Đoản khúc World Cup: Chỉ có nỗi đau của tình yêu nhớ người bại trận

09/07/2014 15:35 GMT+7 | Vòng 1/8

1. Trận bán kết thứ hai, vẫn một đại diện Nam Mỹ và một đại diện châu Âu, sự phân bổ đều và đẹp của hai nền bóng đá bậc nhất thế giới làm đẹp lòng người hâm mộ, lại chẳng khiến ông chủ tịch FIFA Sepp Blatter thích thú. Ông vẫn cho rằng, giảm các đội bóng châu Âu từ 15 (năm 1998)  xuống 13 (năm 2014) là quá ít, và nên chỉ để 11 đội bóng châu Âu tham gia World Cup để tăng số lượng cũng như cơ hội của các lục địa khác như Á, hoặc Phi.

Nhưng nếu nói như vậy, thì bóng đá sẽ bớt đẹp đi nhiều, vì hai lẽ. Một là trên thực tế, đã không còn đội bóng mạnh hay yếu. Hãy nhớ Ghana, Costa Rica, Australia, Nigeria… đã đá như thế nào? Hãy nhớ Italy, Tây Ban Nha, Anh… về nước ở thời điểm nào. Điểm thứ hai, sự lãng mạn đã bớt đi với những hình thức biểu hiện “không đẹp” thậm chí là nhuốm màu bạo lực. Người ta không thể nâng cao chất lượng bằng cách triệt hạ đối phương như cái cách vào bóng của các cầu thủ Honduras, hay như trong trận cầu giống một trận kickbox giữa Colombia và Brazil. Tệ hơn nữa, còn là đánh thẳng vào mặt, nhảy lên người mà cắn… Những tiểu xảo và hành động đó, công bằng người ta ít gặp ở các đội bóng  lớn, dù để đáp trả thì họ cũng đôi khi tự biến mình thành các kịch sĩ sân cỏ đại tài.

 2. Túc cầu có sức hấp dẫn vô cùng mạnh, nó khiến cả thế giới mong ngóng, cuốn tất cả vào một vòng quay không dừng lại, những ngày dài mong ngóng, những đêm trắng thao thức… Nhưng, bóng đá cũng như mọi môn thể thao, điểm cuối cùng chính là để kéo gần con người, sắc tộc, quốc gia, màu da… lại với nhau. Bóng đá được coi là môn thể thao vua chính bởi nó được sản sinh ra cho người ta tập hợp lại thành một team với tính đồng đội, tập thể, người tấn công, kẻ phòng ngự, hỗ trợ lẫn nhau… Song tiếc thay, ở đó ta lại thấy một mặt trái chua xót, đó là sự thâm thù của những người hâm mộ.

Tôi từng rất ngạc nhiên, khi có những bình luận của độc giả rằng, thua bất cứ đội bóng nào cũng được, nhưng không thể thua đội A, B nào đó. Nhiều người, rất đông là đằng khác, tỏ rõ sự  oán hờn với đội bóng kỵ giơ đội bóng họ yêu thích. Sự thù hằn có thể chỉ là từ một trận thua mà họ cảm thấy vô lý, một pha bóng thô bạo gây chấn thương cho cầu thủ họ yêu nhưng nỗi căm thù đeo bám suốt mấy chục năm không xóa đi trong ký ức. Lạ lùng hơn, nó có cả ở trong tâm thức những người không chứng kiến sự kiện đó, thậm chí khi sự kiện đó diễn ra, họ còn chưa ra đời…

Sự hằn thù không làm cho người ta lớn lên, chỉ khiến con người ta càng trở nên thiếu kiềm chế, thiếu tỉnh táo, dẫn đến nhỏ bé và cố chấp-đó là với cá nhân. Với một tập thể, cộng đồng, dân tộc thì hằn thù và cậy lớn ép bé cũng tương tự, khiến tập thể đó nhược thể trước một thế giới đại đồng.   

3. Đã là thi đấu, thì sẽ có thắng có thua, có kẻ đăng quang ắt có kẻ buồn bã rời cuộc đua trong tư thế kẻ bại trận. Nhưng không thể vì thế mà phải chiến thắng bằng mọi giá, và đặc biệt là gian lận. Tôi có thể làm mất lòng rất nhiều fan của Maradona, cho dù tôi rất thừa nhận tài năng siêu đẳng của cầu thủ này, nhưng tôi không thể có cảm tình nổi, với pha làm bàn bằng tay mà được Maradona gọi là “bàn tay của Chúa”. Tôi chẳng ưa gì hành động của Harald Schumacher năm 1982, dù khi đó tôi đã là fan của tuyển Đức, nhưng trong hồi ký của thủ môn lắm tài nhiều tật này, có cả một đoạn dài về những ám ảnh, những ăn năn về hành động của mình. Cũng như Robben, anh đã thừa nhận cú “ngã điệu.”  Sai, thì nhận để sửa - tôi thích sự sòng phẳng và trung thực đó.

Ban nhạc ABBA có câu hát “The winner take it all,” – Kẻ chiến thắng sẽ lấy đi tất cả. Không ai nhớ đội về nhì, kẻ về nhì, trừ chính họ và nỗi đau của tình yêu. Song kẻ thắng không có nghĩa sẽ được tụng ca nếu thắng không đẹp. Và có một thứ bất diệt, vô giá đó là nỗi đau của tình yêu. Không gì có thể sánh được, không gì có thể có được, nếu bạn không được yêu, bạn sẽ không có được nỗi đau tuyệt vời đó của người hâm mộ.

Trận cầu giữa Albiceleste và “màu da cam” sẽ rất quyết liệt, nó chả kém gì trận đấu của Selecao và Die Mannschaft – mà khi tôi viết đoản khúc, lòng vẫn đang rối bời vì nó chưa diễn ra. Nhưng, tôi tin, kẻ chiến thắng phải là người xứng đáng và đó là hai trận cầu tuyệt đẹp. Tất cả sẽ an bài trong 90 phút, không có những thẻ vàng, thẻ đỏ. Không có những thô bạo dẫn đến chấn thương hay những quyết định sai lầm (dù cố tình hay sơ sảy) để những ngôi sao sáng nhất vắng mặt ở trận cầu lớn. Sẽ không dằng dai kéo co khiến hai đại diện ưu tú nhất bước vào chung kết với sức cùng, lực kiệt khiến nó nhạt nhẽo vô vị bởi những toan tính thắng thua. Hãy để: Love conquers all – Tình yêu chinh phục tất cả!

Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm