Xem tranh của nhà giáo Nguyễn Ngọc Dậu: Miền kí ức hiện dần lên tranh

21/05/2021 07:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 18/5, trên trang Facebook của họa sĩ Lê Trí Dũng bắt gặp một album giới thiệu trên chục bức tranh của một họa sĩ - nhà giáo đã nghỉ hưu nhiều năm Nguyễn Ngọc Dậu. Hôm sau tôi tức tốc lên phòng tranh để xem tận mắt. Bởi khi qua ảnh trên trang mạng, tôi phải thốt lên: Đây là một Henri Rousseau của Việt Nam.

Từ Lê Trí Dũng đến Dê – Trí - Dũng

Từ Lê Trí Dũng đến Dê – Trí - Dũng

Dê Trí Dũng không có nghĩa bảo ông ấy họ dê, là con dê, hay Lê Trí Dũng… “dê cụ” mà là trong những con dê của tác giả tôi thấy hội tụ cả Trí và Dũng.

Henri Rousseau là họa sĩ người Pháp, theo trường phải hồn nhiên, người cũng không qua trường sở, nhưng đã trở thành một họa sĩ danh tiếng của thế kỉ 20.

Một phòng tranh tưng bừng của nhà giáo ở tuổi 76. Tuổi ấy, nhiều họa sĩ chuyên nghiệp đã buông bút, hoặc chưa buông thì nét vẽ mảng màu cũng nhạt nhòa thiếu cảm xúc và thiếu sinh khí. Bởi khi người ta ngoại 70, thể lực sút kém thì cảm xúc sống cũng tụt theo. Mà tranh thiếu cảm xúc thì sẽ mờ nhạt và sẽkhông còn truyền cảm. Những bức tranh như thế không chết thì sống cũng thoi thóp, nên người họa sĩ tỉnh táo thì biết đó là lúc nên dừng. Mà đây lại là lúc chị khởi nghiệp!

Và quả thật đến tận nơi, phòng tranh 55 bức tôi nhận ra gần một nửa là những tranh thật sự xuất sắc, những bố cục, những mảng màu đẹp ngọt ngào mà nhiều họa sĩ chuyên nghiệp mơ ước cũng khó mà làm được.

Chú thích ảnh
Nữ họa sĩ Nguyễn Ngọc Dậu và tác giả bài viết

Cô giáo Ngọc Dậu bắt đầu cầm bút vẽ vào năm 2017, vào lúc 73 tuổi. Đó là năm Kỷ Dậu, năm “tuổi” của chị (chị sinh năm đói 1945) sau gần 20 năm rời bục giảng nghỉ hưu. Hơn nữa lại là người không học vẽ ngày nào, chỉ vẽ theo ý muốn chợt nghĩ ra, như có một ma lực thúc đẩy, vẽ để làm một triển lãm. Chị bảo, cũng buồn vì có 2 em đều theo nghề vẽ, nhưng một người mất khi chưa kịp có phòng tranh triển lãm, còn người em khác thì bị tai nạn giao thông nằm một chỗ và chị là người chăm sóc em hàng ngày. Chị đã vẽ xen kẽ vào những giờ tranh thủ.

Tôi hỏi chị học được gì từ các chú em thì chị bảo, các em đều có gia thất, mỗi người một nơi, “kiến giả nhất phận” thì học gì. Thậm chí các em vẽ gì cũng chẳng biết. Năm 2017, khi bộc lộ ý muốn vẽ và bày một phòng tranh thì anh cả của chị mắng: Học hành ngay ngắn còn chẳng ăn ai, nữa là chẳng học ngày nào mà đòi vẽ với vời. Bỏ ngay ý nghĩ đó đi! Tôi hỏi thế triển lãm này bác có về dự khai mạc không thì chị cười buồn: Mỗi người một nơi, bác ấy ở Thái Nguyên, tôi ở Hà Đông chăm sóc em, vẽ dưới này, bác ấy đâu biết. Chẳng may bác ấy mất 1 tuần trước khi tôi bày phòng tranh này. Tôi bảo: Thật là tiếc là bác ấy không kịp xem để bác ấy biết mình đã sai…

Chú thích ảnh
Tranh của Nguyễn Ngọc Dậu

Ba năm vẽ trên trăm bức tranh. Chị vẽ từ tâm thức. Những hình ảnh năm 1978 lên Lạng Sơn, Cao Bằng đào công sự bảo vệ biên giới phía Bắc, gặp các cô giáo Tày, những cô gái Dao, những em bé, những chàng trai Mông dần dần hiện lên… Nhớ lại gì là chị vẽ.

Các họa sĩ hay tìm đến hoa, chị lại tìm đến người, là thứ khó vẽ nhất. Chị vẽ từ cảnh đi chợ thồ hàng, cảnh người đi hội, những cô gái miền rừng trên đường làm nương rẫy, cảnh tiễn người ra trận. Tình cảm với người yêu đầu tiên và cũng chỉ một lần, rồi anh ra đi nằm lại chiến trường. Chị không yêu ai nữa, ở vậy với một tình yêu mênh mông cho đến bây giờ…

55 tranh trưng bày hầu hết có bố cục người. Mà lạ thay, bức nào cũng ngay ngắn, chững chạc, màu sắc tươi sáng, nhuần nhị. Trực cảm về màu của chị là thứ trời cho, học cũng chẳng được thế. Những bức tranh vẽ về núi sâu thẳm một cảm xúc sống mãnh liệt.

Chị bảo, nghĩ sao vẽ vậy, cứ thế nó ra. Tôi nhận ra miền kí ức của chị hiện dần lên từng bức tranh như bức ảnh trong chậu thuốc phóng ảnh trong buồng tối. Mà đúng như vậy. Tranh chị từ con người đến không gian vừa thực vừa hư. Nhìn tổng thể, bố cục và màu sắc chặt chẽ như họa sĩ chuyên nghiệp. Sự truyền cảm cũng vậy. Nhưng nhìn chi tiết thì sự ngây thơ chân tình trên từng nét vẽ cũng đồng điệu theo cấu trúc…

Chú thích ảnh

Tôi thật bất ngờ vì cảm xúc từ tranh chị truyền xuống cho người xem mạnh mẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp, lão luyện. Mà đấy là tranh của người không học vẽ ngày nào, trước khi cầm bút cũng chưa từng vẽ tranh, hơn nữa lại vào lúc đã 73 tuổi…

Tôi suy nghĩ mãi mà không lý giải được sự thành công đến với chị khá hoàn mỹ như thế này. Chị chỉ vẽ với ý thức muốn ghi lại những gì cuộc đời đã đi qua để bày cho được một phòng tranh, khi 2 người em của chị học hành cẩn thận mà chưa làm được. Chỉ từ suy nghĩ như vậy mà có phòng tranh hôm nay!

Đây là cái duyên với nghề ư? Chỉ có duyên mới thành nghiệp. Nghiệp này là quả từ duyên, nhưng nghiệp này không phải nghiệp chướng mà là “quả phúc” có hậu vô cùng.

Chị tâm sự nhỏ: Làm phòng tranh này chị lo hết từ khung toan, màu vẽ, đến thuê phòng trưng bày chừng 30 triệu cũng tự lo chứ không có sự tài trợ nào. Làm chỉ để thực hiện ý nguyện của mình thôi.

Tôi đã xem nhiều phòng tranh của các họa sĩ nghiệp dư. Gọi là nghiệp dư nhưng ít nhiều cũng từng theo các lớp học phong trào. Nhưng ở nhà giáo nghỉ hưu Ngọc Dậu thì đây là hiện tượng kỳ lạ nhất mà tôi lần đầu tiên được thấy. Một phòng tranh hoàn hảo mà các họa sĩ chuyên nghiệp đến cũng phải nghiêng mình kính nể.

Ra về mà tôi cứ bâng khuâng mãi về không gian tranh mà chị đã thể hiện. Nó như một giấc mơ hiện thực cuộc sống, vừa chân thành mà vẫn thi vị, đầy tình người như cuộc sống vốn thế chứ không lý trí và giàu chất thơ, sự biểu cảm như trong tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Năm nay có hai triển lãm đẹp là của nhà thơ Quang Thiều và nhà giáo Ngọc Dậu. Hai thái cực khác nhau mà đều cho hai cảm xúc mạnh mẽ như nhau, đều đẹp làm xao xuyến người xem. Một đằng trữ tình của đẳng cấp lý trí, còn một đằng là cảm xúc chân thành trước cuộc sống mình đã đi qua. Tất cả đã hiện hình đầy đặn lên màu và hình của hai triển lãm.

Triển lãm tranh Nguyễn Ngọc Dậu khai mạc ngày 18/5 và kết thúc vào ngày 27/5 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm