TS Nguyễn Văn Vịnh: Đừng biện minh, hãy nhìn lại mình!

10/01/2015 13:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những lời lẽ khiếm nhã của các bạn trẻ trên tấm bùa gỗ trong lễ hội Nhật Bản đầu năm Ake Ome! được tổ chức ở Hà Nội vừa qua, phải chăng đã phản ánh khoảng trống lớn trong tiếp nhận văn hóa và giáo dục tiếp nhận văn hóa trong thế giới phẳng? Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đặt câu hỏi này với TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục.

* Ông đánh giá sao về hiện tượng người trẻ “ước tục” trên bùa gỗ trong lễ hội đầu năm mới Nhật Bản?

- Những lời ước tục phản ánh 2 điều. Thứ nhất, những người viết những dòng chữ đó là những công dân của một quốc gia vô giáo dục. Thứ hai, nếu hiểu nghiêm trọng thì sự thiếu hiểu biết đã vô tình xúc phạm những người tổ chức.

* Người trẻ thường ham vui, ông đánh giá như vậy có phần nặng nề chăng?

- Giới trẻ được phép vui vẻ nhưng mang sự nhảm nhí vào nghi lễ nghiêm trang của một quốc gia khác nó sẽ ra vấn đề khác. Tôi không muốn kiến giải theo cách nặng nề nhưng tôi thực sự hổ thẹn. Và bất cứ người Việt có lòng tự trọng cũng đều cảm thấy xấu hổ về chuyện này.

* Vậy theo ông, vì đâu nên nỗi?

- Sự vụ này cũng cần đặt trong bối cảnh hiện nay khi nhiều sự nhảm nhí lên ngôi như hiện tượng Bà Tưng, Lệ Rơi... Tất nhiên, nhảm nhí cũng là khía cạnh nào đó của tình cảm con người. Nhưng cả cộng đồng “bầy đàn hóa” hùa cùng sự nhảm nhí và dần chấp nhận nó như một giá trị thì đó là thảm họa với nền văn hóa. Nói cách khác, đây là hệ lụy tất yếu của một thời đại phóng túng, phóng thể về văn hóa.

Thêm nữa, về bản thể văn hóa, người Việt có quá nhiều sắc tộc và có quá nhiều lễ hội. Dân gian có câu: vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội. Tinh thần dân dã dân gian của người Việt thấm đẫm văn hóa Việt. Nhân vật Tễu hay những cù cười trong chèo pha trò phản cảm cũng dày đặc trong các sinh hoạt dân gian. Và sự không tương thích về văn hóa này đã xảy ra ở Lễ hội Ake Ome!


TS Nguyễn Văn Vịnh

* Phải chăng việc cong vênh văn hóa khi người Việt coi Tết Âm lịch là lễ chính còn người Nhật đã chuyển sang Tết Dương có thể biện minh phần nào sự nhầm lẫn của giới trẻ?

- Đây cũng có thể biện minh phần nào cho sự thiếu hiểu biết. Người Nhật coi Tết Dương lịch là ngày lễ chính. Và văn hóa năm mới với tất cả các dân tộc đều thiêng liêng. Ai cũng tin sự khởi đầu của một năm sẽ mang lại tốt lành cho mình. Nghi lễ năm mới Ake Ome! cho cả cộng đồng. Người trẻ Việt phải hiểu là năm mới mình thế nào thì của người ta cũng thế. Trong khi đó, độ cong vênh về văn hóa khiến người Việt coi Tết Âm lịch mới là ngày lễ chính, cần sự nghiêm trang. Còn Tết Dương lịch chỉ là dịp nghỉ ngơi, vui chơi. Và các bạn trẻ cho rằng người Nhật cũng vậy. Nên người trẻ đã nhầm lẫn phần lễ thiêng với những trò vui hội. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những người trẻ phần nào trước thảm họa văn hóa tại Lễ hội Ake Ome!

* Chứng tỏ việc du nhập nền văn hóa quốc gia này vào quốc gia khác là chẳng dễ dàng gì...

- Chúng ta không nên đổ lỗi cho khách quan như vậy vì nó chỉ là phần rất nhỏ. Đừng biện minh mà hãy nhìn lại mình. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận về cách ứng xử trong lễ hội này là do lỗi lầm của hệ thống chúng ta chứ không phải do phía bên tổ chức.

Gần đây, tôi thấy rất buồn về những dấu hiệu khủng hoảng văn hóa không chỉ trong giới trẻ mà ở nhiều giới. Người trẻ chỉ là những người trực tiếp làm nhưng phải nói cho rõ rằng họ là sản phẩm của hệ thống. Hệ thống sao thì sẽ có những sản phẩm như vậy.

Xã hội chúng ta khá khép kín và giáo dục theo đường ray đơn tuyến. Tầm nhìn của chúng ta về sự khác biệt văn hóa theo tôi vẫn là khá hạn hẹp. Tư tưởng “nhập gia tùy tục” khiến chúng ta mặc định lễ hội văn hóa quốc gia khác tổ chức trên đất ta phải thay đổi hoặc ta tùy ý thay đổi sao ta thấy thoải mái là được. Những sự tôn trọng cần thiết với văn hóa khác không có ở đây.

Tôi hiểu, không phải giới trẻ Việt cố tình xúc phạm văn hóa Nhật hay nước Nhật mà thực ra người trẻ không hiểu tính chất linh thiêng của nghi lễ. Điều này bộc lộ khoảng trống của giáo dục văn hóa. Các em được dạy vẽ, dạy nhạc, dạy cảm thụ và phân tích các tác phẩm văn học. Nhưng các em không được dạy tiếp nhận văn hóa. Giáo dục nghi lễ chung chung cho con em ở trên ghế nhà trường cũng không có. Điều này không những ảnh hưởng tới việc tiếp nhận văn hóa khác mà còn lung lay cội rễ văn hóa của chính chúng ta khi những nghi lễ các em đa phần tiếp nhận qua gia đình, địa phương. Và điều này ở nhiều trường hợp sẽ bị coi nhẹ, nhất là những gia đình thành thị. Nên cứ tái diễn, hiểm họa một mai mai một là thấy rõ.

Bên cạnh đó, trải nghiệm các lễ hội văn hóa ở các quốc gia đang là thuận lợi rất lớn với người trẻ ở thế hệ này. Nếu tiếp cận hợp lý, vốn văn hóa của các em sẽ phong phú hơn, phổ văn hóa các em sẽ lớn hơn.

* Có ý kiến cho rằng, nhìn ở góc độ tích cực, phải chăng không chấp nhận văn hóa khác cũng là “điểm sáng” của kháng thể văn hóa “hòa nhập không hòa tan”?

- “Hòa nhập không hòa tan” chỉ là câu chuyện đầu môi chót lưỡi để phòng vệ. Câu chuyện không hòa tan cũng chỉ là nói cho vui. Văn hóa có cơ chế tự nhiên là tự điều chỉnh. Bản thể văn hóa lành mạnh sẽ chấp nhận du nhập những yếu tố giàu tính nhân bản và đào thải những yếu tố nhảm nhí, không phù hợp. Tính chất của văn hóa là hấp thụ tương đối chậm và giữ lại tinh túy. Nên tôi thấy việc ru ngủ nhau sau mỗi hành vi phi văn hóa trong lễ hội nước bạn là lố bịch.

Chúng ta nên xác định là chẳng có cái gì giữ được nguyên bản. Có chăng chỉ là nhớ nhung cội rễ như nhớ tổ tiên. Còn hãy giáo dục thật hiệu quả văn hóa dân tộc và cách ứng xử trong các lễ hội văn hóa dân tộc khác, sẽ chẳng có gì tan biến ở đây cả. Tự nội lực có kháng thể mạnh, chúng ta sẽ tự tin vào sự cân bằng động của văn hóa.

* Cảm ơn ông.

Giới trẻ không được dạy tiếp nhận văn hóa. Điều này không những ảnh hưởng tới việc tiếp nhận văn hóa khác mà còn lung lay cội rễ văn hóa của chính chúng ta.

Đọc bài: Ước bậy trong lễ hội Ake Ome Nhật Bản và chuyện viết 'có ý thức' TẠI ĐÂY

Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm