Xây dựng chợ Đông Ba - Huế thành trung tâm thương mại, thu hút khách du lịch

16/08/2019 22:34 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 16/8, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức kỷ niệm 120 năm (1899 - 2019) hình thành và phát triển chợ Đông Ba. Đông đảo người dân, du khách đã tới tham dự.

Bảo tồn văn hóa chợ Hà Nội (kỳ 3): Để chợ vẫn luôn là... chợ

Bảo tồn văn hóa chợ Hà Nội (kỳ 3): Để chợ vẫn luôn là... chợ

Không khó để nhận thấy nhu cầu cần phải cải tạo, thậm chí là xây thêm những ngôi chợ truyền thống đang xuống cấp tại Hà Nội. Nhưng, chúng cần được khoác một lớp áo mới thế nào cho phù hợp với những lớp giá trị của mình?

Được hình thành vào năm 1899, dưới thời vua Thành Thái, đến nay, chợ Đông Ba tròn 120 năm tồn tại và phát triển. Chợ Đông Ba giáp cầu Tràng Tiền, mặt chính của chợ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, mặt sau giáp sông Hương. Sau chiến tranh, vào năm 1987, chợ Đông Ba được đại trùng tu và mang kiến trúc như ngày nay. Chợ Đông Ba hiện có lầu chuông trung tâm và 9 dãy nhà bao quanh, với hơn 2.700 lô kinh doanh, buôn bán. Đây là khu chợ tập trung tiểu thương và khách du lịch lớn nhất của Huế. Ước mỗi ngày, chợ Đông Ba thu hút khoảng 5.000-7.000 lượt người đến tham quan, mua sắm.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa   Ảnh: TTXVN

Ngày nay, chợ Đông Ba trở thành một trung tâm thương mại lớn của thành phố Huế phục vụ thương mại cho dân cư trên địa bàn thành phố và du khách thập phương. Chợ có diện tích 22.742 m2 với hơn 85 ngành hàng kinh doanh, từ mặt hàng cao cấp, xa xỉ đến mặt hàng bình dân, đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động phục vụ cho hoạt động kinh doanh và dịch vụ tại chợ. Chợ Đông Ba có một đặc điểm nổi bật là có đến 99% là nữ tiểu thương. Do đó, Hội Phụ nữ chợ Đông Ba đã phát huy hết vai trò của một hội phụ nữ mạnh. 

Hàng năm, tập thể cán bộ nữ Ban Quản lý chợ và bà con tiểu thương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn; làm tròn nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, thực hiện tốt vai trò của người mẹ, người vợ; chú trọng thực hiện tốt vai trò của một tuyên truyền viên đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên địa bàn chợ. 

Đến thành phố Huế, ngoài tham quan hệ thống di tích Cố đô, sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền, du khách hết sức thích thú được đến mua sắm ở chợ Đông Ba. Tại đây, du khách có thể tìm mua dễ dàng những đặc sản nổi tiếng xứ Huế như: kẹo mè xửng, mắm tôm chua, nem chả, quýt Hương Cần, hạt sen Tịnh Tâm... . Trải qua quá trình hình thành và phát triển, chợ Đông Ba trở thành trung tâm thương mại lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi giao lưu trao đổi hàng hóa, góp phần tích cực và quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để phù hợp với chức năng là chợ truyền thống, nơi vừa kinh doanh buôn bán, đồng thời cũng là điểm tham quan du lịch, Ban Quản lý chợ Đông Ba phấn đấu xây dựng địa điểm này thành ngôi chợ truyền thống văn minh, hiện đại. Mỗi tiểu thương ở chợ cam kết chấp hành tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động kinh doanh; không kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; tôn trọng lợi ích của cộng đồng, đảm bảo trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, không lấn chiếm lối đi để kinh doanh; giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan chợ, không xả rác ra lối đi, nơi công cộng; giao tiếp với khách hàng, khách tham quan văn minh, lịch sự, vui vẻ, chân tình; niêm yết giá đầy đủ, đúng giá và bán theo giá niêm yết.

Ban Quản lý chợ Đông Ba cho biết: Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng chợ văn minh thương mại, thu hút khách du lịch vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của chợ; hướng tới bảo vệ và duy trì bền vững thương hiệu chợ Đông Ba...

Quốc Việt/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm