Từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến Công viên sách Tao Đàn, tại sao không?

30/04/2015 19:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Phố đi bộ Nguyễn Huệ khai trương đã tạo ra một không gian sinh hoạt và vui chơi giải trí mới cho Sài Gòn - TP.HCM vào đúng dịp kỷ niệm 40 mùa Xuân. Nhưng người Sài Gòn có lẽ cần hơn thế. Tại sao không quy hoạch Công viên Tao Đàn trở thành công viên sách?


Công viên Tao Đàn từng có khu đọc sách miễn phí

Từ Sài Gòn sách...

Từ ngày 18 - 21/4, nhân Ngày sách Việt Nam, tại đường Nguyễn Văn Bình, bên hông Bưu điện TP.HCM, Sở TT&TT TP.HCM, Sở VH&TT TP.HCM đã tổ chức đường sách với sự tham gia của nhiều đơn vị xuất bản, phát hành sách trong cả nước. Đường Nguyễn Văn Bình rất yên tĩnh ngay khu trung tâm, thích hợp cho việc thực hiện con đường sách dành cho những người mê đọc.

Thế nhưng, đường sách chỉ tồn tại trong vài ngày chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân Sài Gòn - TP.HCM, một đô thị có số dân lớn nhất Việt Nam.

Giới làm xuất bản và phát hành sách trên cả nước đều biết, TP.HCM là nơi có những nhà sách với mạng lưới phát hành rất mạnh. Ví dụ như hệ thống phát hành sách của Fahasa, Phương Nam. Hai đơn vị này không chỉ có hệ thống nhà sách phủ khắp các quận, huyện tại TP.HCM mà còn có mặt hầu khắp các tỉnh thành. Chưa kể hệ thống nhà sách Văn Lang, Nguyễn Văn Cừ, Nhân Văn… cũng là những đơn vị phát hành sách rất mạnh. Vậy nhưng, tại Sài Gòn thì con đường nào chuyên dành cho sách giống như phố Đinh Lễ ở Hà Nội?


Quan khách đến với đường sách Sài Gòn - TP.HCM tổ chức tại đường Nguyễn Văn Bình, Q.1

Xin nhắc lại, người Sài Gòn - TP.HCM rất mê sách. Cụ thể như vụ một tiệm sách tại Q.Thủ Đức treo bảng “phá sản” cần bán hàng tấn sách sau hàng chục năm tồn tại, lập tức được mọi người, mọi giới ở Sài Gòn đổ về mua. Số phận những cuốn sách tại tiệm sách này đã được cứu thay vì các cuốn sách ấy bị phát hành theo đường… đồng nát cân ký.

Và cũng tại TP.HCM, các phiên đấu giá sách đều thành công ngoạn mục. Chẳng hạng gần đây trong Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM, các nhà thơ trẻ đã bán đấu giá tập thơ độc bản với giá hơn 20 triệu đồng, số tiền kỷ lục cho một cuốn sách.

Trong hàng chục năm qua, chỉ duy nhất TP.HCM là nơi có hội sách tổ chức định kỳ hai năm một lần thu hút gần như tất cả các đơn vị xuất bản, phát hành sách trong cả nước và nhiều đơn vị xuất bản nước ngoài tham gia.

Mỗi lần hội sách TP.HCM được tổ chức đều như một lễ hội để tôn vinh văn hóa đọc và để những người làm xuất bản, phát hành sách tri ân bạn đọc của mình. Tại sao Sài Gòn - TP.HCM tổ chức được hội sách mà các nơi khác không thực hiện được? Bởi người dân Sài Gòn - TP.HCM đã làm nên điều đó. Hội sách tại địa phương này không bao giờ vắng khách, người đến với hội sách không chỉ để tham quan mà họ đã móc hầu bao mua rất nhiều sách. Doanh thu mỗi lần tổ chức hội sách đều tăng vọt, lần sau cao hơn lần trước. Người mua sách xem sách như một loại tài sản về vật chất và tinh thần cho chính mình và cho thế hệ sau.

... đến đường sách

Vậy Sài Gòn - TP.HCM có đường sách như phố sách Đinh Lễ ở Hà Nội không? Xin thưa là có rất nhiều. Với người mê sách, các con đường, như Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận), Trần Bình Trọng - Trần Nhân Tôn (Q.5), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3)… là những con đường sách. Những con đường này tồn tại các tiệm bán sách hàng chục năm một cách âm thầm như vốn dĩ tự nhiên phải vậy. Đến với các tiệm sách này, không chỉ mua sách mới mà còn có rất nhiều sách cũ/cổ quý hiếm được phủ lớp bụi thời gian trầm tích những giá trị. Trong các con đường này, đường nào là đường sách khi tất cả đều “tự phát” chứ không theo bất cứ “quy hoạch” nào?

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, thì đường sách ở TP.HCM nên chọn đường Nguyễn Thị Minh Khai: “Vì đường này tồn tại rất nhiều nhà sách, như: Nhà sách Trẻ, Quang Bình, Sông Hương, Minh Khai… Đường Nguyễn Thị Minh Khai rất dài, nên tập trung từ đoạn Cung văn hóa Lao động đến vòng xoay Nguyễn Văn Cừ”.

Thật vậy, giới làm xuất bản, phát hành sách tại Sài Gòn thường nói với nhau về bốn “đại gia” ngành sách: Hòa, Đại, Cứ, Thân. Bốn nhân vật này gồm các ông: Vũ Đình Hòa, Lê Nguyên Đại, Nguyễn Hữu Cứ, Vũ Đình Thân làm xuất bản, phát hành sách nổi tiếng ở Sài Gòn lâu nay. Cả bốn nhân vật này đều có cơ sở phát hành sách trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai như ông Nguyễn Minh Nhựt đề cập. Chính những người làm sách và những nhà sách lâu năm của các ông “Hòa, Đại, Cứ, Thân” sẽ làm nền cho đường sách Sài Gòn.

Còn nhà văn Lê Văn Nghĩa thì cho rằng: “Đường sách Sài Gòn nên làm ở đường Nguyễn Văn Bình, đây là đường nằm ngay khu trung tâm, bên hông Bưu điện TP.HCM, cạnh nhà thờ Đức Bà và Dinh Thống Nhất… sẽ thu hút khách du lịch. Với người dân TP.HCM, mỗi dịp cuối tuần người mê sách có thể đến với đường sách này kết hợp với đi dạo. Đường sách không nhất thiết phải bán sách mới như các nhà sách. Ở đó, người mê sách có thể tìm được những cuốn sách cũ mà họ cần. Đây sẽ là nơi giao dịch sách quý của những người mê sách”.

Và ý tưởng về công viên sách

Thế nhưng, ông Lê Nhựt Tân, nguyên Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, trao đổi riêng với Thể thao & Văn hóa (TTXVN): “Tại sao chỉ là đường sách mà không là công viên sách. Ngay trung tâm TP.HCM có Công viên Tao Đàn kết hợp với đường có nhiều nhà sách Nguyễn Thị Minh Khai chạy ngang, bên cạnh có Cung văn hóa Lao động. Tại sao không quy hoạch Công viên Tao Đàn trở thành công viên sách?”.

Theo ông Lê Nhựt Tân, bản thân công viên mang hai chữ Tao Đàn đã rất hợp để sách ngự trị tại đây. Hàng ngày, người dân đi công viên chơi cũng là dịp để họ mua sách. Nếu quy hoạch đàng hoàng, thì chức năng công viên cây xanh vẫn là công viên, còn các gian hàng sách vẫn tồn tại theo một thiết kế không làm tổn hại đến không gian Tao Đàn vẫn tồn tại lâu nay. Ở đó, sẽ có sách đọc miễn phí và các buổi ra mắt sách, thậm chí các nhà thơ có các buổi đọc thơ, phát hành thơ của mình dưới vòm cây xanh…

Ông Nguyễn Minh Nhựt rất ủng hộ ý tưởng công viên sách của ông Lê Nhựt Tân. Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, nếu biến Tao Đàn thành công viên sách, thì các tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai hay Huyền Trân Công Chúa sẽ thành các đường vệ tinh của công viên sách. Ông Nguyễn Minh Nhựt, cho biết: “NXB Trẻ sẽ đầu tư một số ki-ốt trên đường Huyền Trân Công Chúa để phát hành sách, thay vì các ki-ốt hiện nay trên đường này chỉ bán đồ thể thao”.

Ở Sài Gòn gần như tuyến đường nào cũng có nhà sách, tiệm sách, kể cả trong hẻm nhỏ như tiệm sách Kính Vạn Hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng để có một đường sách đúng nghĩa hay một công viên sách, sau 40 năm đất nước thống nhất, thì TP.HCM vẫn chưa có, hiểu theo nghĩa được quy hoạch đàng hoàng.

Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm