Tôi thấy tôi nghe, tôi trải nghiệm: Gặp gỡ với dòng Don

06/07/2018 21:56 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi đến Rostov trong hành trình xuôi xuống phương Nam của nước Nga một phần là vì tác phẩm ấy, "Sông Don êm đềm", phần khác để hiểu thêm về nước Nga-không-phải-Moskva. Đúng, không phải Moskva hay Saint Petersburg, vì rời khỏi những thành phố lớn và ai đến Nga cũng hầu như phải đặt chân tới ấy, là một thế giới khác, một nước Nga hoàn toàn khác.

Ở đây bình yên hơn, với những khối nhà cũ kỹ được xây dựng từ thời Xô viết, những chiếc xe bus dường như đã chạy ở đây từ những năm 1970, những chiếc tàu điện xưa lắm rồi, và các khu dân cư bừa bộn, chó mèo đi lang thang cứ như trong nhà của chúng và khu chợ trung tâm nhìn cứ như ở một nước thuộc thế giới thứ ba nào đó.

Rời xa Rostov một chút, khoảng vài chục cây số, bên dòng sông Don chảy nhẹ nhàng, là những lùm cây um tùm xanh ngắt, những triền cát chạy dài xuống mép nước, và chao ôi là đẹp, ánh nắng lung linh hắt lên từ con sông. Xa xa tít ở phía bờ bên kia là những nóc nhà của một ngôi làng. Có hàng biết bao nhiêu ngôi làng như thế bên sông trên vùng đất này, những trấn, những huyện, những tổng, mà biết bao năm về trước, những người nông dân Cossack đã sống.

Chú thích ảnh
Cảnh Grigori ôm Aksinia vừa bị bắn chết trong phim "Sông Don êm đềm" (1957).
Ảnh: tư liệu

Những người bạn Nga mới quen bảo rằng, văn hóa của người Cossack vẫn được gìn giữ. Thành phố Rostov vẫn tổ chức những đội tuần tiễu người Cossack cưỡi ngựa trên đường phố trong dịp World Cup, nhưng chủ yếu là để khách du lịch chụp ảnh. Ở Starocherkask, cách Rostov gần một tiếng xe bus chạy, những nghi thức truyền thống của người Cossack vẫn được bảo tồn. Gần một thế kỷ trước, những người kỵ sĩ Cossack, luôn là người trung thành với các Sa hoàng trong việc bảo vệ biên giới phía Nam của đế chế Nga, đã tập hợp thành những binh đoàn để chống lại chính quyền cách mạng sau khi Cách mạng tháng Mười nổ ra. Nội chiến đã bùng lên khi người Cossack theo những lực lượng phản cách mạng. Những xóm làng bị đốt phá. Người ở cả hai bên đã chết. Những hậu quả của cuộc nội chiến ấy đã kéo dài đến tận trước Thế chiến II, dù đã kết thúc từ năm 1922.

Trên những nẻo đường nước Nga: Lắng mình trong dòng Don êm đềm

Trên những nẻo đường nước Nga: Lắng mình trong dòng Don êm đềm

Tôi đến Rostov khi trận đấu cuối cùng của World Cup được tổ chức ở đây vừa kết thúc. Thành phố như vừa ngái ngủ sau một giấc mơ dài mà họ không muốn tỉnh dậy, bởi bóng đá đã đưa họ một lần nữa lên bản đồ thế giới, rất nhiều năm sau văn hào Mikhail Solokhov lấy sông Don và vùng Kuban rộng lớn làm bối cảnh cho tác phẩm kinh điển "Sông Don êm đềm".

Gần hai nghìn trang sách của "Sông Don êm đềm" đã mô tả một cách tường tận những khốc liệt ghê người của cuộc chiến ngày ấy, thông qua bi kịch của gia đình Melekhov. Nhân vật Grigori ấy có một nguyên mẫu thật, nhưng thực sự người ấy có yêu một ai như nàng Aksinia hay không, cuộc đời thực sự của chàng sóng gió ra sao, không ai biết được. Chỉ biết nguyên mẫu đã bị xử bắn vào năm 1927, còn Grigori, chàng nông dân hiền lành nhưng lãng mạn, đã lúc đầu theo Hồng quân, sau đó lại sang bên Bạch vệ và lẩn trốn một quãng thời gian dài, trước khi cái chết của người tình Aksinia khiến chàng từ bỏ tất cả để trở về làng, khi gia đình đã tan nát không còn gì nữa. Đấy là câu chuyện về số phận của những con người trong chiến tranh cách mạng, dẫn đến cái chết của gần nửa triệu người Cossack, và sau đó, họ vẫn tiếp tục sống mất tự do, cho đến khi Stalin qua đời vào năm 1953.

Bây giờ, nơi này đã êm đềm trở lại. Nhưng tôi vẫn tự hỏi, điều gì đã xảy ra với cha ông những người sống trong các xóm làng bên sông kia? Và truyền thống thượng võ xưa của người Cossack bây giờ còn gì nữa, sau bao năm sống ở nơi là "sân khấu" của những biến đổi lớn lao của lịch sử nước Nga?

A.N (từ Rostov trên sông Don)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm