Trần Bảng - một nhân cách văn hóa 'sĩ phu Bắc Hà'

23/12/2020 19:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một lần, tôi lang thang trên Facebook và bắt gặp nickname “Bang Tran”. Ảnh đại diện và ảnh bìa công khai, tôi nhận ra GS-NSND Trần Bảng trong bộ khăn đóng, áo the với sắc diện, thần thái đẹp, đôi mắt như cười cùng đại gia đình đón mùa Xuân mới… Tôi hỏi NSƯT Trần Lực - đồng nghiệp tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và được vị xác nhận: “Đúng là Facebook của bố em đấy. Cụ vẫn lướt “phây” thường xuyên chị à”. Tôi thấy vui vì một nhà khoa học, một nghệ sĩ, kịch sĩ, soạn giả GS-NSND Trần Bảng ở tuổi 94 (nói như ngôn ngữ mới hiện nay là U 100) vẫn tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0.

Quang Khải - Con đường cải lương của giọng ca độc, lạ

Quang Khải - Con đường cải lương của giọng ca độc, lạ

Hơn 20 năm trước, rời xứ Nghệ, Quang Khải vào học lớp cải lương tại Khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Lựa chọn này ngay từ đầu Khải đã lường trước những khó khăn riêng: Do đặc điểm phương ngữ miền Bắc nên hát cải lương khó “mùi mẫn” như người Nam Bộ. Nhưng đến nay, con đường của Quang Khải chắc không dừng ở 2 HCV qua 2 vở diễn Mê cung và Mai Hắc Đế như hiện có.

GS-NSND Trần Bảng là tác gia, đạo diễn, nhà nghiên cứu chèo. Ông tham gia giảng dạy từ khóa diễn viên chèo đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội; nghiên cứu, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân nghệ thuật cho chèo…

Trí thức Tây học uyên bác

Trần Bảng sinh năm 1926 (Canh Dần) trong một gia đình khoa bảng, có nhiều người thành danh ở lĩnh vực văn chương nghệ thuật ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Ông nội là tuần phủ Trần Mỹ. Cha là nhà văn Trần Tiêu, đậu Thành chung, mở trường dạy học và là cộng tác viên đắc lực của Tự lực văn đoàn - tên gọi một tổ chức văn bút do Nhất Linh khởi xướng năm 1932.

Nhà văn Trần Tiêu vốn yên vị với nghề dạy học ở quê nhà, không có ý định viết văn, nhưng chính sự khuyến khích của người anh ruột - nhà văn Khái Hưng (tên thật là Trần Khánh Giư) - một trong 7 thành viên của Tự lực văn đoàn cùng Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu, nên 36 tuổi, ông mới bước chân vào làng văn.

Chú thích ảnh
4 thế hệ trong gia đình NSND Trần Bảng (bên phải là đạo diễn Trần Lực, con trai ông)

Tư chất văn chương thiên bẩm của Trần Tiêu đã lọt “mắt xanh” của nhà văn Khái Hưng. Bởi thế, dẫu bước chân vào nghề văn có muộn mằn, nhưng Trần Tiêu đã khẳng định sức viết của mình qua một số tiểu thuyết, như: Con trâu, Chồng con, Làng Cầm đổi mới. Ngoài ra, nhà văn Trần Tiêu có một tác phẩm Dưới ánh trăng (1936) viết chung với nhà văn Khái Hưng. Trần Tiêu được đánh giá là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết về con trâu “đầu cơ nghiệp”, “người bạn” thân thiết của nhà nông.

Em họ GS-NSND Trần Bảng là NSND Trần Đắc - đạo diễn điện ảnh nổi danh với với những bộ phim nổi tiếng, như: Bài ca ra trận, Sao tháng Tám

Trần Bảng lớn lên trong truyền thống gia đình có thiên hướng văn chương, nghệ thuật. Ông được cha định hướng con đường học hành chu đáo. Nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng - bạn tuổi thơ của Trần Lực ấn tượng với bác Trần Bảng từ thuở thơ ấu cho đến bây giờ vẫn là sách cùng niềm đam mê đọc của ông: “Xung quanh bốn bức tường phòng khách toàn là giá sách. Rất nhiều sách. Toàn sách dày cộp. Ngoài sách tiếng Việt là sách in tiếng nước ngoài, như: Tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc... Sau này tôi biết, đó là những thứ tiếng bác Bảng sử dụng thành thạo, là ngôn ngữ của những nền văn hóa lớn. Bác đọc thơ, kịch Shakespeare bằng tiếng Anh; đọc Lão tử, Trang tử bằng tiếng Trung Quốc; nghiên cứu Stanilapski, Lev Tolstoy, Dostoyevsky và văn hóa Nga bằng tiếng Nga; đọc Voltaire, Rousseau... bằng tiếng Pháp…”.

Chú thích ảnh
Vợ chồng NSND Trần Bảng - nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân cùng thổi nến sinh nhật

Người học trò - TS Trần Đình Ngôn - nói về thầy hướng dẫn với niềm kính trọng: “Ông tiếp nhận triết học Mác, đồng thời thấu hiểu tư tưởng triết học phương Đông. Xuất, xử, hành, tàng trong phương châm xử thế của các bậc thức giả cũng trở thành phương châm xử thế của giáo sư Trần Bảng - người luôn xây dựng, bảo vệ sự nghiệp chung và giữ gìn nhân cách một sĩ phu Bắc Hà”.

Là một trí thức Tây học được đào tạo từ thời Pháp tài năng và uyên bác, GS-NSND Trần Bảng luôn giữ phong thái một “sĩ phu Bắc Hà” trọng nhân cách và tài năng. Trước cảnh đất nước có ngoại xâm, khắc ghi lời cha, chàng thanh niên nuôi bao hoài bão, ước mơ đến với cách mạng khi tuổi 20. Ông tham gia viết kịch (ngắn, dài) và diễn kịch trong Đội tuyên truyền Sao Mai. Rời vùng quê Vĩnh Bảo, người chiến sĩ văn nghệ Trần Bảng lên chiến khu Việt Bắc, bén duyên Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương từ đó…

Người chồng, người cha của gia đình nghệ thuật

Người ta vẫn thường nói “Đằng sau người đàn ông thành đạt có bóng dáng người phụ nữ”. Câu nói đó thật đúng với gia đình NSND Trần Bảng. Người bạn đời của ông là nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân đã đi bên cạnh chồng toan lo, vun thu vén khéo mọi công việc gia đình để chồng dành thời gian, tâm sức cho nghệ thuật chèo. Bà mất ngày 19/10/2016, hưởng thọ 83 tuổi.

Chú thích ảnh
Học trò đến chúc mừng thầy giáo Trần Bảng ngày 20/11/2020

Đạo diễn Trần Lực nghẹn lời nói về người mẹ thân yêu của mình: “Mẹ tôi rất mê nghệ thuật, nhưng hy sinh tất cả vì chồng con. Năm 1960, mẹ tôi đã nghỉ diễn, chỉ tập trung giảng dạy ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu. Nhờ đó, bố tôi mới viết được nhiều kịch bản và những cuốn sách về chèo và tôi mới có thể làm diễn viên và trở thành đạo diễn…”.

“Tôi nhớ ngày bé cứ lẽo đẽo theo mẹ đi biểu diễn. Vị trí của tôi là cánh gà sân khấu. Mẹ đóng vai Thị Kính trong vở chèo cổ Quan âm Thị Kính cứ ám ảnh tôi đến bây giờ” - Trần Lực nhớ lại. “Đặc biệt là cảnh Thị Kính chịu oan ức, đi xin sữa cho đứa bé con Thị Màu, bị đánh… được mẹ nhập vai thật đến mức, tôi nghĩ mẹ bị đánh thật, nên đã từng lao vào sân khấu hét lên: Không được đánh mẹ tao! Mẹ “Thị Kính” phải chạy ra dỗ dành, vỗ về con”…

Bà là một trong những nghệ sĩ chèo đầu tiên của Việt Nam trưởng thành từ Đoàn Văn công Tiền phương thành lập phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Người con gái quê Vĩnh Phúc sở hữu một gương mặt đẹp, hồn hậu, vóc dáng “thắt đáy lưng ong” và nhất là giọng ca chuẩn đã hút hồn, làm trái tim chàng nghệ sĩ Trần Bảng rung động suốt hành trình chiến dịch Điện Biên Phủ…

Chú thích ảnh
Vợ chồng NSND Trần Bảng - nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân cùng 2 cháu nội

Sau này, bà trở thành diễn viên xuất sắc của Nhà hát Chèo Việt Nam; một giảng viên tận tụy của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội với nhiều vai mẫu nổi tiếng, như: Thị Kính trong vở Quan Âm thị Kính, nàng Ba trong Lọ nước thần, mụ Quán trong Xúy Vân, Ngát trong vở Máu chúng ta đã chảy…

Cặp nghệ sĩ Trần Bảng - Trần Thị Xuân sinh ra là để gặp nhau và cho nhau: “Tình yêu trăm tuổi/ Ngàn đời vẫn xanh”. “Của để dành” của ông bà thành danh trong lĩnh vực nghệ thuật. Con gái Trần Thị Mây đã trở thành kiến trúc sư, nhưng vẫn tiếp tục theo học ngành mỹ thuật ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và đầu quân cho Hãng Phim truyện Việt Nam. Người con trai thứ hai là NSƯT Trần Lực sớm thành danh ở lĩnh vực điện ảnh và sân khấu.

Ông rất vui, hào hởi khi con trai đã nối nghiệp sân khấu từ cha mẹ, nhất là con trai ông đã khai thác triệt để sân khấu ước lệ chèo để xây dựng sân khấu hiện đại thành công với vở Quẫn, Cơn ghen của lọ lem… Bao yêu thương, tin tưởng, người cha nói về con trai mình: "Nó đọc sách tôi vì chèo là sân khấu ước lệ. Thằng này nó nhà nòi, hưởng gen từ bố mẹ nên tiếp thu vốn văn hóa cổ rất nhanh". Đây là điều ông quan tâm hơn tất cả nhiều sự tôn vinh khác.

Ở tuổi nào - khi đầu xanh tuổi trẻ cũng như bây giờ đã “U100”, NSND Trần Bảng vẫn sống giản dị, an nhiên, tự tại, cố gắng tự lực, ngại và cố gắng ít làm phiền người khác từ việc nhỏ nhất. Mang phẩm chất của “Kẻ sĩ Bắc Hà”, ông coi trọng nhân cách sống đẹp và truyền cách sống ấy cho con cháu.

Chú thích ảnh
Đại gia đình NSND Trần Bảng đón Xuân mới

Còn nhớ hồi đầu năm 2017, trong 10 tác giả được trao trặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt V không thấy có tên GS-NSND Trần Bảng. Ông cũng chỉ cười hiền, lướt mạng xem thấy 10 văn nghệ sĩ có cụm tác phẩm xuất sắc và đặc biệt xuất sắc được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn xứng đáng.

Lúc đó, con trai ông - đạo diễn Trần Lực thương cha, có một chút ấm ức đã hỏi cha có cần kiến nghị gì không và anh biết chắc câu trả lời của ông: “Không cần phải thế! Ở đời, quan trọng nhất vẫn là việc mình đã từng cống hiến được cho nghề”. Lúc này, chính ông lại là người an ủi lại con trai. Trần Lực hiểu cha nói thật lòng, chứ không có dỗi dằn gì.

Cho đến ngày 12/4/2017, tờ trình của Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung thêm 7 tác giả trình Chủ tịch nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tên NSND Trần Bảng cùng 6 tác giả khác là: Nhạc sĩ Thuận Yến, nhà thơ Thu Bồn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, nghệ sĩ Lương Nghĩa Dũng, nghệ sĩ Tạ Quang Bạo, nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, ông cũng vẫn chỉ cười hiền hiền. Đôi mắt như biết cười của ông nhìn xa xăm xúc động như đang bồi hồi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc cách nay gần 70 năm: Chèo là viên ngọc quý. Phải gắng sức học, nhất là các nghệ nhân giỏi nghề để hiểu sâu, nắm vững và bảo tồn nghề chèo.

(Còn tiếp)

Trần Bảng - "Ông trùm chèo"

“Ông trùm chèo” là biệt danh do nhà thơ Huy Cận khi đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH,TT&DL) đặt cho ông tại cuộc Hội thảo về chèo tại Hải Phòng năm 1972 và tác giả bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” còn đọc tặng ông một bài thơ.

Hơn 60 năm lao động, gắn bó với nghệ thuật chèo, ông đã sáng tác hơn 10 vở chèo nổi tiếng như: Con trâu hai nhà (1956), Đường đi đôi ngả (1959), Cô gái và anh đô vật (1976), Tình rừng (1972), Câu chuyện tình những năm 80 (1981), Máu chúng ta đã chảy (1996), Lọ nước thần…

Ngoài sáng tác, ở cả hai phương diện phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới Trần Bảng đã đạo diễn thành công hơn 30 vở diễn, trong đó nhiều vở được coi là các mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của sân khấu chèo cách mạng ở cả hai phương diện phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới.

Đóng góp của NSND Trần Bảng đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng:Vở “Chị Trầm” đoạt Giải A Hội diễn (1959); vở “Xúy Vân” đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc (1962); vở “Lưu Bình Dương Lễ” – Giải Âm nhạc Xuất sắc (1962); Giải thưởng văn học đề tài công nhân của Tổng Công đoàn Việt Nam cho kịch bản chèo Tình rừng (1974); đoạt giải thưởng nghiên cứu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1995)…

Năm 1993, ông được phong hàm Giáo sư và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Với những cống hiến hết mình cho nghệ thuật chèo, ông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuậtđợt 2 (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 5 (2017).

 

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm