Tranh Việt 'tha hương' chưa hẳn đáng thương

07/02/2014 09:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam có lịch sử nghệ thuật hai ba ngàn năm, mà đến nay vẫn chưa có thị trường nội địa thực thụ thì việc "chảy máu nghệ thuật" là điều khó tránh khỏi. Trừ mảng mỹ thuật kháng chiến là còn giữ được tương đối nhiều, nhìn chung, phần lớn tác phẩm đẹp của mỹ thuật (hiện đại) Việt Nam đã ở nước ngoài. Nhưng kinh nghiệm "chảy máu" này không chỉ riêng Việt Nam mới gặp phải.

Gióng hồi chuông về việc chất xám nghệ thuật bị chảy máu ra nước ngoài là việc cần làm và phải tiếp tục dài lâu. Thế nhưng nhìn ở khía cạnh ngược lại, tài nguyên nghệ thuật (bao gồm cả cổ vật, đồ cổ…) khác với nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, vốn bán là hết, xài là mất. Vì tính chất sáng tạo và độc bản của nghệ thuật không phải là thứ bán là hết, xài là mất, nên nhiều khi hành động chảy máu cũng là cách để làm giá, nâng giá và làm thăng hoa nghệ thuật nội địa.


Nhà sưu tập Gérard Chapuis đang tìm lộ trình để đưa Chiều tà (35 x 46 cm, sơn dầu, 1915) của vua Hàm Nghi về cố đô Huế triển lãm  

"Chảy máu" vẫn còn có lợi

Kinh nghiệm "chảy máu nghệ thuật" từng đến với nhiều nền nghệ thuật như Nga, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, thổ dân Úc, thổ dân Nam Mỹ, thổ dân châu Phi, Tây Tạng… Bởi nếu không có hành động săn tìm, mua bán đến chảy máu chất xám thì ngày nay chưa dễ gì được quốc tế biết đến nhiều như vậy. Bởi sau cuộc tìm kiếm, sưu tầm,bao giờ cũng là việc kết tập, bảo quản, nghiên cứu, giới thiệu, sao đó là trao đổi, mua bán…, giá trị (vật chất và nghệ thuật) tự nhiên sẽ tăng lên.

Một vài ví dụ gần. Đó là tranh mộc bản (khắc gỗ) của Nhật từng chảy máu ào ạt qua phương Tây từ trước khi nước này thực hiện đại canh tân trong các năm 1866 - 1869. Thế rồi chính cái phong cách ukiyo-e (phù thế hội) tưởng chừng như dân gian đó, qua các danh họa lỗi lạc như Hokusai, Utamaro, Hiroshige, Moronobu, Toyokuni, Harunobu… đã tác động ngược lại hội họa phương Tây ngay từ thế kỷ 19. Điều này rõ đến mức mục từ “Japonisme” (trường phái/ chủ nghĩa/ phong cách… Nhật Bản) đã được người Pháp đưa vào từ điển lần đầu năm 1872, trong khi khái niệm “Japonism” cũng đã xuất hiện trong nhiều văn bản tiếng Anh từ đầu thập niên 1860.

Ít nhất đã có những bậc thầy như James McNeill Whistler, James Tissot, Félix Bracquemond, Edgar Degas, Edward William Godwin, Édouard Manet, Claude Monet, Christopher Dresser, Vincent van Gogh… đã cho thấy sự ảnh hưởng phong cách Nhật rõ ràng. Nhà Đông phương học huyền thoại Will Durant (1885 - 1981) từng nhận định: “Tranh khắc gỗ Nhật Bản đã phản chiếu vào khung toan của châu Âu ánh dương và lời nhắn đến các họa sĩ rằng: hãy là thi sĩ hơn là nhà nhiếp ảnh”.

Mấy năm gần đây Trung Quốc đã trở thành quốc gia áp đảo về sức mua trên thị trường nghệ thuật toàn cầu, vì nó hồi sinh bởi chính kinh nghiệm "chảy máu nghệ thuật" từ thời nhà Thanh. Nó giống như một quy luật ngầm, cứ sau chuyện mua bán nhà lầu, xe hơi, máy bay, phi thuyền… thì thế nào cũng đến nghệ thuật, đồ cổ, sưu tập… Năm 2012 Trung Quốc chiếm đến 41% doanh thu toàn cầu, còn Mỹ chiếm 27%, Anh 18%, Pháp 4%, Đức (2%)…, trong khi mấy thập niên qua thì Mỹ thường giữ ngôi vị đầu. Tốc độ thay đổi này thật chóng mặt, bởi từ năm 2000 trở về trước thập niên 1940, Trung Quốc gần như không có thị trường nghệ thuật nội địa thực thụ.

Hay như cổ vật Chàm ở Việt Nam “từng theo” người Pháp về phương Tây ngay từ thời thuộc địa, về sau vẫn còn tiếp tục. Thế nhưng cũng chính Pháp lại trở thành trung tâm nghiên cứu lớn, với hệ thống bảo tàng, sách, tạp chí, thị trường, nhà đấu giá… hoàn chỉnh. Chính họ cũng lần lượt thực hiện vài cuộc giao trả, trao tặng cổ vật cho Campuchia, Việt Nam…

Mấy kinh nghiệm gần này biết đâu sẽ trở thành tiền lệ tốt cho chính thị trường nghệ thuật tại Việt Nam, mà chắc sẽ hình thành trong một hai thập niên tới. Nếu hai thập niên vừa qua các phòng tranh, nhà môi giới ở Việt Nam làm công việc “trung chuyển” ra quốc tế là chủ yếu, thì gần đây đã xuất hiện một số nhà sưu tập mang tác phẩm về Việt Nam.

Đơn cử như chuyện nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont (Thái Lan) đã thực hiện nhiều cuộc giới thiệu, nghiên cứu tranh Việt; nhà sưu tập Nguyễn Minh đấu giá tranh Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tường Lân… để mang về nước; bác sĩ - nhà sưu tập Gérard Chapuis đang muốn đưa bức Chiều tà của vua Hàm Nghi về Huế triển lãm.


Qua thị trường quốc tế mà Việt Nam biết đến tác phẩm Cảnh phố chợ Đông Dương (51 x 92 cm, lụa, 1926-1929) rất đẹp và quý hiếm của Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh).

Quốc tế làm giá tốt hơn

Tháng 5/2013, tại nhà đấu giá Christie’s International ở Hong Kong, tác phẩm Người bán gạo (La Marchand De Riz) do Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1932 đã bán được giá kỷ lục là 3,03 triệu đô-la Hong Kong (tương đương 390.000 USD). Chủ sở hữu mới là ông Pascal de Sarth, nhà môi giới tranh người Pháp sống ở Hong Kong (Trung Quốc). Đây được xem là một trong vài bức tranh đắt giá nhất của Việt Nam, mà phía làm giá, giữ giá và nâng giá chính là thị trường quốc tế. Mà nếu có danh sách 100 tác phẩm bán cao giá nhất của tranh Việt, thì việc mua bán vẫn thuộc chủ đạo về thị trường quốc tế.

Hệ lụy của việc chảy máu nghệ thuật sẽ còn lâu dài, nhưng chính đây cũng là cơ hội để tranh Việt định danh thế giá của mình. Mà ngay cả các nền nghệ thuật như đã đề cập cũng tìm thấy cơ hội của họ từ chính việc chảy máu. Cái câu “Bụt nhà không thiêng” hoàn toàn đúng với nghệ thuật Việt Nam, bởi sau chiến tranh, đất nước còn nghèo, nền giáo dục thì chưa cập nhật, nên người dân thường chạy theo vật chất, mà bỏ phế nghệ thuật, cũng là điều dễ hiểu. Bây giờ đã có nhiều người Việt (ví dụ diễn viên Đỗ Hải Yến) đã bỏ hàng chục hàng trăm ngàn USD để mua tranh Việt tại các phiên đấu giá quốc tế. Trong khi tranh nội địa vẫn khó bán trực tiếp cho họ, vì “cách cho quý hơn của cho”, huống chi là bán hay đấu giá.

Còn nhớ, tháng 10/2010, nhà Sotheby’s tại Hong Kong đã đấu giá thành công tác phẩm Cảnh phố chợ Đông Dương (Scène De Marché De Rue Indochinois) mà Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh) vẽ trong những năm 1926 - 1929, với giá khoảng 75 ngàn USD. Tuy giá này chưa thật cao, nhưng lại rất quan trọng, vì đây là lần đầu tiên một họa phẩm của Nguyễn Tường Tam xuất hiện trên thị trường quốc tế. Tại Việt Nam còn rất ít tác phẩm của ông; mà với nhiều người cũng đã quên rằng ông từng là họa sĩ với vài triển lãm tại Hà Nội.

Hơn nữa, ngoài việc nâng giá, thị trường quốc tế còn ưu trội trong việc bảo quản và cả bảo hiểm nghệ thuật. Tài xế xe tải của vụ “hôi bia” ở Biên Hòa từng nói một câu nghe thốt tim: “Nếu bị bắt đền, tôi chỉ biết đi tù...”; trong khi với tai nạn tương tự, nơi các nước có nền bảo hiểm hoàn chỉnh, hãng bảo hiểm mới là nơi đền bù. Cho nên người Việt mua tranh Việt ở quốc tế sẽ yên tâm hơn về khả năng bảo quản tác phẩm, sự bảo hiểm, và cả mức độ danh tiếng nhận về. Cho nên mới có chuyện tỷ phú Nga, Nhật, Trung Quốc, Iran… ra nước ngoài mua tranh của nước họ cầm về nội địa.

Nhìn lại mình từ xa

“Dù ở đâu vẫn Tổ quốc trong lòng/ Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ” - hai câu thơ của Nguyễn Duy diễn tả một trạng huống khác, nhưng cũng hợp với hoàn cảnh tha hương của tranh Việt. Dù đi bất kì đâu, thuộc sở hữu của bất kì ai, thì tranh Việt vẫn là tranh Việt. Nó khác hẳn những tài nguyên quý giá khác như kim cương hay vàng, khác sở hữu là khác cả chế tác, thương hiệu.

Nhiều người Việt vẫn còn tâm lý “Việt Nam nhỏ và yếu kém mọi mặt”, nên chính sự sôi động và cao giá ở thị trường nghệ thuật quốc tế đã giúp thay đổi một phần cách nhìn. Quốc tế đã quảng bá, tiếp thị tranh Việt ngày một hiệu quả, đúng mực, nên dần dà cũng sắp xếp đẳng cấp của họa sĩ Việt. Thật là buồn khi bản sắc của họa sĩ Việt chưa thể do người Việt quyết định. Nhưng nếu biết cách nhìn lại mình từ xa để mà sáng tạo mới mẻ hơn, chân thực hơn, thì tha hương chưa hẳn chỉ đáng thương, mà còn là cơ hội.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm