Tổ hợp múa 'Cây nỏ thần': Hàn Quốc cũng có Mỵ Châu

04/06/2015 16:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tổ hợp múa Cây nỏ thần lấy cảm hứng từ câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy vừa diễn ra tại Nhà hát Thành phố HCM - là sự kết hợp giữa vũ điệu truyền thống Hàn Quốc và ballet. Đêm diễn gồm 3 tác phẩm: Công chúa Mỵ Châu, Đồi muối và thuyền thúng, Sự gầm thét của biển cả, do nữ nghệ sĩ múa Chun Yoo Oh biên đạo, Sun Goo Jung đạo diễn. Chương trình do Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) phối hợp tổ chức.

Khai thác tối đa các thế mạnh của từng nghệ sĩ múa, với ngôn ngữ dàn dựng tối giản, đạo cụ và thị giác tiết chế, âm nhạc tuyệt vời, Chun Yoo Oh đã thật sự thành công khi tái hiện lại một bi kịch mà hơn 2.000 năm qua người đời chưa hề quên.

Một chuyện tình xuyên biên giới

Nếu Việt Nam có tình sử của Mỵ Châu và Trọng Thủy, thì Hàn Quốc cũng có tình sử về công chúa Nakrang và hoàng tử Ho Dong, vốn được ghi chép trong sách cổ Tam quốc sử ký - họ cũng có hoàn cảnh cùng cái kết bi thương tương tự.

Rõ ràng đây là cách mà Chun Yoo Oh liên nối văn hóa Hàn - Việt, liên nối câu chuyện phổ quát trong văn minh Á Đông. Điều này cũng giống như vở Arirang Sài Gòn (năm 2014), Chun Yoo-oh đã liên nối từ một bài ca cổ Hàn Quốc đến không khí đương thời của Sài Gòn.

Tinh thần lớn hơn của bộ ba tác phẩm là hình ảnh chịu thương chịu khó và cả những thua thiệt của thân phận người nữ trước các thời đại nhiều biến động. Trái tim của Mỵ Châu có thể đặt nhầm chỗ, nhưng nhịp đập tình yêu đó đã là vĩnh cửu, vì vậy mà hơn 2.000 năm qua, câu chuyện vẫn còn lấy nước mắt, sự tiếc thương của nhiều thế hệ.


Cảnh trong tác phẩm "Công chúa Mỵ Châu"

Tác phẩm Công chúa Mỵ Châu gồm 7 chương, đó là Mây và sương mù, Cây nỏ thần, Bức tranh bích họa, Thiên sử ca tình yêu, Thác nước, Biển và Đảo. Rõ ràng Chun Yoo Oh đã đồng sáng tạo và liên nối với đương thời, nhất là ở chương Đảo, nơi tiếng hát tình yêu của Mỵ Châu luôn vang vọng. Và chính biểu tượng tình yêu của Mỵ Châu cũng thành thông điệp hòa bình hôm nay.

Thông điệp trong Công chúa Mỵ Châu thêm một lần nữa được nhận diện qua hình ảnh người phụ nữ trong tác phẩm Đồi muối và thuyền thúng, nơi mà có lúc chỉ một mình người phụ nữ lênh đênh cùng sóng gió. Rồi tác phẩm Gầm thét của biển cả, nơi “nước mắt của bà mẹ ngấm vào những ngọc trai ở vùng biển sâu”.

Chun Yoo Oh đã thành “người Việt Nam”?

Chun Yoo Oh còn táo bạo hơn khi muốn nhận diện Mỵ Châu thông qua hình ảnh những người phụ nữ đời thường ngày nay, họ có thể là ngư dân, là người con gái, là người mẹ xứ biển… với tình yêu và sự bao dung bao la.

Chun Yoo Oh sinh tại cảng Masan và lớn lên ở vùng biển Busan. Bà từng là giáo sư khoa múa Trường Đại học Seowon (Hàn Quốc), hơn 10 năm nay bà sống và làm việc tại TP.HCM.

Dự kiến, ngày 1/12/2015, bà sẽ cho trình diễn vũ kịch Nhân duyên ngàn năm, lấy cảm hứng từ chuyện vượt biển qua nước Goryeo (nay là Hàn Quốc) của hoàng tử Lý Long Tường (Yi Yong-sang). Hoàng tử này đã chiến đấu anh dũng trên biển, rồi cùng dân bản địa Goryeo đánh thắng quân Mông Cổ, nên được phong Hoa Sơn tướng quân (Hwasan Sanggun) và các chức quan cao cấp ở triều đình. Sau hơn 800 năm, đến nay ông đã thành sơ tổ dòng họ Yi tại Hàn Quốc, với hơn 2.000 hậu duệ.

 Vai Lý Long Tường sẽ do một nam nghệ sĩ kịch nói nổi tiếng của Việt Nam thể hiện, hòa cùng vũ điệu và âm nhạc.

Nhìn lại hành trình mà nữ nghệ sĩ này biên đạo từ Arirang Sài Gòn đến Cây nỏ thần, và sắp tới là Nhân duyên ngàn năm, có thể nói Chun Yoo Oh đã thành “người Việt Nam”, theo nghĩa xứ sở này chiếm một ngăn lớn trong trái tim của bà. Không chỉ kết hợp giữa vũ điệu truyền thống Hàn Quốc và ballet, không chỉ chuyển tải các câu chuyện lịch sử, văn hóa Việt - Hàn, mà các bản dựng của Chun Yoo Oh luôn bảo đảm tính trẻ trung, thời đại để gần gũi với khán giả ngày nay.

Như Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm