Xe đạp ơi!

14/06/2022 20:15 GMT+7 | Văn hoá

Ở thời điểm giá xăng đang tăng cao, rất nhiều người đang háo hức với một thông tin thú vị trong tuần qua: Hà Nội sẽ triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng vào quý IV/2022 tới.

TP.HCM sắp có xe đạp công cộng cho thuê

TP.HCM sắp có xe đạp công cộng cho thuê

Đó là mô hình xe đạp công cộng Mobike đang được TP.HCM dự kiến triển khai tại một số khu vực ở trung tâm (quận 1,3) với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, theo đề án thí điểm, khoảng 500 chiếc xe đạp điện và 500 xe đạp truyền thống sẽ được bố trí tại 70 - 80 vị trí để phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm và các điểm lên xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Trong giai đoạn 2 của dự án (từ 2023 tới 2024), lượng xe sẽ được tăng lên 3.000 chiếc và mở rộng vùng phục vụ...

 Là người Việt Nam, chẳng ai xa lạ với xe đạp - loại phương tiện giao thông chủ lực tại các đô thị vào 30, 40 năm trước. Và thực tế, dù bị “đẩy lùi” bởi cơn sốt xe cơ giới trong những năm qua, xe đạp gần đây vẫn đang có xu hướng phát triển trở lại ở các đô thị, chủ yếu gắn với vai trò rèn luyện sức khỏe cho cộng đồng.

Nhưng với đề án đang đề xuất triển khai, xe đạp lại đang được khuyến khích sử dụng đúng với chức năng giao thông vốn có. Theo đó, một trong những mục đích của dự án là đa dạng hóa phương tiện vận tải, tạo sự kết nối giữa nhà ga xe bus, ga đường sắt đô thị, khu dân cư hay thúc đẩy du lịch.

Chú thích ảnh
Giới trẻ trải nghiệm xe đạp công cộng. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Cụ thể, giống như mô hình đã được triển khai tại TP.HCM, Hải Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống các điểm thuê xe đạp công cộng cho phép người dùng thuê và trả xe ở các điểm khác nhau, đồng thời sử dụng ứng dụng qua điện thoại để tự mở khóa khi thuê xe và thanh toán. Về nguyên tắc, cách tiếp cận ấy khá giống với việc vận hành xe đạp cho thuê ở những nước phát triển: Thay vì mang xe đạp từ nhà, chúng ta có thể di chuyển bằng xe bus hoặc metro, tiếp đó thuê xe đạp ở điểm lân cận, sử dụng rồi trả xe tại một điểm phù hợp trên lịch trình trở về.

Như thế, sự xuất hiện trở lại của xe đạp không phải là một bước lùi của giao thông. Ngược lại, đó là sự phát triển tất yếu của giao thông đô thị - khi chúng ta nhìn sang những yếu tố tích cực của nó về việc bớt gây hỗn loạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tăng cường sức khỏe cho người dùng (và cả túi tiền, trong thời buổi xăng tăng giá). Chính nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, việc hiện đại hóa mô hình cho thuê xe đạp công cộng đã mở ra điều đó.

Nhưng, cũng phải nói lại, sự tích cực ấy chỉ có ý nghĩa, khi người dùng sẵn sàng “mở lòng” tiếp cận loại phương tiện truyền thống này.

Trở ngại của xe đạp công cộng không hẳn nằm ở giá thuê, với mức phí dự kiến 5.000 đồng/30 phút và 60.000 đồng/ ngày đối với xe đạp cơ (xe đạp điện sẽ cao gấp đôi). Xa hơn, đó vẫn là thói quen sử dụng xe máy, với sự cơ động và tiện dụng vốn đã ăn sâu bén rễ trong cách sống của rất nhiều cư dân đô thị.

Đã có thống kê vui, rằng 1.000 xe đạp công cộng đầu tiên của Hà Nội sẽ phải tham gia “cuộc chiến” cùng khoảng 5,7 triệu xe máy đang có trên thành phố theo thống kê gần nhất. Và thực tế, năm 2014, Hà Nội cũng đã thử triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại một số trường đại học nhưng không thành công.

Khi mà hạ tầng giao thông tại Hà Nội đang còn quá thiếu những tuyến đường thân thiện với xe đạp, mong muốn phát triển mạnh loại hình giao thông truyền thống này vẫn sẽ là một quãng đường dài - dù đó là cái đích tất yếu của một đô thị muốn đạt tới tầm hiện đại. Hãy cứ coi sự ra đời của dịch vụ này là tiền đề để cộng đồng ủng hộ, vận động và từng bước hướng về một tương lai có phần dành cho... xe đạp.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm