Vì sao đưa nghệ thuật đương đại vào lễ hội truyền thống?

16/07/2009 12:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sự xuất hiện của những màn nghệ thuật đương đại trong lễ hội Lảnh Giang (Duy Tiên- Hà Nam) đã thu hút khá nhiều sự chú ý của dư luận - cho dù sự kiện này phải đến ngày 23/7 tới đây mới chính thức diễn ra. Về vấn đề này, TT&VH có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Quang Thắng (Viện Văn hoá Nghệ thuật VN), tác giả kịch bản và cũng là tổng đạo diễn của lễ hội.

* Anh có nghĩ rằng mình “phá cách” hơi mạnh tay khi đưa vào lễ hội Lãnh Giang nhiều yếu tố của nghệ thuật đương đại như DJ, video art, body art…


 Tiến sĩ Bùi Quang Thắng 
- Đây không phải là lần đầu tiên tôi sử dụng những yếu tố này. Tôi có quan điểm riêng trong việc dàn dựng lễ hội. Thứ nhất, lễ hội dân gian từ xưa tới nay không bị đóng kín trong một hình thức cố định mà thường chấp nhận những yếu tố “mở”. Bản thân những hình thức lễ hội còn tồn tại tới nay đã có sự tiếp nhận, thay đổi và sàng lọc theo thời gian rồi.

Thứ hai, lễ hội được dàn dựng và hướng tới khán giả của cuộc sống hôm nay. Sử dụng một số yếu tố mới sẽ là điều hợp lý nếu khán giả thấy được sức hút riêng của đời sống đương đại mà vẫn không đi chệch khỏi tinh thần của lễ hội truyền thống.

* Cụ thể, tại lễ hội Lảnh Giang tới đây, việc đưa vào lễ hội những yếu tố nghệ thuật đương đại sẽ đem lại hiệu quả như thế nào?

- Truyền thuyết tại đền Lảnh Giang mang một môtip rất độc đáo về những vị thần có nguồn gốc từ từ rắn. Việc dùng kĩ xảo và nghệ thuật biểu diễn hiện đại sẽ tái dựng lại huyền tích này và tạo nên sự hấp dẫn với người xem. Qua những lần dàn dựng lễ hội, tôi thấy rõ là không thể bắt họ xem những màn biểu diễn nặng nề và khô cứng. Thật sự, dân mình cũng thích những “món” kỳ ảo lắm (cười). Làm theo cách ấy, khán giả thích đã đành, những người tham gia dàn dựng biểu diễn trong lễ hội cũng hào hứng vì sự độc đáo khi triển khai thực hiện.

* Nhưng, anh lựa chọn những yếu tố “mới” ấy theo cách nào, để có thể không phá vỡ sự trang nghiêm của lễ hội truyền thống?

- Tôi quan điểm rất rõ: những gì được sử dụng chỉ là một số sáng tạo để lễ hội hấp dẫn hơn. Đó không phải là những màn diễn xướng thay thế cho nghi lễ. Bởi vậy, tất cả những chất liệu được sử dụng trong chương trình phải có sự lựa chọn sao cho phù hợp với không khí và tinh thần chung.




Một số phác thảo body art dự kiến sẽ được trình diễn tại lễ hội Lảnh Giang

Chẳng hạn, lễ hội Lảnh Giang vốn có tục rước kiệu. Việc tái hiện huyền tích “người hóa rắn” là tiền đề để sau màn biểu diễn, các vị thần vừa “nở ra từ trứng rắn” sẽ ngồi lên kiệu và để trai làng rước đi. Hoặc, việc áp dụng nghệ thuật body art, vẽ lên mình một số trai làng cũng là bước chuẩn bị để họ đóng vai các vị thần linh trong huyền tích.

Có thể lấy thêm ví dụ về trường hợp lễ Tịch Điền được tôi dàn dựng cũng tại Duy Tiên vào đầu năm nay. Khi ấy, tôi bố trí cho các họa sĩ vẽ nghệ thuật lên mình của hơn 30 con trâu. Những hoa văn ấy mang nhiều phong cách khác nhau như ấn tượng, trừu tượng, cổ điển… nhưng về cơ bản vẫn xuất phát từ các họa tiết truyền thống như vòng âm dương, cờ ngũ sắc, chim lạc, hoa mai, tiền cổ.

* Vậy theo anh, ưu điểm lớn nhất trong việc đưa các yếu tố nghệ thuật đương đại vào lễ hội truyền thống là gì?

- Nghệ thuật đương đại cho phép kéo người xem vào cuộc trình diễn, và xóa bỏ hẳn rào cản giữa họ với những người trình diễn. Nói cách khác, người xem bị lôi cuốn và được tạo cơ hội tham gia trực tiếp vào chương trình lễ hội. Đó là điều cực kì phù hợp với tinh thần của lễ hội truyền thống. Vốn dĩ, tôi rất không tán thành với việc sân khấu hóa trong những diễn xướng tại lễ hội, vì cách làm như vậy tạo ra khoảng cách giữa người xem với những hình thức lễ hội và biến họ thành những khán giả bình thường, cách biệt với những gì đang diễn ra trên một sân khấu đóng kín.

* Được biết, chương trình tại lễ hội sẽ có sự xuất hiện của liên hoan diễn xướng hầu đồng. Đâu là lí do khiến khiến anh đưa nội dung này vào chương trình lễ hội?

- Năm 2006, khi dàn dựng lễ hội tại Kiếp Bạc, Hải Dương, chúng tôi cũng đã thành công với việc tổ chức liên hoan diễn xướng hầu đồng lần đầu tiên. Nói công bằng, hầu đồng vốn là hình thức diễn xướng truyền thống của dân gian và cho thấy những nét độc đáo riêng trong nghệ thuật trình diễn.

Nếu không có những cuộc liên hoan, dân gian vẫn tự phát tổ chức những buổi hầu đồng. Vậy thì, chúng ta chủ động tổ chức như vậy có lẽ chính là điều tốt, vừa để chủ động tránh những biến tướng tiêu cực, vừa là tôn vinh một nghệ thuật diễn xướng độc đáo của dân tộc.

* Xin cám ơn anh!

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm