SEA Games: Phép vua thua lệ làng

19/03/2019 08:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Nước chủ nhà mỗi kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) được quyền quyết định số môn tham dự, nội dung thi đấu của từng bộ môn, thậm chí việc sửa đổi điều lệ thi đấu. Đó là lý do môn bóng đá nam SEA Games 2019 vừa có quy định mới về độ tuổi tham dự của cầu thủ: U22 + 2, tức là ngoài các cầu thủ dưới 22 tuổi thì mỗi đội bóng được quyền tăng cường thêm 2 cầu thủ trên 22 tuổi. Tại sao lại là 2 mà không phải là 3, cho khớp với Asian Games (ASIAD) hay Olympic Games, U23 + 3?!

Ai thay thế Đình Trọng ở U23 Việt Nam?

Ai thay thế Đình Trọng ở U23 Việt Nam?

Trước thời điểm U23 Việt Nam hội quân chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2020, Đình Trọng gặp vấn đề về chấn thương. Phong độ của cầu thủ này đang là dấu hỏi lớn và nhiều khả năng HLV Park sẽ phải tìm ra những nhân sự có thể thay thế Đình Trọng.

Trước SEA Games 2001 tại Kuala Lumpur, Malaysia, môn bóng đá nam là sân chơi dành cho các ĐTQG Đông Nam Á. Việc rút độ tuổi tham dự xuống còn U23 (quy định cầu thủ phải dưới 23 tuổi) nằm trong chiến lược kích cầu phát triển bóng đá trẻ của các quốc gia thành viên.

VIDEO: HLV Park Hang-seo không e ngại Thái Lan tại Vòng loại U23 châu Á 2020. Nguồn: VFF Channel

Và cũng tại Kuala Lumpur, SEA Games 2017, một cuộc cách mạng khác được đưa ra: Các đội tuyển tham dự môn bóng đá nam là U22. Giờ với SEA Games 2019, Manila, Philippines, là U22 + 2 như đã nhắc ở trên. Chóng mặt chưa?!

Do giải U22 Đông Nam Á mới được khôi phục trở lại sau hơn 20 năm, đồng thời U23 châu Á cũng được tổ chức lần thứ 3 trong vòng 4 năm qua, nên môn bóng đá nam SEA Games (được tổ chức 2 năm một lần) không được xem là sân chơi lý tưởng cần ưu tiên cho việc kích thích sự phát triển của bóng đá trẻ nữa. Nó đơn thuần chỉ là một môn thi đấu thuộc Đại hội, với một bộ huy chương. Trong lịch sử các kỳ SEA Games và SEAP Games trước đây, Philippines chưa từng giành vàng môn bóng đá nam.

Trở lại với đội tuyển U22 + 2 Việt Nam, với quy định mới này, có vẻ như thời cơ giành vàng của bóng đá Việt Nam càng trở nên khả quan hơn. Nếu tính từ lần đầu tiên và duy nhất giành HCV môn bóng đá nam, SEAP Games 1959, bóng đá Việt Nam đã trải qua 60 năm (một đời người), chưa từng chạm lại được đỉnh vinh quang. Với những tài năng trên 22 tuổi như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Lâm, Phan Văn Đức, thậm chí cả Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải…, HLV Park Hang Seo tha hồ mà lựa chọn.

Kể từ SEA Games 1995 đến nay, Việt Nam đã từng chơi 5 trận chung kết và toàn thua. Tuy nhiên, bóng đá trẻ Việt Nam hiện đang chiếm ưu thế so với các nền bóng đá khu vực Đông Nam Á, bằng biểu đồ thành tích tương đối ổn định, bắt đầu từ suất chơi bán kết U19 châu Á 2016, tham dự FIFA U20 World Cup 2017, đoạt ngôi á quân U23 châu Á 2018, vào bán kết Asian Games 2018… Nòng cốt của đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2018 và vào tứ kết AFC Asian Cup 2019 cũng toàn những gương mặt trẻ.

Việc thuyết phục được HLV Park Hang Seo "ôm" cả đội tuyển U22 đá SEA Games, trong bối cảnh ĐTQG cũng bận tập trung cho chiến dịch vòng loại FIFA World Cup 2022, đồng thời là vòng loại AFC Asian Cup 2023, được cho là thắng lợi bước đầu của VFF trên bàn đàm phán.

Sức hút của ông Park lúc này là rất lớn, nhưng cùng với đó là kỳ vọng cũng lớn hơn. Chiếc HCV SEA Games môn bóng đá nam có thể không là gì cả với người Thái hay Malaysia, thậm chí cả Indonesia, nhưng với Việt Nam dường như lại là tất cả.

Đội tuyển U22 + 2 Việt Nam tham dự SEA Games 2019 sẽ như thỏi nam châm thu hút tài trợ, cũng như sự dõi theo của hàng triệu người hâm mộ và giới truyền thông. Nhưng, như Thể thao & Văn hóa đã đề cập, nếu chiếc HCV SEA Games bóng đá nam dễ lấy, thì chúng ta đâu cần phải đợi đến 60 năm và việc thất bại trong cả 5 trận chung kết là vì đâu, vì sao?!

Trước mặt ông Park và học trò là vòng loại U23 châu Á 2020, đồng thời là vòng sơ loại đầu tiên tìm suất đến Olympic Games diễn ra cùng năm, mới là thảm đấu quan trọng.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm