Góc Martin Samuel: FIFA phải bảo vệ các ngôi sao nếu không muốn Neymar giã từ sân cỏ

07/07/2014 19:56 GMT+7 | Bán kết

(Thethaovanhoa.vn) Sự nghiệp của Diego Maradona từng điêu đứng do các pha phạm lỗi thô bạo. Nếu FIFA không sớm can thiệp, Neymar hay James Rodriguez có thể phải sớm giã từ sân cỏ.

Năm 1982, Claudio Gentile phạm lỗi với Maradona 23 lần nhưng chỉ bị nhắc nhở một lần. Còn nạn nhân Maradona mới phàn nàn với trọng tài người Romania, Nicolae Rainea, đã bị phạt thẻ vàng! Ở các trận khác, Maradona cũng thường xuyên bị đối phương khiêu khích, phạm lỗi, kết quả là không kiềm chế được, trả đũa Joao Silva của Brazil và bị đuổi.

Những pha phạm lỗi thô bạo đã khiến Maradona năm nay 53 tuổi, bằng George Clooney nhưng trông "chán" hơn hẳn. Ngày nào "Quả bóng vàng" cũng đến phòng gym tập luyện. Sau buổi tập, Maradona trông như đã 90. Chân của cựu danh thủ này bè ra gấp đôi bình thường, tốc độ cũng rất chậm. Nhưng Maradona không hề yếu. Ông ta không thở dốc, không có vấn đề về thể lực. Vấn đề của Maradona là đầu gối, là đôi chân đã nát bét. Hậu quả của các pha phạm lỗi thô bạo trước đây.

Maradona là nạn nhân của các pha vào bóng thô bạo

Làm sao để xử lý các pha phạm lỗi còn quan trọng hơn những vụ cắn hay ăn vạ rất nhiều. Hành động của Luis Suarez hay Arjen Robben đáng phê phán nhưng thẳng thắn, nó không gây hậu quả lâu dài. Còn một pha vào bóng thô bạo có thể làm "tiêu tùng" sự nghiệp một cầu thủ. Nếu để tình trạng bạo lực như hiện nay tiếp diễn, Neymar có thể mất cả sự nghiệp, chứ không chỉ vắng mặt trong phần còn lại của World Cup như hiện nay.

Ở trận tứ kết với Colombia, Neymar đã bị gẫy đốt sống lưng sau một pha va chạm quá thô bạo của Juan Zuniga. Riêng việc cầu thủ này bất động rời sân, phải chuyển tới bệnh viên bằng trực thăng đã nói lên tất cả. Nhưng hành động của Zuniga cũng chỉ là pha trả đũa những lần vào bóng thô bạo không kém của Fernandinho với James Rodriguez. Nếu không giỏi tránh, Rodriguez đã phải nhận kết cục chẳng khác Neymar.

Rodriguez được "chăm sóc" rất kỹ càng

Tình trạng bạo lực này không phải bây giờ mới diễn ra. Nó dường như được dung túng từ năm này qua năm khác. Trong trận chung kết 4 năm trước, trọng tài Howard Webb đã không đuổi Nigel de Jong khỏi sân dù tiền vệ này tung ra một cú kungfu vào thẳng người Xabi Alonso. FIFA không bao giờ muốn nhìn lại câu chuyện của Maradona. FIFA thậm chí còn chẳng thèm cấp vé cho Maradona xem trận Argentina gặp Iran dù LĐBĐ Argentina đã "bó tay".

Với FIFA, Maradona chỉ là kẻ ngoài cuộc, như chương trình cựu danh thủ này đang dẫn trên đài Da Zurda. Nhưng chúng ta vẫn có thể học nhiều điều từ lịch sử. Maradona sử dụng chất kích thích không phải để tiêu khiển mà để quên đi những vết thương, dốc sức chiến đấu cho đội nhà ở World Cup 1994. Lối sống của Maradona đáng bị chỉ trích nhưng những pha phạm lỗi "Cậu bé vàng" phải nhận cũng đáng bị lên án. Cứ nhìn Maradona bây giờ mà xem, phải chịu đựng các vết thương từng ngày, mỗi bước đi là một nỗ lực, một lần nhăn nhó.

Số phận của Neymar cũng sẽ tương tự? Các cầu thủ khác cũng sẽ phải hy sinh để Brazil có thể tiến tới Maracana? Sau trận ở vòng 1/8 với Chile, HLV Felipe Scolari tuyên bố Brazil sẽ chơi "bẩn" hơn. Ai cũng biết chỉ trừ trọng tài. Trong 41 phút đầu, Brazil phạm lỗi tới 54 lần, tức cứ 45 giây lại phạm lỗi một lần. Thật đáng xấu hổ. Một sự phản bội của FIFA, một sự "tôn vinh" trò đấu vật, các HLV dã man và học trò  của họ, những kẻ hủy diệt.

Thời của Maradona, những kẻ xấu đã thắng. Còn bây giờ, FIFA có nghiêm khắc hơn đôi chút. Dường như những vấn đề về thương mại có tác dụng hơn các phán xét. Các nhà tài trợ muốn trận đấu diễn ra giữa 11 người với 11 người. Một hành động khác là sử dụng công nghệ thông minh goal-line thay cho trọng tài để tránh gây tranh cãi. Nhưng việc phạm lỗi thì chưa có dấu hiệu suy giảm. Chẳng có gì phải bàn cãi ở đây. Cứ nhìn một huyền thoại phải bước đi khó nhọc  trên máy tập chạy là đủ hiểu. Mọi thứ nằm ngay trước mắt FIFA. Vấn đề là họ có thèm nhìn vào hay không.

T.K.A (dịch)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm