Yêu Hồ Gươm không dễ

15/12/2020 05:46 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn, vậy nhưng hình ảnh “trái tim lông” tại Hồ Gươm lại lan truyền trên không gian mạng với tốc độ khủng khiếp và để lại nhiều dư âm vào tuần qua.

Bất ngờ với nguồn gốc Hồ Gươm

Bất ngờ với nguồn gốc Hồ Gươm

Hồ Hoàn Kiếm trên bản đồ 1890 có diện tích 13 ha, đến năm 1969 chỉ còn 10,7 ha, và không thay đổi cho đến nay. Nhưng trước đó nữa, Hồ Gươm rộng hơn nhiều và có thể chính là đoạn sót lại của nhánh sông cổ chảy từ Hồ Trúc Bạch.

Vắn tắt, trái tim ấy được kết bằng mây tre đan, với phần cành nhọn tua rua xòe ra bên ngoài và do các nghệ nhân của một làng nghề thực hiện. Thế nhưng, chưa kịp trưng bày ở gian hàng cá nhân tại một lễ hội văn hóa dân gian (diễn ra vào cuối tuần ở vườn hoa Lý Thái Tổ), mẫu vật đặc biệt này đã được yêu cầu dời đi sau những phản ứng gay gắt của cộng đồng.

Phản ứng gay gắt ấy có thể thấy được qua dòng thác những lời cảm thán mà người ta dành cho nó: “Trái tim lông”; “Trái tim gai góc” “Trái tim quái dị”; “Chuyện thật như bịa”, “Sợ hãi với thứ sáng tạo này”... Để rồi, trong khi việc gỡ bỏ mẫu vật được cộng đồng nhất loạt hưởng ứng, thì một thông tin khác cũng được phía tổ chức chia sẻ: Một vài nghệ nhân đã tự ái bỏ về, không tham dự lễ hội sau khi đọc được những lời bình luận nói trên.

Thẳng thắn, hẳn những nghệ nhân đáng thương ấy cũng không hình dung nổi sản phẩm của mình sẽ gây ra một cơn bão đàm tiếu như thế. Và ở góc độ nào đó, họ cũng là nạn nhân của một phản ứng phòng vệ hình thành từ lâu ở cộng đồng: Phản ứng với những tất cả những kiến trúc, mẫu vật, tác phẩm điêu khắc... “dám” bước vào Hồ Gươm mà không tính kỹ.

Chú thích ảnh

Ngược thời gian, "phản ứng phòng vệ" ấy có lẽ xuất hiện ngay từ thập niên 1990, khi tòa nhà “Hàm cá mập” mọc lên và trở thành chủ đề gây tranh cãi ồn ào. Để rồi, chỉ vài năm sau đó, việc xây dựng một công trình khác là khách sạn Hà Nội vàng (dự kiến cao 10 tầng) cũng phải thay đổi bởi những phản ứng gay gắt của dư luận.

Và cứ thế, trong những năm sau đó, bất cứ hoạt động xây dựng, sửa chữa nào diễn ra quanh nó đều được công luận chú ý và phản biện mạnh: Từ xây nhà vệ sinh công cộng cho tới kế hoạch lát đá vỉa hè, từ bản quy hoạch nhà ga tàu điện ngầm cạnh đền Ngọc Sơn tới ý tưởng dựng “đại lộ danh vọng” gần tháp Hòa Phong để tôn vinh những người có đóng góp cho Hà Nội.

Thậm chí, chỉ tính riêng những ý tưởng gây tranh cãi và phải hủy bỏ (dù một số đã được triển khai) tại Hồ Gươm, chúng ta không thiếu những câu chuyện xảy ra rất... đều đặn trong 5 năm vừa qua. Đó là trường hợp của hệ thống “đài hoa rau muống” thắp sáng ban đêm với màu xanh tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 2016, là kế hoạch dựng tượng Kinh Kong (trong phim “Kong: Skull Island”) năm 2017, là đàn thiên nga được thả xuống (và lại đưa đi) mặt hồ năm 2018. Gần nhất, năm 2019, trước khi xảy ra câu chuyện của “Trái tim lông”, tác phẩm sắp đặt “Tháp” của họa sĩ Mai Thu Vân cũng phải gỡ bỏ một cách đáng tiếc - khi đây là một tác phẩm có chất lượng nhưng lại thiếu tính toán trong việc duy trì một không gian “đóng kín” ven hồ (dẫn đến tình trạng một số người thiếu ý thức vào "tè bậy" bên trong tác phẩm).

Chẳng có gì lạ về điều ấy, khi mà một không gian như Hồ Gươm luôn vô cùng... nhạy cảm với những gì mới lạ. Hơn 1 thế kỷ qua, sự hài hòa đặc biệt của kích thước xây dựng, cũng như phong cách kiến trúc xung quanh, đã làm nên nét đặc thù của di sản văn hóa - lịch sử của nơi này và khiến nó trở thành bộ mặt, thành trái tim của Hà Nội. Để rồi, như một quy luật, không gian ấy đã trở thành tiêu điểm trong ý thức giữ gìn những gì còn lại của văn hóa Hà Nội giữa bao bất cập trong cuộc sống hôm nay.

Giống như câu chuyện của “trái tim lông”. Sẽ là hợp lý nếu mẫu vật ấy được đặt tại một địa điểm khác với bố cục khác, để người ta có thể check in chụp ảnh. Nhưng, khi chỉ một chút thiếu tính toán và không được hướng dẫn cụ thể, câu chuyện đã chệch sang hướng tiêu cực và nhận về những kết quả rất đáng buồn.

Có thể, những ý tưởng đóng góp cho Hồ Gươm một cách vô tư, bất vụ lợi vẫn cần được trân trọng - khi mà chúng rất khác với những ý tưởng chiếm giữ không gian Hồ Gươm vì lợi ích cá nhân, làm cả xã hội thiệt thòi. Nhưng, cũng chẳng có gì sai, khi một không gian đặc thù như vậy vẫn cần được bảo vệ, để hiểu và yêu cho đúng cách.

Anh Bảo

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm