TS Trần Ngọc Châu: Báo chí hãy lấy thách thức của mạng xã hội làm đối trọng

20/06/2016 13:22 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), nhà báo kỳ cựu Trần Ngọc Châu có một trao đổi thẳng thắn với báo Thể thao & Văn Cuối tuần (TTXVN) về bối cảnh, thách thức và cả những cơ hội mới của ngành báo chí. Tuy nhiên, ông không quá bi quan về sự tác động, sức chi phối của Internet, của mạng xã hội, Facebook với “báo chí truyền thống”.

“Báo chí và độc giả đang thay đổi. Sự thay đổi này có cái được, có cái mất. Nếu xét từ góc độ đông đảo con người trên trái đất với việc thụ hưởng tiến bộ khoa học, thì rõ ràng, họ chẳng mất gì, khi thế giới ngày càng phẳng, càng rẻ hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, đơn giản hơn, thông tin và tri thức nhiều hơn…” - Trần Ngọc Châu nói.

* Thưa ông! Ông nhìn nhận thế nào về diện mạo, sức sống của báo chí nói chung trước sự nở rộ của mạng xã hội, Facebook như hiện nay?

- Mặc dù chưa có một điều tra định lượng nào xác định sự đi xuống của báo chí nói chung và báo in nói riêng, nhưng khi nói chuyện với một số tổng biên tập mà chúng tôi có dịp gặp nhân ngày báo chí Việt Nam, thì sự lo lắng về số lượng phát hành, thu nhập quảng cáo và chất lượng thông tin gần như là xu hướng bao trùm.

Phần lớn cho rằng nguyên nhân là do Internet (như mạng xã hội, facebook…). Có thể đó là “giọt nước làn tràn ly nước đã đầy”. Sự sụt giảm của báo chí Việt Nam nói chung đã xảy ra từ những năm cuối của thế kỷ 20. Nếu có một sinh viên báo chí nghiên cứu theo phương pháp thống kê định lượng thì hi vọng sẽ chứng minh được giả thuyết này.


Nhà báo Trần Ngọc Châu

* Trong bối cảnh đó thì sự tác động của mạng xã hội, Facebook đối với độc giả báo chí và với người dân ngày nay như thế nào?

- Theo quan sát của chúng tôi (mới định tính) thì báo chí nước nhà bắt đầu sụt giảm từ thập niên 1990, mà nguyên nhân chính là tính không cạnh tranh về tin tức. Bây giờ mạng xã hội tạo ra một sức cạnh tranh không cưỡng nổi, khiến báo chí toàn cầu phải thay đổi toàn diện để tồn tại và phát triển. Báo chí Việt Nam chúng ta không nằm ngoài quy luật đó.  

* Với nền báo chí như Việt Nam hiện nay, ông nghĩ sức ảnh hưởng của mạng xã hội, Facebook có khác với các nước phát triển nhiều không? Tại sao?

- Không khác đâu. Internet, Facebook là toàn cầu hóa. Không ai, không quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc chơi này cả. Với nền báo chí “thiếu tính cạnh tranh thông tin” như chúng ta thì ảnh hưởng của mạng xã hội càng dữ dội hơn. Sự sắp xếp lại báo chí lần này dựa trên tính thị trường, lấy sự thách thức của mạng xã hội, Facebook làm đối trọng, hi vọng sẽ mang lại luồng gió mới trong xã hội.

Vài nét về nhà báo Trần Ngọc Châu

Nhà báo Trần Ngọc Châu từng là Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi trẻ (từ năm 1984); là nhà sáng lập và chủ bút của hai tờ báo tiếng Anh của Thời báo kinh tế Sài Gòn. Chức vụ gần đây nhất là Giám đốc kênh FBNC - kênh kinh tế tài chính đầu tiên tại TP.HCM. Ông bảo vệ tiến sĩ về khoa học báo chí và truyền thông tại Đại học Washington, Hoa Kỳ (2005). Ông thỉnh giảng về báo chí, truyền thông, PR, giao tiếp thương mại tại Đại học KHXH&NV TP.HCM, ĐH Hoa Sen, Đại học Denver (Colorado, Hoa Kỳ), Đại học Kinh tế TP.HCM… Ông được trao Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.

* Trở lại ý đầu tiên, trong bối cảnh mạng xã hội như vậy, nên làm gì để tồn tại và phát triển, thay vì sợ?

- Khoảng hơn 10 năm trước, đầu thế kỷ 21 (chứ không phải thế kỷ 20), nếu nói đào tạo các nhà báo thành những nhà kinh doanh trong nghề báo thì sẽ bị gọi là “dị giáo”, như nhà báo Mark E.  Briggs từng viết trong cuốn sách Báo chí doanh nghiệp (entrepreneurial journalism).

Khi tôi bắt đầu nghề báo (từ một thầy giáo), tôi cũng được dạy rằng kinh doanh tin tức hay thương mại báo chí là một cái gì tiêu cực, xấu, không đạo đức.

Sự “giữ bàn tay sạch” này với kinh doanh khiến nhà báo trở nên “những người tiếp viên vô trách nhiệm” với nghề nghiệp của mình, nhìn từ góc độ “hiệu quả tài chính” nào đó. Đây mới là nguyên nhân chính gây ra cơn suy thoái của báo chí hiện nay, chứ không phải Internet hay Facebook.

Báo chí văn nghệ trước làn sóng mạng xã hội

Báo chí văn nghệ trước làn sóng mạng xã hội

Hôm qua, 22/7, tại TP Vũng Tàu đã diễn ra Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc 2015, thu hút 15 tham luận, để nhìn lại những thế mạnh và chủ yếu là thách thức của thể loại báo chí này.


Tôi nghĩ rằng, nhà báo hiện đại, các đồng nghiệp trẻ của thế kỷ 21, phải được dạy môn kỹ năng kinh doanh báo chí, thậm chí môn này là môn bắt buộc của các trường báo chí. Ở trường báo chí sau đại học của Đại học New York, người ta đã xây dựng Trung tâm Báo chí doanh nghiệp mang tên Tow-Knight. Tham vọng của trường báo chí này là đưa tinh thần doanh nghiệp vào báo chí như Đại học Stanford và MIT đưa công nghệ vào kinh doanh.

Những mô hình báo chí thành công bền vững sẽ dựa trên nhu cầu và được đo lường bằng tỷ lệ thỏa mãn những nhu cầu của công chúng trong một thị trường cạnh tranh. Số lượng và quảng cáo giảm bởi vì báo chí truyền thống chỉ lo chăm sóc “con bò sữa” làm ra tiền là quảng cáo, thay vì đẩy mạnh sáng kiến kinh doanh.

Độc giả vẫn muốn tin tức và họ di chuyển đến các websites tin tức hay mạng xã hội. Nhưng các tờ báo thất bại không nắm bắt cơ hội thay đổi cách quảng cáo. Các công ty tiêu tiền quảng cáo vào truyền thông mạng hơn là báo chí truyền thống.


Mạng xã hội tạo thách thức

Khi ít tiền hơn, thì các tờ báo làm cái việc dễ làm nhất là cắt giảm tin và tinh giản bộ máy. Đó là lộ trình của tư duy sụp đổ. Cái khó làm và đáng làm nhất là chất lượng của tin và cách giao tin đến người dùng tin (news consumers) thì lại không làm.

Vào năm 2013, một trong những tờ báo lớn nhất và lâu đời nhất nước Mỹ là Washington Post đứng trên bờ sụp đổ vì làm theo cách của các “con chim chờ chết”. Nhưng khi ông chủ Amazon là Bezos mua lại với giá 250 triệu USD thì đến nay doanh số và lợi nhuận biên đã tốt lên. Tin tức được cải thiện và “hàng hóa tin” được đưa đến người dùng bằng nhiều phương tiện và nhà quảng cáo có nhiều lựa chọn hơn. Nguồn thu cho báo giấy lại được cải thiện.

Với đề nghị của Amazon, thay vì tinh giản biên chế, Washington Post thương lượng mua lại cổ phần của nhân viên khi bán cho nhà đầu tư mới. Ví dụ trong 250 triệu USD mà Bezos mua lại thì mỗi cổ phần bao nhiêu, nếu ai muốn bán thì không giữ quyền kiểm soát nữa, còn việc làm vẫn không bị mất.

Nhiều nhà báo nhờ tiền bán lại cổ phần này đã có thể thành lập các trang tin riêng của mình và có thể tự mình kinh doanh tin tức. Đưa thí dụ này để thấy là Internet, mạng xã hội là cơ hội của tương lai.

Tóm lại, báo chí chúng ta nên phát triển theo mô hình doanh nghiệp tích hợp, dựa trên nền Internet, và di động, xoay quanh giá trị tin cốt lõi kiểu báo in (nếu đã có thương hiệu). Sự thành công của đồng nghiệp VnExpress một phần nào chứng tỏ điều đó.

Bị đẩy vào tình thế "ăn theo" mạng xã hội

“Dưới sức ép của cạnh tranh thông tin, nhiều tòa báo, phóng viên đã từ bỏ cách tiếp cạnh, thẩm định và xử lý thông tin theo lối truyền thống, mà coi việc tham khảo, tìm kiếm và xử lý thông tin thông qua mạng xã hội là một điều hiển nhiên. Nhiều tờ báo, đặc biệt là các trang tin đã chấp nhận hình thức tác nghiệp này. Ở tình huống này, nhiều cơ quan báo chí đã bị đẩy vào tình thế "ăn theo" mạng xã hội, đuổi theo và lệ thuộc vào mạng xã hội, đặc biệt là các tờ báo về giải trí.

Với những hiện trạng đó, tôi cho rằng các phóng viên cần có sự suy xét, phân tích để có thể chắt lọc ra được những thông tin tốt, chính xác làm chất liệu cho tin. Ở tầm vĩ mô, cần có sự minh bạch thông tin để người dùng mạng xã hội và phóng viên có thể kiểm chứng, đưa ra thông tin chính xác nhất; còn với người dùng mạng xã hội, cần tăng cường tuyên truyền để họ có ý thức, trách nhiệm với bản thân và xã hội khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội”.

(Nhà báo Vũ Văn Tiến, tác giả của Bước vào nghề báo, Điều tra và dấn thân trong nghề báo, hiện là Phó TBT báo Xây dựng)

PV

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm