham gia đấu thầu trong tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên Công ty kỹ thuật cảng Trung Quốc hiện đang là ứng viên có tiềm năng chiến thắng.

"Nếu Trung Quốc tiếp tục con đường hiện nay và mức độ hiện diện như thế này ở Ấn Độ Dương, người Ấn Độ sẽ cảm thấy rằng họ cần phải có đòn đáp trả" - Brewster cảnh báo.

Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm