Vở kịch '3D cung tâm kế': Cả phủ chỉ có 1 đàn ông

09/08/2016 07:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vở 3D cung tâm kế (KB: Đinh Mạnh Phúc, ĐD: NSND Hồng Vân) vừa có suất diễn đầu tiên tại Kịch Superbowl, TP.HCM. Điều kỳ lạ ở vở cổ trang này là cả phủ mà chỉ có một đàn ông, còn lại toàn thái giám và nữ giới.  

Vở 3D cung tâm kế được xem như phần 3, mà hai phần trước là Xóm trọ 3D Bí ẩn cà phê 3D. Đặc điểm chung của cả 3 phần: đó là tâm sự của những người 3D (đồng tính nam), dù mỗi vở có một bối cảnh riêng. Những khán giả nào muốn tìm tiếng cười vui nhộn, hơi xàm xí một chút, cốt giải trí, thì bộ ba kịch này là một chọn lựa phù hợp.

Câu khách tối đa

Câu chuyện bề nổi là sự mưu mô, ganh ghét giữa ba người vợ của Bảo Quan đại nhân (do Minh Nhí thủ vai), ai cũng nghĩ mình bị bỏ rơi nơi phòng the. Thế nhưng, khi sự thật được lần mở, rốt cuộc vị quan này cũng 3D, trong lòng chỉ yêu Lý Tài (Âu Thành Cát thủ vai).

Và điều kỳ lạ hơn, Lý Tài là đàn ông duy nhất trong phủ, người mà không chỉ Bảo Quan đại nhân, các thái giám, mà tất các cung nữ đều yêu. Giá như ngoài chất vui nhộn, vở nói được một chút ẩn ý hoặc thông điệp từ gia đình kỳ lạ này thì hoàn chỉnh hơn.


Cảnh trong vở “3D cung tâm kế”

Đẩy tận cùng sự bất hợp lý để tìm kiếm tiếng cười và thu hút khán giả, đó là mục đích của vở kịch giải trí này. Với sự dàn dựng của Hồng Vân và sự làm chủ sân khấu của Minh Nhí, vở đã đi trên sợi dây mong manh giữa tiếng cười vui nhộn và sự nhảm nhí. Nếu không tinh tế và giỏi nghề, vở này sẽ cực kì nhảm nhí, rất may nó đã cố gắng để cân đối.

Một điều đáng chú ý nữa là với câu chuyện tưởng chừng như phi lý, nhưng nó đã trở nên hợp lý, vì đó là giấc mơ của “4 mẹ con” 3D nơi xóm trọ. Hình ảnh cổ trang của Bảo Quan đại nhân, các thái giám và cả ngôi phủ biến thái ấy chỉ có trong giấc mơ, thời phong kiến bên Trung Quốc.

Vở diễn vì giới trẻ

Ngoài nghệ sĩ kỳ cựu Minh Nhí, vở này dành trọn vẹn đất diễn cho hơn 10 gương mặt trẻ. Ngay cả ca sĩ Long Nhật, Thùy Dương, My Trần dù đã có tên tuổi nhất định, nhưng với kịch nói vẫn là gương mặt còn khá mới. Có thể thông điệp của vở chưa rõ ràng, nhưng công phu mà Hồng Vân bỏ ra cho hơn 10 vai diễn này là rất nhiều. Khó hơn nữa, khi 6 vai thái giám và 1 vai Bảo Quan đại nhân là 3D, dễ một màu, nhưng từng người đã có nét riêng.

Phải bày nhiều chiêu trò để kéo khán giả là một việc làm chẳng đặng đừng với một sân khấu hướng đến sự nghiêm túc. Kịch Hồng Vân đã và đang có nhiều vở bài bản, nghiêm túc, việc xuất hiện thêm những vở giải trí đơn thuần, hơi xàm xí, như 3D cung tâm kế chưa nói lên điều gì về nghề nghiệp. Thế nhưng nó có thể phản ánh phần nào tình trạng bị chèn ép bởi giải trí truyền hình, dẫn đến kém cạnh tranh, thiếu sức sống của sân khấu kịch nói chung.

Mà không chỉ kịch, phim truyền hình hoặc tấu hài hiện nay cũng đang điêu đứng vì các chương trình giải trí, hài hước trên truyền hình.

Giả dụ sức sống của các chương trình này đủ lâu, đủ nhân văn để thay thế kịch nói vĩnh viễn, dù khá buồn, nhưng cũng chấp nhận được. Đằng này, chỉ sợ sau một thời gian “cày xới”, các chương trình giải trí trên truyền hình cũng thoái trào, lúc ấy nếu các sân khấu tư nhân đã đóng cửa, việc sáng đèn trở lại sẽ vô cùng khó khăn. Lo lắng thì như vậy, nhưng giải pháp hoặc lối thoát nào khả thi, vẫn chưa thấy.

Gần như tất cả các sân khấu kịch tư nhân tại TP.HCM đang trong tình trạng lấy tiền túi ra bù chi phí, đến khi hết chịu nổi họ có thể đóng cửa, chẳng có gì để ràng buộc. Trong bối cảnh đó, việc Kịch Hồng Vân đầu tư một vở cổ trang, thường tốn kém, lại dành đất chủ yếu cho các gương mặt trẻ, là việc đáng khích lệ.

Như Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm