Biến tấu World Cup: Đọc từ ký ức

24/06/2014 19:20 GMT+7 | Bảng D

(Thethaovanhoa.vn) - “Khi kẻ chết nhỏ nước mắt, họ bắt đầu hồi sinh”, Quạ nghiêm trang nói.

“Xin lỗi vì phải cãi lại người bạn đồng nghiệp lừng danh của tôi”, Cú đáp, “nhưng tôi băn khoăn, khi kẻ chết nhỏ nước mắt, thì có nghĩa là họ không muốn chết”.

1. Xin được bắt đầu một ‘băn khoăn riêng’ trước trận Italy-Uruguay bằng một đoạn trích nhỏ kể trên từ cuốn Cuộc phiêu lưu của Pinocchio của Collodi. Có thể bạn sẽ thấy kỳ quái thay cho suy nghĩ của tay bút này khi liên hệ trận Italy-Uruguay với một thứ vô cùng bi quan: Cái chết. Nhưng mạn phép được liên hệ như thế, khi khẩu hiệu của đất nước Uruguay là một câu vô cùng quyết liệt: “Tự do hay là chết” và ngay ở World Cup này, chúng ta cũng đã cùng nhau chứng kiến nước mắt của Suarez, khi Uruguay vượt qua Anh, để bắt đầu một cuộc hành trình hứa hẹn.

Italy và Uruguay là những nhà vô địch đầu tiên của lịch sử World Cup, khi giải đấu ấy còn sơ khởi, và thật lạ kỳ là họ chưa bao giờ đá với nhau một trận chung kết thực sự kể từ ngày đó tới nay. Để cuối cùng, hôm nay, họ gặp nhau ở một trận không khác gì chung kết, một trận quyết định kẻ ở người đi, một trận như thể “tự do hay là chết”.

Nếu xét vào kỳ vọng mà ủng hộ viên nhà dành cho họ, có thể nói, bị loại đồng nghĩa với chuyện kỳ vọng kia bị bức tử. Và hơn nữa, cũng có những cầu thủ mang tham vọng chinh phục, tham vọng có thể bùng nổ như nham thạch núi lửa. Tham vọng ấy cũng có thể chết ở một phút không ngờ…

2. Nhưng cũng có thể nghĩ rằng, bị loại rồi, gỡ gánh áp lực rồi, không còn bất kỳ mục tiêu nào, cái đích nào, sự bận tâm nào đối với mỗi con người, những cầu thủ lại có thể thảnh thơi cùng gia đình nghỉ ngơi và được thoát ra khỏi bóng đá thực sự sau 1 năm trời họ đã quần quật vì nó. Bị loại rồi, sự chết ấy cũng đồng nghĩa với tự do.

Nhưng có phải ai trong số 46 cầu thủ của hai đội cũng cần đến cái gọi là ‘Tự do’ ấy?

Nếu họ là Pirlo, là Buffon, De Rossi, những người đã từng là nhà vô địch thế giới, những người đã ở ngưỡng có thể giã từ sự nghiệp, họ sẽ cần tự do hơn những thứ khác. Còn nếu họ là Candreva, là Verratti, là Suarez, là Cavani…, họ không cần thứ tự do trong sự chết ấy. Họ cần tiếp tục chặng đường chinh phục, cần được ghi danh, cần được chiến quả tương xứng để một mai về già, họ nhìn một trận đấu nào đó tương tự với đôi mắt thèm muốn tự do thực sự.

Có ai còn nhớ Zidane hồi 2006, khi nhận thẻ đỏ ra sân? Anh bước ngang cúp vàng, không thèm nhìn nó một lần. Ấy là bởi anh cần tự do hơn danh hiệu, một danh hiệu mà anh đã có.

Nhưng khi anh ấy bước ngang qua chiếc cúp để chui vào đường hầm tự do, anh có nghĩ đến những người như Ribery, người hoàn toàn có thể sẽ không bao giờ còn cơ may là nhà VĐTG?

3. Bóng đá là môn chơi tập thể, và bởi thế, người ta cần nhìn vào tự do, hay sự chết bằng những đôi mắt tập thể. Và từ đó, thất bại hay thành công, cũng là những giọt nước mắt, nụ cười, đại diện cho tập thể.

Từ ký ức, Uruguay và Italy là những đội tuyển kiêu hùng đầu tiên của World Cup. Đó chính là chất liệu để những cầu thủ của họ hôm nay có thể hô vang “tự do hay là chết”, motto của Uruguay, hay ‘chúng ta sát cánh dưới hiệp ước và đức tin’, motto của Vương quốc Italy cũ.

Đối thoại của Cú và Quạ ở trên cũng được Paul Auster làm tựa cho Sách từ ký ức của mình. Và nước mắt Suarez hôm trước, hay nước mắt của bất kỳ cầu thủ nào hôm nay, sẽ là giọt nước mắt theo nghĩa nào đây? Liệu họ có đọc lại những chuyện từ ký ức của thập niên 30 oai hùng???

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm