50 năm hiệp ước ngừng thử vũ khí hạt nhân: 'Hãy nhớ đến nhân loại và quên đi những thứ còn lại'

08/08/2013 14:27 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là một khoảnh khắc lịch sử trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Cách đây 50 năm, vào ngày 5/8/1963, Mỹ và Liên Xô (cũ) đã ký Hiệp ước cấm thử hạn chế nhằm cấm thử vũ khí hạt nhân. Cho tới nay hiệp ước đã được gần như mọi nước ký vào và vẫn có hiệu lực. Nhưng ảnh hưởng của nó tới đâu vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Trước hiệp ước kể trên, thử vũ khí hạt nhân đã trở thành chuyện "thường ngày ở huyện".

Thi nhau thử vũ khí hạt nhân

Theo một báo cáo do Thượng viện Pháp thực hiện, kể từ năm 1945, đã có hơn 2.000 cuộc thử vũ khí hạt nhân. Hơn 1.000 cuộc trong số đó do Mỹ thực hiện, 715 cuộc do Liên Xô tiến hành, Anh thử 45 cuộc và Trung Quốc thử 46 cuộc.

Pháp, nước không ký vào hiệp ước, đã tiếp tục thử hạt nhân dưới nước cho tới giữa những năm 1990. Tổng cộng Pháp đã thực hiện 210 cuộc thử vũ khí hạt nhân. Tất cả các cuộc thử hạt nhân này đều gây nhiễm xạ lớn, chủ yếu là ở các nước châu Phi và tại Thái Bình Dương.

Trở lại với những năm 1960, trong 13 ngày của tháng 10/1962, chỉ chưa đầy một năm trước khi Tổng thống Mỹ John F Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev ký hiệp ước trên, đôi bên đã đối mặt nhau trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba, sự kiện được đánh giá là suýt đẩy thế giới tới bờ vực chiến tranh hạt nhân. Đôi bên còn chạm trán một lần vào tháng 8/1961 ở Berlin, khi Đông Đức bắt đầu xây dựng một bức tường ở giữa thành phố đã bị chia thành hai nửa.

Những cuộc chạm trán đó khiến đôi bên đã nghĩ tới việc phải hợp tác. Trong một bài phát biểu thực hiện tại Đại học Mỹ vào ngày 10/6/1963, Kennedy chỉ ra rằng trong thời đại hạt nhân nguyên tử, "chiến tranh tổng lực không còn có ý nghĩa nữa". Ông bày tỏ khao khát được đàm phán về hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân.

Quan điểm của Kennedy được sự ủng hộ một phần bởi sự xuất hiện của vũ khí nhiệt hạch và các quả bom khinh khí (bom H). Những vũ khí này mạnh hơn rất nhiều bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống và san phẳng hai thành phố Hiroshima cùng Nagasaki của Nhật Bản trong tháng 8/1945.

Trong Chiến tranh Lạnh, một cuộc thử hạt nhân như thế này tại Bikini Atoll là chuyện rất thường gặp

Mối nguy hiểm của vũ khí nguyên tử

Trong khi các quả bom hạt nhân ban đầu ra đời để đóng vai trò thay thế cho hoạt động ném bom thông thường, sức mạnh khủng khiếp của bom H đã khiến ý nghĩa ban đầu không còn chấp nhận được nữa. Và thực tế dù chưa từng được sử dụng trong chiến tranh, bom H đã gây những hậu quả nhất định. Năm 1954, thủy thủ đoàn của tàu đánh cá Nhật Bản Lucky Dragon đã tiến tới quá gần nơi thử một quả bom H trên Thái Bình Dương và bị nhiễm xạ nặng.

Từng bước một, nhiều chiến dịch chống vũ khí hạt nhân, với sự ủng hộ của các khoa học gia, đã xuất hiện và khiến thế giới nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của loại vũ khí này. Nổi tiếng nhất có lẽ là một văn kiện do nhà khoa học Albert Einstein và triết gia Bertrand Russell đưa ra trong tháng 7/1955, kêu gọi người dân toàn cầu "nhớ đến nhân loại và quên đi tất cả những thứ còn lại".

Những vấn đề cụ thể hơn cũng xuất hiện. Tại Anh, các bà mẹ trẻ đang cho chon bú bắt đầu lo lắng về chất lượng sữa của họ, sau khi người ta phát hiện không khí của Anh có lượng phóng xạ Strontium-90 cao hơn bình thường. Tình trạng không khí có nồng độ phóng xạ cao là do Anh thử vũ khí hạt nhân trên Thái Bình Dương.

Tới giữa những năm 1950, các nhà khoa học đã xác nhận một mối liên hệ trực tiếp giữa việc phơi nhiễm phóng xạ và bệnh ung thư. Đã có tai nạn liên quan tới vũ khí hạt nhân xảy ra. Tháng 10/1961, Liên Xô thử một quả bom H quá lớn tới mức nó đã biến một khu vực lớn ở vùng Siberia thành một sa mạc phóng xạ. Năm 1962, Mỹ thử bom H ở ngoài không gian, cách bề mặt Thái Bình Dương 480km. Kết quả là cả khu vực Hawaii bị mất điện và hư hỏng hệ thống liên lạc.

Vũ khí nguyên tử mới chỉ được sử dụng 2 lần trong lịch sử nhân loại. Lần đầu là khi Mỹ ném một quả bom xuống Hiroshima trong ngày 6/8/1945 làm hơn 100.000 người chết. 3 ngày sau, quả bom thứ hai được ném xuống Nagasaki khiến ít nhất 40.000 người thiệt mạng.

Những điều đó đã tạo cơ sở để các cuộc đàm phán về một hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc khi đó là Mỹ và Liên Xô diễn ra. Đã có nhiều hoạt động diễn ra trong giai đoạn 1959 và 1961. Tuy nhiên đôi bên không đạt được sự đồng thuận, bởi phía Liên Xô muốn gắn việc cấm thử vũ khí hạt nhân với một hiệp ước giới hạn quân sự chung. Về phần mình, Mỹ cảm thấy đã vượt lên trước trong cuộc chạy đua vũ trang, lại muốn tách biệt vấn đề kiểm soát vũ khí với cấm thử hạt nhân. Sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Liên Xô mới chấp nhận nhượng bộ, mở đường cho hiệp ước ra đời.

Hiệp ước gây tranh cãi

Giới quan sát nói rằng tới nay, hiệp ước đã để lại một di sản gây tranh cãi. Trong khi ngăn chặn được các cuộc thử hạt nhân mới và việc bơm thêm phóng xạ vào bầu khí quyển, thì hiệp ước lại gỡ bỏ đi các bằng chứng trực tiếp về thị giác, liên quan tới một cuộc chạy đua hạt nhân.

Điều này khiến nhiều người dần lãng quên về mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Cũng vì thế, không ngạc nhiên khi thấy hoạt động chống vũ khí hạt nhân đã suy giảm mạnh sau khi Hiệp ước cấm thử hạn chế ra đời, dù cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân vẫn ngấm ngầm diễn ra.

Nhưng với những ai đã lãng quên tác hại khủng khiếp và kéo dài của vũ khí hạt nhân mang lại, họ cần nhìn vào cuộc sống của người dân Bikini Atoll, nơi Mỹ đã thực hiện vô số cuộc thử hạt nhân khác nhau. Những con người này được thông báo hãy trở về nhà và được đảm bảo không có gì gây hại cho họ. Chỉ tới khi rất nhiều người phụ nữ bản địa sảy thai, sinh non và đẻ ra trẻ dị tật bẩm sinh, họ mới nhận ra rằng nơi mình tìm về không hề an toàn chút nào.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm