Ronaldo, Garrincha & những huyền thoại đánh bại sự nghiệt ngã của số phận

29/05/2014 14:51 GMT+7 | Hậu trường World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Số phận không rải hoa hồng cho họ ở những bước đầu tiên trên đường đời. Nhưng bằng nỗ lực, họ trở thành người chiến thắng với chiến tích là những thành công trong sự nghiệp sân cỏ.

Garrincha

“Anjo de Pernas Tortas” (Thiên thần chân thọt) là biệt danh mà người hâm mộ bóng đá Brazil vẫn gọi Garrincha. Khi mới sinh ra, xương sống của Garrincha bị cong, chân trái ngắn hơn 6cm so với chân phải, vốn đã bị gập vào trong, nhìn khá “dị dạng”. Sau một vài cuộc phẫu thuật, Garrincha còn gặp biến chứng, khiến chân trái của ông “méo mó”.


Nhưng Garrincha đã bỏ lại đằng sau những ánh mắt hoài nghi để theo đuổi nghiệp túc cầu. Thay vì mặc cảm số phận, ông biến bất lợi của đôi chân thành ưu điểm trên sân bóng. Nhờ chiếc chân trái ngắn hơn bình thường, Garrincha dễ dàng giữ được thăng bằng trong những pha đột ngột ngoặt bóng qua người hay đặt trọng tâm để dứt điểm, tung ra những cú sút cực mạnh. Từ cậu bé dị tật, Garrincha đã trở thành một danh thủ, chỉ xếp sau Pele trong lịch sử đầy vinh quang của Selecao.

Hector Castro


Thời niên thiếu, Hector Castro bị cưa cắt cụt tay khi phụ giúp cha trong một xưởng mộc. Chính vì điều này nên mọi người đặt cho ông biệt danh “El Manco”, nghĩa là “Vị thần một tay”. Thời điểm ấy, Castro đã nổi danh là một tài năng bóng đá ở Montevideo. Nhưng có lẽ nếu không bị cụt cánh tay, bóng đá thế giới đã chẳng biết đến một Castro huyền thoại.

Chính tai nạn nằm ngoài mong muốn ấy đã hun đúc cho cậu thiếu niên ấy một ý chí sắt đá. Castro giành mọi danh hiệu với CLB Nacional, nhưng đỉnh cao vinh quang khiến cả thế giới biết đến “El Manco” là ở World Cup 1930, ngày hội bóng đá thế giới đầu tiên trong lịch sử. Trong trận chung kết kịch tính với Argentina, Castro đã trở thành người hùng của bóng đá Uruguay. Khi tỷ số trận chung kết đang là 3-2 và các cầu thủ Argentina đang điên cuồng tìm bàn gỡ, pha dứt điểm của Castro phút 89 đã nhấn chìm tất cả nỗ lực của đội bóng đến từ xứ Tango.

Nwankwo Kanu


Cuộc sống nghèo khó buộc Kanu phải tìm đến trái bóng để mưu sinh. Thế nhưng, vào giữa những năm 1990, khi đang có quãng thời gian hạnh phúc cùng Ajax, Kanu nhận được tin dữ. Các bác sĩ của CLB cho biết tim Kanu bị dị tật bẩm sinh và cần phải phẫu thuật: “Tính mạng của Kanu đang bị đe dọa. Kanu cần thay ngay van tim, và chắc chắn anh ấy sẽ không thể chơi bóng được nữa”.

Tưởng như sự nghiệp quần đùi áo số chính thức khép lại với chân sút sinh năm 1976, nhưng nhờ nỗ lực tập luyện sau ca phẫu thuật tháng 11/1996, Kanu đã trở thành một trong những sát thủ đáng sợ nhất châu Âu.

Tim Howard


Cha mẹ ly dị năm Tim Howard mới 3 tuổi. Thế nhưng, cuộc sống nghiệt ngã vẫn chưa chịu buông tha Howard. Năm lên 6, anh bị mắc hội chứng Tourette, chứng bệnh khiến bệnh nhân có những hành vi lặp đi lặp lại (như nháy mắt, ho, méo mặt...) mà họ không thể kiểm soát được. Thỉnh thoảng, họ cũng có những hành động phức tạp và đôi khi có những hành động như liên tục đằng hắng hoặc thốt ra những từ ngữ không thích hợp, kể cả việc chửi thề.

Với căn bệnh trên, Tim Howard tưởng như không thể thi đấu chuyên nghiệp được nhưng anh đã vượt qua tất cả để chứng minh tài năng của mình. Anh không những là thủ môn người Mỹ thành công ở Premier League trong màu áo Man United và Everton mà còn là một trong những thành viên đi đầu của Tổ chức chống hội chứng động kinh bang New Jersey, với mục tiêu mở rộng tầm nhìn của cộng đồng về căn bệnh và những người mắc bệnh. Sau khi trở thành thành viên của Olympic Mỹ tham dự Sydney 2000, anh được gọi vào ĐTQG năm 2001. Năm 2002, với sự góp mặt của anh, Mỹ hạ Ecuador lần đầu trong lịch sử, và Tim không để lọt lưới bàn nào.

Cristiano Ronaldo


Trong cuốn tự truyện mang tựa đề “CR7 – The Secrets of the Machine” (tạm dịch: CR7 – Những bí mật của cỗ máy săn bàn), Ronaldo tiết lộ cơ thể anh bị dị tật, “mọc” thêm xương ở mắt cá chân. Căn bệnh trên được phát hiện sau một cuộc kiểm tra y tế ở trận đấu giữa Real Madrid và Marseille tại Champions League 2009. Ronaldo đã quyết định chọn vật lý trị liệu làm phương pháp điều trị và thành công. 5 năm kể từ thời điểm phát hiện dị tật, Ronaldo đã giành được thành công vang dội với Real Madrid. Không chỉ cùng Real giành danh hiệu Champions League thứ 10 trong lịch sử CLB, Ronaldo còn trở thành chân sút xuất sắc thứ 2 trong lịch sử giải đấu.

Năm 15 tuổi, trong một buổi tập cùng CLB Sporting Lisbon, Ronaldo bất ngờ ngã khụy xuống sân và lấy tay ôm ngực, thốt lên những tiếng kêu đau đớn. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện nhịp tim của cầu thủ người Bồ Đào Nha cao hơn người bình thường kể cả khi không vận động mạnh. Một ca phẫu thuật được tiến hành và chưa đầy 1 tuần sau khi lên bàn mổ, Ronaldo đã đòi quay lại sân tập. Nghị lực vượt qua khó khăn bệnh tật để đến với niềm đam mê trái bóng tròn của tiền vệ này thật khiến người ta phải thán phục.

K.Đ
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm