Tìm lại chiếc nón ba tầm

27/07/2016 20:11 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ thập niên 1940, chiếc nón hình chóp, tức nón Trung Kỳ, nón Huế trở nên phổ biến khắp cả nước. Nón ba tầm và các loại nón lá vành rộng khác đã gần như biến mất ở Bắc Bộ.

Dấu hiệu văn hóa đặc trưng của vùng Bắc Bộ     

Trong số cả ngàn bức ảnh và hàng trăm tranh vẽ do người Pháp thực hiện về cuộc sống thường ngày ở miền Bắc Việt Nam hồi cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, có thể nhận ra sự hiện diện gần như ở khắp nơi của những chiếc nón lá.

Nón lá thời đó rất đa dạng về chủng loại, nhưng phổ biến hơn cả, có thể coi là chiếc nón tiêu biểu ở Bắc Bộ là những chiếc nón có đường kính lớn, tròn vành, có thành cao với mặt nón phẳng trông giống như chiếc lá nong tằm.

Những chiếc nón này thường gắn với người phụ nữ khi họ ở trong nhà, ngoài chợ, khi đang cấy lúa, dệt vải, hay đang nô nức trảy hội... Ở bất kì đâu, những vành nón trắng ấy luôn luôn là điểm nổi bật, như một dấu hiệu văn hóa đặc trưng của xứ sở. Đó chính là chiếc nón ba tầm.


Nón ba tầm cổ do anh Nghiêm Phú Luận (Tri Lễ, Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội) phục chế trưng bày tại Six Spaces, Hà Nội tháng 7 năm 2016

Về cái tên nón ba tầm, trong cuốn Technique du peuple Annamite (1909), phần chú thích bằng chữ Hán ghi là : "Nón phụ nữ, tục ngôn ba tầm". Chữ "Tầm" ở đây là chữ để chỉ kích cỡ đo lường như trong "tầm cỡ, tầm thước, tầm vóc ...".

Một "Tầm" bằng tám "Thước" (hay Xích). Trong cuốn Connaissance du Viet Nam (1954), tác giả còn giải thích rõ hơn: "Nón ba tầm, chapeau de trois tầm (3 fois 8 pouces: 1 m. 20)".

Có nghĩa là : "Nón ba tầm (3 lần 8 thước: 1 m. 20)". Như vậy, trái ngược với một cách giải thích đang ngày càng trở nên phổ biến, rằng: "Nón ba tầm là cách đọc trại đi từ nón ba tầng, ba tầng là ba lớp lá lợp nón".


Hình ảnh Nón Ba Tầm quai thao trên một tấm bưu thiếp của người Pháp đầu thế kỉ 20

Tôi đem thắc mắc này hỏi những nghệ nhân hiếm hoi vẫn giữ nghề làm nón ba tầm ở Thanh Oai (Hà Nội), vùng đất nổi tiếng với nghề đan nón. Các nghệ nhân đều khẳng định rằng : "Ba tầm là chỉ kích thước của chiếc nón chứ không phải là vì nón được lợp bằng ba lớp lá".

Các nghệ nhân cũng cho biết thêm: Nón ba tầm chỉ được lợp bằng hai lớp lá. Thường những loại nón tam giác mới có thêm lớp lót ở giữa bằng mo nang tre (lớp vỏ của măng tre) để chiếc nón cứng cáp hơn. Còn con số 1m20 mà trong cuốn sách trên dẫn ra không rõ là có ý nghĩa gì, nhưng theo tôi, có lẽ "ba tầm" chỉ là phiếm chỉ chiếc nón có kích cỡ lớn, hơn là chỉ một kích cỡ cụ thể nào đó.


Hình vẽ và chú thích Nón Ba Tầm trong sách "Technique du peuple Annamite", Henri Oger, năm 1909

Và những sự nhầm lẫn về nón ba tầm

Sở dĩ ngày nay có sự nhầm lẫn về nón ba tầm và các loại nón lá vành rộng khác là vì từ thập niên 1940, chiếc nón hình chóp, tức nón Trung Kỳ, nón Huế trở nên phổ biến khắp cả nước. Nón ba tầm và các loại nón lá vành rộng khác đã gần như biến mất ở Bắc Bộ. Nghề làm nón truyền thống ở các làng đã bị đứt đoạn và thất truyền.

Những thế hệ sau đó chỉ còn nghe đến tên Nón ba tầm, Nón thúng ... qua những câu dân ca hoặc những câu chuyện do người già kể lại. Thế nên mới dẫn tới rất nhiều nhầm lẫn về những chiếc nón. Một số sách báo viết về chiếc nón cũng không tránh khỏi nhầm lẫn. Đáng tiếc là sự nhầm lẫn này xuất hiện cả trong cuốn sách nghiên cứu về trang phục Việt Nam của một vị tiến sĩ.

Một sự nhầm lẫn thường gặp là giữa nón ba tầm và nón thúng - một loại nón cũng phổ biến ở Bắc Bộ thời xưa. Nón thúng cũng có dáng tròn, rộng tương tự ba tầm, nhưng sâu lòng hơn và thành nón cong mềm mại hơn chứ không thẳng như ba tầm. Sở dĩ có tên gọi nón thúng vì nón có hình dạng rất giống chiếc thúng.


Nón Thủy Thủ (nghệ nhân Nghiêm Phú Luận phục chế)

Ngoài ra, rất nhiều người cũng nhầm lẫn giữa nón ba tầm và "nón quai thao". Thực ra, "nón quai thao" chỉ là một cách gọi, một khái niệm chung chung chứ không phải là một loại nón cụ thể. Người xưa phân biệt các loại nón chủ yếu theo "form" - hình dạng của chúng: nón ba tầm, nón thúng, nón lòng chảo, nón bứa (trông giống một nửa quả bứa), nón chân tượng (chân voi)... Một số loại nón được gọi tên theo hạng người sử dụng nó: nón thầy tu, nón thủy thủ, nón lính tập, nón kị mã... Cùng một loại nón nhưng kích cỡ có thể lớn nhỏ khác nhau.

Những chiếc nón ba tầm lớn với đường kính 60, 70 cm còn được gọi là "nón Mười". Nón ba tầm có lòng sâu, thành cao thường được các bà các cô sử dụng trong các dịp quan trọng. Chiếc nón có thành thấp hơn được dùng phổ biến khi lao động, chợ búa. Nhưng người xưa không phân loại nón theo chiếc quai đeo vì chiếc quai là bộ phận có thể tháo dời, không gắn chặt vào nón. Nón và quai nón được sản xuất và mua bán, trao đổi như hai mặt hàng riêng. Quai nón ban đầu làm bằng lạt tre, sau thay bằng vải, lụa...

"Quai thao" là một loại quai nón bằng lụa rất đặc biệt do những người thợ ở làng Đơ Thao, Triều Khúc (Hà Nội) dệt nên. Chiếc quai thao được tết bện, nhuộm rất cầu kì trở thành một loại quai nón cao cấp. Thực tế, chiếc quai thao còn đắt hơn cả chiếc nón.

Quai thao được sử dụng với nhiều loại nón trang trọng như nón dâu, nón thầy tu (thao đen), và cả với các loại nón Ba Tầm, nón Thúng cho những phụ nữ gia đình khá giả hoặc chị em phụ nữ nói chung trong những dịp đặc biệt như lễ hội, đóng đám... Như vậy, quai thao có thể kết hợp với nhiều loại nón khác nhau, trong đó rất phổ biến là quai thao kết hợp với nón ba tầm.

Trong ca dao, dân ca cũng nhắc tới nón Thúng quai thao, nón nghệ quai thao...

Cô kia nón nghệ quai thao

Chồng cô đánh giặc biết bao giờ về

Hay như :

Chưa chồng nón thúng quai thao

Chồng rồi nón rách, quai nào thì quai

Vâng, vẫn là chiếc nón ấy thôi nhưng "quai nào thì quai". Thế nên, thực chất không hề có một loại nón cụ thể nào là nón quai thao cả. Nhưng tại sao "nón quai thao" lại xuất hiện rất nhiều trong ca dao, dân ca?

Như đã nói, quai thao là một loại trang sức đặc biệt. Bởi sự cầu kì của mình mà chiếc quai thao trở thành chi tiết nổi bật hơn cả ở chiếc nón, và thường được nhắc tới trước tiên "nón quai thao". Và cũng vì những tính chất nêu trên mà "nón quai thao" trở thành một khái niệm để chỉ chung những chiếc nón quý, nón lễ hội, trở thành một hình tượng phổ biến trong văn học dân gian thường ẩn dụ cho vẻ đẹp của người con gái.

Vì quá chú trọng vào dữ liệu ca dao, dân ca mà người ta đã "sáng tác" ra những cách giải thích lãng mạn về chiếc "nón quai thao" như: nón quai thao là dành cho thiếu nữ đi hội, còn nón ba tầm dành cho phụ nữ lớn tuổi hoặc trong lúc lao động.

***

Nón ba tầm đã trở nên thân thiết với những người phụ nữ Việt cả những khi châm lấm tay bùn, và cả những khi nô nức trảy hội. "Chẻ tre đan nón ba tầm, ai xui cô mình đội xem hội đêm Rằm" - lời ngỏ của những chàng trai ngày xưa cũng thật ý nhị. Rõ là khen ai rồi mà vẫn phải dẫn dụ xa gần "ai xui cô mình đội chiếc nón xinh đẹp đến thế để chúng anh ngẩn ngơ".

Và cả "nón quai thao", một khái niệm, một hình tượng nên thơ đã được trí tưởng tượng dân gian thêu dệt biến nó trở thành thực thự hư hư, diệu vợi như chiếc "lá diêu bông" của miền Kinh Bắc.

Hà Nội, 7/2016.

Quang Thắng (nhà nghiên cứu)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm