Trần Hải Minh: 'Cơ duyên' với trừu tượng và 'hạnh ngộ' với acrylic

23/12/2021 12:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm cá nhân mang tên Trần Hải Minh vừa được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Với người trong giới, từ mấy chục năm qua, Hải Minh vẫn được biết tới như một cá tính đầy kiêu hãnh ở cả cách sống, quan niệm sáng tạo và tinh thần toát ra từ tác phẩm.

Đại học Mỹ thuật Việt Nam khai mạc triển lãm kỷ niệm 95 năm thành lập trường

Đại học Mỹ thuật Việt Nam khai mạc triển lãm kỷ niệm 95 năm thành lập trường

Các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm lần này do chính các cán bộ, các thầy cô giáo của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện.

Với triển lãm lần này, một lần nữa Trần Hải Minh đưa người xem bước vào thế giới tranh trừu tượng biểu hiện (abstract expressionism). Triển lãm bày 62 trong hơn 70 tác phẩm chất liệu acrylic trên toan mà Trần Hải Minh đã vẽ trong suốt năm 2021.

Công lực và công phu

Nói về tác phẩm của Trần Hải Minh, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận xét: “Nếu chỉ ra một cái tên đáng nói nhất của tranh trừu tượng tại Việt Nam thì đó chỉ có thể là Trần Hải Minh”. Nhận định này có thể vấp phải nhiều luồng phản ứng. Nhưng phải thừa nhận, với những ai quan sát chủ nghĩa trừu tượng biểu hiện ở Việt Nam, sẽ thấy Trần Hải Minh luôn là tên tuổi tiên phong và nổi bật.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Trần Hải Minh và bức tranh số 50 tại triển lãm. Ảnh: Lê Văn Đồng

Triển lãm lần này có thể là những lát cắt phong cảnh tâm hồn. Ở đó, mỗi bức vẽ giống như có một đường quyền của cao thủ quyền cước Đông phương. Ví von như thế cũng không phải là quá, bởi những “bài quyền” của Trần Hải Minh đôi khi chiêu thức không mới - nhìn thấy qua cả loạt tranh cùng tâm thế, chỉ thay đổi tùy phông tâm trạng - nhưng luôn luôn biết “biến chiêu”, tạo ra những cảm giác bất ngờ, cuốn hút. Như một đại võ sư đã nằm lòng khẩu quyết cùng sự khổ luyện, nghiền ngẫm mấy chục năm một bài quyền, mỗi lần xuất chiêu của anh luôn mang đến một sự bất ngờ, làm người ta rợn ngợp, thảng thốt.

Ví dụ bốn bức tranh đánh số từ 5 và 4, 7 và 6, như một bộ tứ bình về mùa của cùng một tâm trạng, một cảm quan bố cục, khá tương đồng nhau, nhưng biến tấu gam màu và sắc độ lại hoàn toàn khác biệt. Với Trần Hải Minh, cũng khung cảnh tâm trạng đó, nhưng “bốn mùa” là bốn sắc thái sinh động, biến tấu day dứt khác nhau.

Và thêm nữa, có thể nói Trần Hải Minh đã vẽ như khiêu vũ trên toan, tay và chân cùng nhảy múa, với một bảng màu mạnh mẽ, bắt mắt và riêng tư. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, những đường màu mà ông biểu hiện lên bề mặt tác phẩm cho thấy một công phu và bút lực đầy cảm xúc, phóng khoáng và tự chủ. Những đường màu ấy phối hợp với nhau tạo nên những tiết tấu tranh đa cung bậc, dìu dắt thị giác và xúc cảm của người xem.

Chú thích ảnh
Từ trái sang, bức số 5 và 4 tại triển lãm

Cơ duyên và hạnh ngộ

Có thể nói, việc Trần Hải Minh theo đuổi hội họa trừu tượng biểu hiện bằng vật liệu acrylic là cơ duyên và hạnh ngộ. Cơ duyên với chủ nghĩa trừu tượng biểu hiện và hạnh ngộ với vật liệu acrylic.

Ông sinh năm 1962, đến năm 15 tuổi đã thi vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đến năm 1982 thì đậu vào hệ đại học của trường, rồi bảo lưu kết quả và đi nghĩa vụ quân sự. Năm 1987, ông du học sang Đông Đức và trở thành sinh viên của Đại học Nghệ thuật Berlin. Lúc này bức tường Berlin chưa sụp đổ, nhưng theo như lời họa sĩ thì vẫn có thể sang Tây Berlin để tham quan, trao đổi kiến thức. Tại đây ông được gặp những tư liệu quý giá về hội họa trừu tượng và trừu tượng biểu hiện. Ông chỉ được chụp ảnh lại chứ không được mang tài liệu về trường.

Vậy là, khác với các sinh viên mỹ thuật cùng thời, vốn được đào tạo vẽ lối hiện thực, chàng sinh viên người Việt đã kiến nghị với giáo sư giảng dạy cho mình theo đuổi con đường trừu tượng biểu hiện, may mắn nhận được sự đồng ý. Vị này thậm chí còn cho ông mượn tạm căn phòng rộng 20 mét vuông trong khuôn viên trường - vốn được cấp làm nơi sáng tác của giảng viên - làm nơi thực hiện tác phẩm. Từ đó Trần Hải Minh đã bén duyên và đi theo con đường sáng tạo với lối trừu tượng biểu hiện.

Chú thích ảnh
Từ trái sang, bức số 7 và 6 tại triển lãm

Nhưng ở Đông Đức thời bấy giờ, vật liệu chủ yếu được sử dụng vẫn là sơn dầu. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chàng sinh viên năm 3 của Đại học Nghệ thuật Berlin mới được đi ngao du khắp phía Tây thành phố. Ông tìm đến một cửa hàng họa phẩm, hỏi về những loại sơn dầu thì được nhân viên ở đây hỏi ông đang vẽ gì. Ông diễn giải rằng mình vẽ lối đó, lập tức người bán hàng đem một vài tuýp màu acrylic ra trình diễn cho ông xem. Và, ông nhận ra rằng tính chất mau khô của thứ chất liệu được người ta gọi là “phát minh thế kỷ” này sẽ hợp với lối vẽ trừu tượng biểu hiện. Bởi lối vẽ này đòi hỏi cảm xúc và tâm trạng của người vẽ phải liền mạch, sôi nổi liên tục, không được đứt gãy. Vậy là từ cơ duyên trừu tượng biểu hiện, ông đã được gặp loại vật liệu phù hợp với tạng của mình nhất. Từ đó đến nay, tiếng vang của Trần Hải Minh luôn là những bức tranh trừu tượng chất liệu acrylic.

Nói về triết lý của mình khi vẽ tranh trừu tượng biểu hiện, họa sĩ cho rằng điều đầu tiên phải luôn giữ chính là sự thành thật với chính tâm hồn mình, vẽ bằng nỗi day dứt, muốn trào tuôn ra khung toan, chứ không phải bằng sự hiểu biết phỉnh phờ, tự gạt lừa cảm xúc. Bởi nếu phỉnh phờ thì chỉ có thể tự xoa dịu mình ở một vài tác phẩm, lừa dối đại đa số công chúng ở vài bức tranh, nhưng lâu dài với đồng nghiệp, khó mà giấu được. Còn với chính mình thì khó mà trốn tránh cảm giác lừa dối này được.

“Đừng để lí trí khôn ngoan tự đánh lừa bản năng sáng tạo, cũng như đừng để những mị lực bên ngoài như sự thổi phồng của truyền thông hoặc giới buôn tranh làm mình mất đi cảm xúc sáng tạo nguyên thủy” - Trần Hải Minh chia sẻ. Điều này, ông thẳng thắn nhận xét là nhiều họa sĩ Việt đương thời đã và đang vấp phải.

Lê Văn Đồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm