Tìm lại thời vàng son

10/12/2018 11:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này có 2 sự kiện lớn đó là Hội thảo “Lịch sử phát lộ Hoàng thành Thăng Long” tại Hà Nội và “Phố bên đồi” diễn ra tại Đà Lạt. Cả 2 sự kiện này dường như muốn tìm lại thời vàng son trong quá khứ…

Khôi phục hầm 59 và hầm 66 tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long

Khôi phục hầm 59 và hầm 66 tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long

Theo Tiến sĩ Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, nếu không nhắc đến thời đại Hồ Chí Minh trong suốt chiều dài lịch sử của Hoàng thành Thăng Long sẽ là thiếu sót lớn.

1. Cuối năm 2002, để chuẩn bị cho dự án xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, khu vực tứ giác nằm giữa các phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn được Chính phủ cho phép Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật theo Luật di sản văn hóa. Và, những dấu vết kiến trúc xuất lộ tại đây đã khiến dư luận chú ý cao độ.

Từ thời điểm đó tới nay, hàng chục ngàn mét vuông đã được khai quật. Đây là cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô lớn nhất tại Việt Nam và cũng vào loại lớn nhất ở Đông Nam Á. Hàng loạt các phế tích kiến trúc như thềm nhà, sân, móng cột, cùng hàng triệu di vật như vật liệu kiến trúc có hình rồng phượng, hoa sen, hoa cúc, đồ gốm cao cấp… đã được phát hiện và nghiên cứu.

Những tư liệu khảo cổ này, cùng những sử liệu sẵn có, cho phép đưa ra kết luận: đây chính là nền móng của Hoàng thành Thăng Long cũ, với quãng thời gian tồn tại kéo dài từ thời kỳ thành Đại La (thế kỷ 7 - 9) đến thành Thăng Long (thế kỷ 11 -18) và thành Hà Nội (thế kỷ 19).

Và, từ những gì đã được phát hiện và nghiên cứu, đúng vào năm 2010, thời điểm thành phố Hà Nội kỷ niệm ngàn năm tuổi, khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Chú thích ảnh
Khai quật Hoàng thành Thăng Long năm 2004

Nhìn lại sự kiện này, Hội thảo Lịch sử phát lộ Hoàng thành Thăng Long sẽ được tổ chức vào 18h ngày thứ tư 12/12 tại Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội). Cuộc hội thảo có sự tham gia của GS-TS Andrew Hardy (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) và TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học, một trong những người có mặt trong đợt khai quật đầu tiên tại khu vực này vào cuối năm 2002). Ký ức về việc phát lộ Hoàng thành Thăng Long, các nghiên cứu về khu vực này và những suy ngẫm về di sản của Hà Nội sẽ là trọng tâm của chương trình.

2. Sự kiện nghệ thuật đa hình thái Phố bên đồi 3 đã khai mạc sáng 8/12/2018 tại Cầu Đất Farm (Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), kéo dài liên tục trong 3 tháng.

Với chủ đề Sống lại vàng son, sự kiện diễn ra tại nhà máy sản xuất chè/trà có tuổi đời hơn 90 năm. Ngoài các thảo luận về kiến trúc, di sản đô thị Đà Lạt, du lịch xanh, phát triển bền vững, nghệ thuật thuật cộng đồng, âm nhạc, ra mắt sách… Phố bên đồi 3 còn trưng bày 125 tác phẩm hội họa của gần 50 họa sĩ, như là cách đồng hành cùng dấu ấn kỷ niệm 125 năm Đà Lạt. Nếu các tác phẩm này được bán, khách cần mang đi sớm, thì ban tổ chức sẽ thay thế tác phẩm khác, nhằm bảo đảm con số tượng trưng là 125.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Phạm S (thứ hai từ phải sang) khai mạc Phố bên đồi 3. Ảnh: Quỳnh Uyển

Chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), tiến sĩ Phạm S (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) nói: “Công nghệ và nghệ thuật đang là, sẽ là các cách thức hữu hiệu để giúp người dân, các doanh nghiệp tăng doanh thu và chất lượng sản phẩm, sự cạnh tranh. Đây không phải là lý thuyết suông, nhìn vào báo cáo doanh thu, việc đóng thuế của nhiều doanh nghiệp tại Lâm Đồng thì thấy rõ điều này”.

Ông Phạm S phân tích: “Cầu Đất Farm là một ví dụ, nhờ đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh, họ đã làm hồi sinh một trong số ít nhà máy chè lâu đời nhất Đông Nam Á. Nay họ kết hợp làm Phố bên đồi 3, nhằm khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, nhân cảm… của vùng đất, tôi tin rằng sẽ càng thu hút được du khách”.

Mỗi ngày Cầu Đất Farm đón hơn 1.000 lượt khách, Phố bên đồi 3 hy vọng sẽ “lọt tầm mắt” của một nửa trong số này, sau 90 ngày sẽ thu hút hơn 50 ngàn lượt khách.

Sơn Tùng - Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm