Vĩnh biệt tác giả 'Thi sĩ máy'

02/03/2020 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 29/2/2020 tôi nhận được tin từ con gái út cụ Như Mai báo tin cụ mất, và lễ viếng vào ngày 1/3, đúng sinh nhật lần thứ 97 của cụ. Khi đưa tin buồn này lên Facebook, con gái nhà văn Lý Biên Cương cho biết, cụ Như Mai ra đi cùng ngày 7/2 Âm lịch với nhà văn Lý Biên Cương, sau đúng 10 năm.

Vĩnh biệt nhà thơ Trần Tuấn Kiệt: Bông vải bay về trời...!

Vĩnh biệt nhà thơ Trần Tuấn Kiệt: Bông vải bay về trời...!

Trần Tuấn Kiệt với bút hiệu Sa Giang từng được giải nhất về thơ năm 1971 với tập Lời gởi cây bông vải.

Thế là những tác giả văn chương một thời vang bóng của Quảng Ninh đã vắng bóng: Như Mai, Võ Huy Tâm, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến, Sỹ Hồng, Trần Ngọc Tảo…

1. Tôi về Quảng Ninh dạy học năm 1987, cũng năm đó cụ Như Mai nghỉ hưu ở báo Quảng Ninh sang làm hợp đồng biên tập cho tờ văn nghệ Hạ Long của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Tờ Hạ Long những năm đất nước đổi mới, ông Hoàng Thuận làm Tổng Biên tập, nhà văn Lý Biên Cương làm Phó Tổng Biên tập, có cụ Như Mai trợ lực, đã trở thành một trong những tờ báo văn nghệ địa phương có sức lan tỏa lớn.

Ngay từ năm 1993, khi công tác ở báo Quảng Ninh, tôi đã viết một bài về cụ Như Mai: Thi sĩ máy - kỷ niệm xa xưa của “anh lão đa tình”. Bài viết này đến năm 2009, tôi có bổ sung rồi đưa đăng báo. Bài viết này vẫn còn lưu trên mạng internet, mọi người có thể tra tìm, nếu cần.

Thi sĩ máy ra đời đã tạo bước ngoặt của cụ Như Mai. Từ cán bộ Sở Báo chí Trung ương, tháng 4/1959, từ Hà Nội, cụ cùng vợ con về vùng mỏ Quảng Ninh làm báo.

Cụ là người đặc biệt, cả hai sự kiện báo chí và văn nghệ lớn đều có mặt: Sự kiện Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và sự kiện đấu tranh tư tưởng văn nghệ giữa những năm 1950.

Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, BTC cuộc kỷ niệm này công bố đã tìm được 4 cựu học viên còn sống. Sau lễ kỷ niệm, cựu học viên thứ 5 còn sống là nhà báo Như Mai ở Quảng Ninh mới được biết đến.

Sự kiện đấu tranh tư tưởng văn nghệ, cụ cũng là người trong cuộc với tác phẩm Thi sĩ máy.

“Sinh ư nghệ, tử ư nghệ”. Hơn ai hết, cụ thấu hiểu quy luật này, nên luôn bình tâm sáng suốt, cống hiến hết mình đối với hoạt động báo chí, văn nghệ.

Ghi nhận những thành tích cống hiến cho quê hương, đất nước, cụ đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 1963, cụ được trao Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1984, cụ được trao Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Năm 2000, cụ được trao Kỷ niệm chương tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Hà Nội ngày 19/8/1945.

Chú thích ảnh
Nhà báo, nhà văn Ngô Như Mai. Ảnh: Vũ Lâm

2. Cụ Như Mai luôn là nhà báo mẫu mực, tấm gương về bản lĩnh nghề nghiệp, đức hy sinh, nhẫn nại. Cụ luôn tạo sự hưng phấn say mê nghề nghiệp cho đồng nghiệp trẻ.

Nhà báo Hải Chinh, nguyên cán bộ báo Quảng Ninh, kể là hồi kinh tế khó khăn, bộ phận đời sống có yêu cầu đăng ký mua những hàng hóa thiết yếu. Có người cái gì cũng giành đăng ký, đăng ký cả ra cột “ghi chú”, nhưng cụ Như Mai không đăng ký gì cả. Cụ nói đều khó khăn như nhau thì ai mua được cũng tốt, mình cố gắng một chút cũng không sao.

Bài thơ Không đề của tôi được in trong Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam do các nhà thơ Quang Huy, Nguyễn Bùi Vợi và Võ Văn Trực tuyển chọn là bởi cụ Như Mai “tiến cử”. Chuyện này đã được nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi viết lên báo. Trong một buổi cả 3 nhà thơ ngồi cùng ngồi chọn thơ, các bài đều được đọc to lên nhưng đều không ưng. Đang buồn thì nhà thơ Quang Huy đọc bài thơ Không đề của tôi, nói là ai đó đã đọc cho nghe và đã nhớ: “Mải đi về phía mặt trời/ Bẵng quên cái bóng rối bời sau ta/ Đời thì rộng, mơ thì xa/ Không ta mướp vẫn nở hoa đúng mùa/ Mắt ai rớt xuống sân chùa/ Ngẩn ngơ chú tiểu phải bùa heo may”.

Cả 3 người đều khen nhưng không biết của ai. Bài thơ được chép ra và được gửi tới các bạn bè để biết tác giả. Cụ Như Mai nhận được thư này đã báo cho tôi. Có dịp thuận lợi, tôi đã đến NXB Văn hóa gặp nhà thơ Quang Huy. Bài thơ ấy tôi viết năm 1991 và cụ Như Mai đã thích, đã thuộc và đã đọc cho nhà thơ Quang Huy.

Bài thơ nào thích, nhất là thơ của các bạn trẻ, cụ Như Mai đều ghi chép và thuộc, có dịp cụ đọc cho mọi người thưởng thức. Thơ của Vũ Thị Huyền, Vũ Khánh, Vũ Dạ Phương… từng được cụ chép trong sổ tay.

Chú thích ảnh
Tập thơ “Ngẫu hứng” của Ngô Như Mai

Về thơ của cụ. Cụ Như Mai đã tập hợp thơ mình để in một tập lấy tên là Ngẫu hứng. Tôi thích nhất bài thơ Ghi ở Đông Thành của cụ:

Tôi những muốn tôi là đất ấy
Bàn tay em nhào nặn nên bình
Qua ngọn lửa mắt em nung đốt
Tâm hồn tôi lần nữa khai sinh…

Tôi sống giữa lặng câm sành sứ
Em thổi vào mộng ảo muôn hình
Chiếc bình tôi buồn vui yêu ghét
Cứ ngân nga da diết âm thanh

Tôi biết ơn bàn tay màu nhiệm
Biến cái vô tri thành cái hữu hình
Con ngựa chìm trong men em vẽ giả
Còn thật hơn cái thật đời anh

Với nhân dân tôi suốt đời mắc nợ
Sông núi hôm nay biết mấy hy sinh
Dám đâu khoe nước men thời Lý
Chút hào quang kia cũng đời khoác cho mình.

3. Không chỉ thơ đâu. Tôi từng đọc cả phóng sự về nạn phá rừng cho cụ nghe để cụ góp ý, nhất là cái tít. Cụ đã góp ý, về cái tít, cụ bảo cứ nói thẳng là “Cướp rừng”. Hồi làm báo Quảng Ninh, cụ đã viết bài báo “Phải biết căm giận những con số không trung thực”, báo động về thói gian dối trong sản xuất công nghiệp. Cách làm việc của cụ dân chủ, hòa đồng, được tôn trọng mà vui vẻ, sảng khoái đã cuốn hút các đồng nghiệp trẻ.

Tính cụ dí dỏm, hài hước, cánh trẻ chúng tôi đều gọi cụ là “bố Mai”. Cụ nghiện thuốc lào, chúng tôi tếu táo: “Bố Mai có hai điếu cày/ Cái hút ban ngày cái hút ban đêm”. Cụ chỉ cười. Nụ cười, ánh mắt trong làn khói thuốc, sau tiếng rít điếu, thật thẳm sâu, không gian như đứng im, thời gian như dừng lại...

Chú thích ảnh
Nhà thơ - nhà báo Như Mai (bên phải) ngạc nhiên ngay cả với bức chân dung của mình do nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha chụp tặng. Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cụ Như Mai chỉ biết đi xe đạp. Hồi cụ 70 tuổi, cụ không cho tôi đèo, mà đã đèo tôi bằng xe đạp từ trụ sở Hội Văn nghệ tỉnh ra Bưu điện mua báo. Cụ bảo: “Cậu ăn nhằm gì. To như Lý Biên Cương, tớ còn đèo băng băng nữa là”. Có lẽ với cụ, đạp xe đạp cũng là cách để cụ rèn luyện sức khỏe. Cụ còn có môn thể dục độc đáo là “trồng cây chuối”. Có người nói đến tuổi 94, 95 cụ vẫn rèn luyện được môn này. Trong bộ phim Tôi là ai? về cụ, vẫn có hình ảnh cụ “trồng cây chuối”.

Tôi là ai? cũng là tên bài thơ của cụ, trong đó có những câu: “Em hỏi tôi là ai?/ Tôi đâu tự biết?/ là Ma Vương? Quỷ sứ? Thiên thần?/ hay tất cả trong tôi tất cả/ chọn tim tôi làm mảnh đất tranh phần/ Tóc trắng phớ trò dâu kia bể nọ/ nay lại vỡ lòng/ lọ mọ học YÊU - TIN”.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh có nói, đằng sau mỗi sự việc là thăm thẳm sự đời. Đấy là nhà thơ nói về những gì mà cụ Như Mai đã thầm lặng trải qua.

Cụ Như Mai ra đi, giới văn nghệ cả nước ngậm ngùi vĩnh biệt một số phận văn chương đặc biệt và đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã mất đi một cây đại thụ.

Câu cuối cùng tôi nghe cụ nói là “Hạ Long”. Chiều mùa Xuân, cụ nằm trên giường, tôi đến bên và giơ tờ Hạ Long số Tết Canh tý, cụ nhìn rất nhẹ rồi nói: “Hạ Long”.

Trương Thiếu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm