Vòng loại U23 châu Á: Khởi đầu cho giấc mơ Olympic

20/03/2019 06:30 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ tích của U23 Việt Nam tại Thường Châu đầu năm ngoái đã thắp lên giấc mơ Olympic cho các đội Đông Nam Á vốn bị coi là vùng trũng tại châu lục. Và vòng loại U23 châu Á 2020 sẽ là khởi đầu cho giấc mơ ấy.

U23 Việt Nam đấu đối kháng, rèn chiến thuật

U23 Việt Nam đấu đối kháng, rèn chiến thuật

Sau những buổi tập thể lực và rèn luyện chiến thuật qua các bài đối kháng nửa sân, HLV Park Hang Seo đã cho các học trò đá tập nội bộ 11 đấu 11 nhằm trong buổi chiều ngày hôm qua 19/3.

Đông Nam Á từng có 4 đội dự Olympic là Indonesia (1956), Thái Lan (1956, 1968), Malaysia (1972), và Myanmar (1972). Nhưng kể từ khi giải đấu này áp dụng cho độ tuổi U23 (Barcelona 1992) thì chưa có một đội nào của khu vực này góp mặt ở sân chơi Thế vận hội.

Không dễ cho U23 Việt Nam

Vòng loại U23 châu Á có tất cả 43 đội tham dự, diễn ra từ 22 đến 26/3. Tây Á gồm 23 đội chia làm 6 bảng, Đông Á gồm 20 đội chia làm 5 bảng. Theo đó, 11 đội nhất bảng, và 4 đội nhì xuất sắc nhất sẽ giành vé dự VCK diễn ra tại Thái Lan. Dù đã nhận suất đặc cách nhưng U23 Thái Lan vẫn dự vòng loại. Nếu họ nhất bảng K (cùng U23 Việt Nam, U23 Indonesia, và U23 Brunei), hoặc nằm trong số 4 đội nhì xuất sắc nhất, thì suất đi tiếp sẽ thuộc về đội nhì xuất sắc thứ 5.

VIDEO: Bùi Tiến Dũng tự tin sẽ giành ngôi đầu bảng K. Nguồn: VFF.

Nhưng có một điều đáng lưu ý: do bảng F chỉ có 3 đội (U23 Pakistan rút lui), nên trong trường hợp phải so sánh về chỉ số phụ giữa các đội hạng nhì thì thành tích với đội cuối bảng sẽ không được tính. Ví dụ như ở bảng K, đội thứ nhì bảng sẽ không được tính thành tích khi gặp đội bét bảng (nhiều khả năng là U23 Brunei). Và việc quy tụ 3 đội khá đồng cân đồng lạng là U23 Thái Lan, U23 Indonesia (vừa vô địch U22 Đông Nam Á) và chủ nhà U23 Việt Nam khiến thành tích của đội nhì bảng có thể sẽ thấp hơn nếu so sánh với những đội nhì bảng khác. Và nên nhớ, ở hai vòng loại U23 châu Á gần nhất, U23 Việt Nam cũng chỉ đi tiếp với vị trí nhì bảng.

Tất nhiên, khó khăn của đội này sẽ là thời cơ cho đội khác. Việc nằm chung bảng với U23 Timor Leste và U23 Macau là một cơ hội lớn với U23 Myanmar, kể cả khi họ phải xếp sau U23 Nhật Bản. Tương tự, U23 Malaysia nhiều khả năng sẽ tích lũy điểm số tối đa trước U23 Lào và U23 Philippines, trước khi nghĩ đến chuyện xếp trên cả U23 Trung Quốc.

Bất ngờ đến từ... Campuchia?

Tại vòng loại U23 châu Á 2018, U23 Timor Leste từng tạo nên một cơn địa chấn khi cầm hòa U23 Hàn Quốc 0-0 ở sân Thống Nhất, U23 Campuchia cũng xuất sắc thủ hòa U23 Trung Quốc. Dù cả hai đều không thể lọt vào VCK, song những kết quả ấy cũng mang lại sự hấp dẫn nhất định.

Năm nay, bất ngờ có thể đến từ đâu? Nếu những ai từng theo dõi giải vô địch U22 Đông Nam Á 2019 hồi tháng trước thì chủ nhà U23 Campuchia hoàn toàn có thể tạo nên một cú sốc thú vị. Lý do chủ yếu nằm ở những lợi thế đáng kể về mặt thời tiết nóng nực và mặt sân cỏ nhân tạo tại sân Olympic Phnom Penh. Trên mặt sân xấu như “ruộng bậc thang” ấy, U22 Campuchia từng quật ngã U22 Myanmar, U22 Malaysia tại vòng bảng, và chỉ chịu thua U22 Thái Lan sau những loạt sút luân lưu ở bán kết. Tất nhiên, U23 Hàn Quốc và U23 Australia ở đẳng cấp cao hơn thế, song việc họ có kịp thích nghi với những điều kiện trên không thì vẫn là dấu hỏi.

Người hâm mộ Đông Nam Á hẳn cũng tự đặt câu hỏi: cơ hội lọt vào VCK của các đội bóng khu vực là bao nhiêu? Ngoài U23 Thái Lan nhận suất đặc cách, U23 Myanmar và U23 Malaysia có cơ hội đi tiếp với vị thế 1 trong 4 (hoặc 5) đội nhì bảng xuất sắc nhất. U23 Singapore chỉ có cơ hội nếu thắng đối thủ cạnh tranh trực tiếp ở bảng G là U23 Hồng Kông.

Và trong khi U23 Campuchia đang mơ một cú sốc ở Phnom Penh, thì U23 Lào, U23 Philippines, U23 Timor Leste, và U23 Brunei nhiều khả năng vẫn chỉ là những đội lót đường.

Các bảng đấu vòng loại U23 châu Á 2020
(*: chủ nhà)

Bảng A: Qatar*, Oman, Nepal, Afghanistan

Bảng B: Palestine, Bahrain*, Bangladesh, Sri Lanka

Bảng C: Iraq, Iran*, Turkmenistan, Yemen

Bảng D: Saudi Arabia*, UAE, Lebanon, Maldives

Bảng E: Jordan, Syria, Kyrgyzstan, Kuwait*

Bảng F: Uzbekistan*, Tajikistan, Ấn Độ

Bảng G: Triều Tiên, Hồng Kông, Singapore, Mông Cổ*

Bảng H: Hàn Quốc, Australia, Campuchia*, Đài Loan

Bảng I: Nhật Bản, Myanmar*, Timor Leste, Macau

Bảng J: Malaysia*, Trung Quốc, Lào, Philippines

Bảng K: Việt Nam *, Thái Lan, Indonesia, Brunei

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm