Bàn tròn: Tuyển Anh, bao giờ hết hư danh?

19/06/2014 15:48 GMT+7 | Bảng D

(Thethaovanhoa.vn) - Tại sao đội tuyển Anh đến giải nào cũng trống dong cờ mở, nhưng ra về thì buồn thiu? Họ cần thay đổi những gì? Đó là chủ đề của bàn tròn hôm nay, với các khách mời là bình luận viên Lý Chánh và các nhà báo Đông Hà, Đức Hoàng.

“Thôi, Anh hãy về…”

Phạm An: Xin chào và cảm ơn mọi người đã tham dự bàn tròn ngày hôm nay!

Đức Hoàng: Chào các anh. Chúng ta ở đây đơn giản là để "chào anh" và chào luôn... người Anh về nước phải không ạ?

Lý Chánh: Mới thua một trận thôi mà Hoàng. Thật ra Anh cũng còn may vì Uruguay thua Costa Rica.

Đức Hoàng: Anh ơi (ý tôi là anh Lý Chánh ơi và tuyển Anh ơi), đâu phải là "mới thua một trận", họ thua hoài từ năm 1966 đến giờ đó chứ. Tôi thấy đó là một chuỗi kết quả có hệ thống và tạo ra từ cách làm bóng đá của họ đấy chứ.

Lý Chánh: Nếu nói như Đức Hoàng thì Uruguay còn thua từ 1950 tới giờ.

Phạm An: Tôi nghĩ là khả năng Anh về nước sớm là rất cao. Uruguay chịu cú sốc ở lượt trận đầu tiên, nhưng sở trường của Uruguay không phải đá cửa trên, mà chơi kiểu cửa dưới, và họ có sự trở lại của Luis Suarez. Đội tuyển Anh thì là 1 trong những đội chơi thế cửa trên tệ nhất mà tôi từng biết.

Lý Chánh: Đồng ý với Phạm An về khả năng chịu đựng của Anh và Uruguay trong các tình thế cụ thể như trên.

Đông Hà: Chỉ nói riêng tại giải đấu này, nhận xét sau khi xem Uruguay đá với Costa Rica và Anh đá Italy thì thật sự là rất đáng lo cho người Anh. Thêm một thất bại nữa, người Anh sẽ về nước, và nguy cơ xảy ra điều đó trong trận gặp Uruguay là khá cao.

Lý Chánh: Văn hóa chiến thắng có phải là thứ quan trọng trong cuộc đối đầu giữa hai đội bóng này hay không, theo các anh?

Phạm An: Cả Uruguay và Anh đều không có văn hóa chiến thắng, nhưng Uruguay có "văn hóa ngựa ô", thứ mà đội tuyển Anh không có. Khi hai đội gặp nhau trong tình thế như thế, cá nhân tôi nghĩ phần thua về Anh nhiều hơn. Các anh nghĩ sao?

Đức Hoàng: Cái đã luôn khiến đội tuyển Anh thất bại chính là áp lực, thứ khiến họ không bao giờ là chính mình khi bước ra sân chơi lớn. Rooney của Man United không phải là Rooney của tuyển Anh. Steven Gerrard của Liverpool thì chắc chắn là không phải Gerrard của tuyển Anh rồi.

Lý Chánh: Rooney cũng đã phát biểu gần đây là anh bị báo chí đặt áp lực lên vai trong cả hai lần dự World Cup trước, và lần này, anh sẽ "enjoy" (tận hưởng) World Cup.

Đức Hoàng: Thống kê mới không biết các anh đã đọc chưa: 50% dân số Anh thà có chức vô địch World Cup chứ không muốn giữ Scotland (đất nước đang đòi tách riêng ra khỏi Vương quốc). Khó mà "enjoy" được trước một sự kỳ vọng kiểu như thế.

“Tâm lý là tử huyệt của người Anh”

Lý Chánh: Nếu chúng ta xem xét các cầu thủ hai đội đã từng nếm trải vinh quang ở cấp CLB thì như thế nào? Rooney, hay các cầu thủ trong đội hình của Man United, Man City, Chelsea chắc chắn đã nếm trải nhiều, và đó có thể đó là một thứ bê tông giúp Anh trở nên cứng cáp hơn Uruguay.

Phạm An: Đồng ý với anh Lý Chánh, đó có vẻ là một nghịch lý: Đội tuyển Anh có rất nhiều nhân tài ở các CLB Premier League, nhưng chúng ta cũng để ý thêm 1 điểm là người Anh độc lập thì không bao giờ đi kèm chiến thắng cả, họ cần chiến thuật của người Bồ Đào Nha, Scotland, cần thêm sự khéo léo của người TBN, còn người Anh đơn thuần thì chỉ có thất bại!

Họ cần rất nhiều sự trợ giúp để có tâm lý vững vàng như ở CLB. Ngay cả trong giai đoạn thế hệ Vàng của Gerrard, Lampard, Terry, Cole, thì chỉ có người Anh với nhau bao giờ cũng là một tập thể mong manh. Các anh nghĩ thế nào về chuyện này?

Đông Hà: Ở Premier League, cầu thủ Anh giành vinh quang trong một tập thể mà họ - những người Anh - chỉ là một phần nhỏ bé. Phần còn lại là những ngôi sao ngoại quốc, trong một đội bóng Liên hợp quốc. Khi gom những ngôi sao người Anh lại, họ không đủ xuất sắc, mạnh mẽ và gắn kết để tạo nên một đội bóng chiến thắng. Người Anh khác người Tây Ban Nha, Italy và Đức ở chỗ đó.

Lý Chánh: Có vẻ như Phạm An muốn nhấn mạnh, tử huyệt của Anh là tâm lý kém.

Đông Hà: Tâm lý là vấn đề được nói đến nhiều nhất của người Anh, từ thời Sven-Goran Eriksson đến Steve McClaren. Ngay cả với Fabio Capello, một người Italy đầy bản lĩnh, cũng không cải tạo được điều này, bởi theo tôi, nó đã trở thành điểm yếu cố hữu.

Đức Hoàng: Tâm lý chính là tử huyệt của người Anh. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm một chút nữa về lối đá cấp CLB, chúng ta đều thấy là người Đức khi thay đổi phong cách của ĐTQG, thì đồng thời thay đổi đồng nhất từ cấp lò đào tạo, sản sinh ra những cầu thủ phục vụ cho lối chơi ấy. Một quá trình kéo dài và đoàn kết một lòng. Người Tây Ban Nha cũng tương tự.

Nhưng ở Anh, có CLB nào muốn đào tạo trẻ, có ông chủ tịch nước ngoài nào nghĩ về tương lai của nền bóng đá đâu? Mỗi ngôi sao lại được sinh ra trong một môi trường, một đòi hỏi, một triết lý khác nhau, và nếu Khedira có thể kết hợp với Schweinsteiger rất nhanh thì Gerrard và Lampard lại không thể.

“Đừng chờ đợi gì ở người Anh!”

Đông Hà: Đức Hoàng nói đến ý đó thì tôi phải so sánh cách làm bóng đá của người Anh với người Đức. FA chưa bao giờ chung chiến tuyến với các câu lạc bộ Anh, trong khi DFB luôn song hành với các CLB Đức. Người Đức có hẳn một chiến lược đào tạo trẻ, do DFB dẫn dắt và 36 CLB chuyên nghiệp cùng thực hiện.

Đức Hoàng: Thế tôi mới nói là việc họ thua suốt từ năm 1966 đến nay là kết quả của một cách làm bóng đá. Chứ không phải lỗi của từng cá nhân như Rooney, Sturridge nữa rồi.

Lý Chánh: Chiến lược cho cả một nền bóng đá phải thay đổi là điều không dễ làm chút nào. Lúc đó, liệu các CLB có chịu hy sinh quyền lợi? Trước đây, người Anh có giải cho đội B mà đa số gồm cầu thủ nội địa. Giờ đây, ngay cả các trận đấu đó cũng đầy cầu thủ nước ngoài.

Phạm An: Vậy thì không có lối thoát nào cho người Anh chăng, thưa các anh, tại sao người Anh không thể copy mô hình của Đức, ngoài lý do về sự bảo thủ và cân nhắc lợi ích như anh Lý Chánh vừa đề cập?

Lý Chánh: Bản chất của sự bảo thủ đó là thế này: Mô hình ở Đức, như ở Bayern Munich, là các cổ động viên sở hữu đội bóng, chỉ có 3 đội bóng tư nhân mang tên hãng thuốc như Bayer (Leverkusen), thuộc sở hữu của hãng xe hơi như Wolfsburg... Và đó là khác biệt lớn.

Đông Hà: Vâng, ở Đức không có khái niệm tư nhân hay nước ngoài sở hữu CLB chuyên nghiệp. CLB thuộc sở hữu của các CĐV, hoặc của một tổ chức nào đó.

Với áp lực kinh tế đặt nặng lên Premier League thì cả khi người Anh muốn thay đổi chiến lược làm bóng đá để hướng đến thành tích của đội tuyển, họ cũng khó mà thực hiện, khi mà khả năng can thiệp sâu vào những đội bóng do ông chủ nước ngoài sở hữu là rất thấp.

Đức Hoàng: Thế thì chốt lại một câu: Đừng chờ đợi gì ở người Anh. Họ không hề khác so với bất kỳ giải đấu lớn nào trước kia cả.

Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm